Dưới đây là 5 sự thật thú vị về não bộ sẽ giúp ích cho công cuộc “chuyển mình” của bạn, được chia sẻ bởi tiến sĩ, nhà khoa học thần kinh, nhà khai vấn Tara Swart (tác giả cuốn sách “Nội lực” - “The Source”).
1. Thay vài liên kết, mới một cuộc đời
Theo Tara Swart, do ảnh hưởng tuổi thơ hoặc thói quen lâu ngày, có những đường dẫn thần kinh cũ kỹ rất vững chắc trong não bộ, chúng gắn liền với những khuôn mẫu suy nghĩ và hành vi cứng nhắc của ta.
Hãy thử nghĩ xem, có khía cạnh nào trong cuộc sống của bạn gắn liền với các đường dẫn tiêu cực trong não bộ? Đó là sự lười biếng, tính trì hoãn, thói bộp chộp, hay sự cứng nhắc trong công việc?
Trong “Nội lực”, Tara dẫn ra những chứng cứ khoa học mới nhất cho thấy con người có thể phần nào đó “cài đặt lại” những liên kết thần kinh, qua đó cải thiện thói quen, hành vi, con người mình.
Nói như Tara, nếu như coi bộ não là một chiếc máy tính, thì đó không phải là “chiếc máy tính đặt trên bàn, bất lực với việc thay đổi”. “Thay vào đó, bạn vừa là lập trình viên, người nâng cấp các phần mềm để chuyển đổi dữ liệu (suy nghĩ của bạn), vừa là kỹ sư làm việc phía sau hậu đài để tinh chỉnh phần cứng (các tế bào thần kinh)”. Chẳng hạn, Tara từng chứng kiến nhiều người phục hồi được sau di chứng của cơn đột quỵ, u não hay chứng rối loạn ăn uống… Họ đã đảo ngược những tình trạng thể chất tưởng chừng khả dĩ nhờ họ biết cách “tái thiết” những liên kết thần kinh trong não bộ của mình.
Nhưng thể chất chỉ là một phần. Một số “bản tính khó dời” nhất của con người có thể được điều chỉnh. “Bất cứ khi nào tôi nghe thấy câu: ‘Tính tôi là vậy!’, tôi luôn thách thức niềm tin này”, Tara cho hay.
2. Chút mới mẻ mỗi ngày giúp não bộ dễ “thay mới” liên kết thần kinh
Não bộ có thể uốn nắn, hay hệ thần kinh khả biến, cũng chính là chủ đề trọng tâm trong “Nội lực” - cuốn sách bày người đọc cách chủ động thay đổi những đường dẫn thần kinh tiêu cực bằng những liên kết tích cực; qua đó, giúp những thay đổi khó khăn trong cuộc sống trở nên khả thi hơn.
Rõ ràng là chẳng ai có thể… đưa tay vào não mình để uốn nắn từng liên kết thần kinh một, nhưng qua những hoạt động thường ngày, như cách tư duy, hay những kỹ thuật tâm trí nho nhỏ, những liên kết thần kinh bên trong não bộ có thể được tinh chỉnh. Chẳng hạn, Tara cho rằng khi một người thường xuyên thử những trải nghiệm mới lạ, não bộ của họ sẽ trở nên “mềm dẻo”, linh hoạt hơn, bớt quay về với những liên kết thần kinh cũ kỹ hơn.
“Trải nghiệm mới lạ sẽ tăng cường tính khả biến thần kinh”, Tara viết, “Hãy thử chơi một môn thể thao mới, dắt chó đi dạo trong một công viên khác với công viên mà bạn thường đến, thay đổi kênh podcast thường nghe hay lựa một cuốn sách mà bạn không thường hay đọc”.
3. Lặp lại, lặp lại, lặp lại!
Tiếp theo, nhà khoa học thần kinh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của sự lặp lại (một hành vi hay kiểu tư duy mong muốn) để những đường dẫn thần kinh liên quan vững chắc, mạnh mẽ hơn theo thời gian.
Điều gì trong bộ não mà bạn muốn “ghi đè” lên? Quảng giao hơn? Nói tiếng Anh trôi chảy hơn? Trở thành chuyên gia về một công nghệ mới? “Mấu chốt ở đây là hãy trông đợi nó xảy ra, nhưng đừng cho rằng nó sẽ xảy ra dễ dàng”, Tara cho biết.
Não bộ luôn có xu hướng quay về với những “lối mòn”, những cơ chế mặc định của nó (để tiết kiệm năng lượng). Chẳng hạn, dù đặt mục tiêu trở thành người quảng giao hơn, một cá nhân nhút nhát sẽ luôn có xu hướng quay về với thói quen cũ: từ chối những cuộc hẹn, im lặng thay vì mở lời bắt chuyện với người lạ…
Cho nên, việc thúc đẩy não bộ thay đổi, đòi hỏi một nỗ lực rất lớn cả về mặt thể chất và tinh thần, và sự lặp lại kiên trì. Theo Tara, hầu hết mọi thay đổi lớn lao đều cần nguyên một năm dài để thực sự thành hiện thực - bởi vì đó là thời gian các đường dẫn não bộ của ta được củng cố, từ đó dẫn dắt hành vi của ta để kiến tạo nên hiện thực mới mẻ hơn.
4. Lực hấp dẫn là có thật
Kế đến, nữ tác giả chỉ ra một kỹ thuật tâm trí có thể giúp bạn xích lại gần hơn hiện thực mà bạn mong muốn.
Không mấy ai xa lạ với luật hấp dẫn (Law of Attraction), quy luật được nhiều chuyên gia phát triển bản thân truyền bá rằng: Khi thực sự khao khát một điều gì đó, bạn sẽ thu hút điều đó về phía mình. Tara đã chỉ ra, quy luật này không phải là niềm tin mù quáng, mà còn có cơ sở thần kinh học. “Não bộ chú ý đến một lượng nhỏ những thông tin được ghi nhận qua các giác quan, đồng thời lọc ra những gì nó xem là sự xao nhãng không cần thiết”, Tara ghi. Điều đó có nghĩa rằng, trong cuộc sống thường ngày, tất cả chúng ta đều đang chặn lại một khối lượng lớn thông tin - và dĩ nhiên chủ động tập trung vào một số thông tin khác nhiều hơn.
Theo Tara Swart, việc tập trung vào những điều chúng ta muốn sẽ giúp ta dễ nhận ra chúng trong các cơ hội lướt qua hằng ngày.
Lấy ví dụ, nếu bạn viết ra danh sách các đặc điểm quan trọng của một công việc lý tưởng trong tương lai và thường xuyên suy ngẫm về nó; khi đó, bạn đang trang bị cho não bộ của mình khả năng nhận biết và “tỉnh thức” hơn với những cơ hội nghề nghiệp liên quan; từ đó nắm bắt chúng ngay khi có thể…
5. Quyền năng của “thuật hình dung” (manifesting)
Cuối cùng, “thuật hình dung” cũng là một kỹ thuật tâm trí thú vị và hữu ích được nhắc đến trong “Nội lực”.
Tara cho rằng việc tưởng tượng ra hình ảnh cụ thể của một buổi thuyết trình thành công, một phiên bản bản thân tuyệt vời, người bạn đời hay công việc trong mơ… thực sự góp phần giúp bạn đến gần với những điều đó hơn.
Theo nữ tác giả, thuật hình dung hiệu nghiệm bởi vì hệ thần kinh, ngạc nhiên thay, gần như KHÔNG nhận thấy sự khác biệt giữa việc được trải nghiệm trực tiếp một sự kiện với việc tưởng tượng sự kiện đó trong tâm trí.
Nói đơn giản, bằng việc tưởng tượng ra con người mới của mình, bạn đang giúp củng cố những liên kết thần kinh bổ trợ cho phiên bản đó, và sự tưởng tượng có hiệu quả không kém việc lặp đi lặp lại hành động như đã đề cập ở trên.
“Nội lực” đã được dịch sang gần 40 ngôn ngữ trên thế giới và được nhắc đến trên Financial Times, The Guardian, Bloomberg và hàng loạt tờ báo uy tín khác. Tờ Evening Standard của Anh nhận xét ấn phẩm giống như một cuốn sách self-help thành công kinh điển, “nhưng ngầu hơn và khoa học hơn”.
Cuốn sách rất phù hợp cho những ai vẫn luôn muốn thay đổi mình, nhưng vẫn còn chần chừ, tự ti hoặc cảm thấy quá trình chuyển hoá quá nan giải. Mọi công cuộc thay đổi đều gian truân, nhưng nhờ những hướng dẫn của Tara Swart trong “Nội lực”, hành trình của bạn có thể bớt khó khăn, thêm nhiều cảm hứng và hy vọng hơn.