Nội lực - Thông minh cảm xúc hay chỉ là đa sầu đa cảm?

Quang Thanh07/12/2023 09:00
Nội lực - Thông minh cảm xúc hay chỉ là đa sầu đa cảm?

Có một sự khác biệt lớn giữa thông minh cảm xúc và nhạy cảm. Thường thì những người cho rằng mình “nhạy cảm” có thể chỉ nhạy với chính cảm xúc của mình nhưng lại bàng quan trước cảm xúc của người khác.

Trái lại, cũng có những lúc người thông minh về mặt cảm xúc lại bị mắc kẹt trong sự vị kỷ, khiến họ không nhận ra các tác động cảm xúc của bản thân đến những người xung quanh. Tình trạng này thường bất chợt phát tác trong những thời khắc tồi tệ như một cuộc ly dị hoặc khủng hoảng tuổi trung niên. 

Cảm xúc có sẵn trong "ngăn tủ người đầu bếp"

Ở lưng chừng tuổi ba mươi, Nicola là một quản lý nhà hàng khét tiếng bởi những lời góp ý gay gắt mà chẳng màng đến ảnh hưởng nặng nề của chúng. Cô không bao giờ tham gia tiệc sinh nhật của nhân viên, cô thích ngồi lì ở bàn làm việc hơn là chủ động tán gẫu với đồng nghiệp và tìm hiểu thêm về đời sống cá nhân của họ. Vì thế, cô không có được những mối quan hệ tốt trong công việc mà lẽ ra cô phải có.

Nicola có con nhỏ, và mặc dù đang làm một công việc vất vả, cô vẫn cố hết mình để nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiết với các con. Tôi hỏi rằng liệu Nicola có thể áp dụng nguyên tắc nuôi dạy con cái của mình vào việc củng cố quan hệ với những nhân viên phục vụ không. Điều này đã đánh trúng vấn đề của Nicola, và giờ đây cô càng ngày càng phát huy lối tiếp cận đầy tính nuôi dưỡng với những nhân sự của mình.

Chỉ sau một vài tuần luyện tập điều tiết cảm xúc - ví dụ như lắng nghe mà không ngắt lời, giao tiếp hiệu quả bằng mắt, chú ý đến người khác và dùng những từ như “tôi cảm thấy”, “tôi tin là” hoặc “tôi rất mong” thay vì “tôi nghĩ rằng”, “tôi quyết định” và “tôi muốn” - những mối quan hệ giữa Nicola với nhân viên của mình đã được cải thiện hoàn toàn.

Thật ra, quyền năng làm chủ thế giới nội tâm cảm xúc vốn nằm trong tầm tay của mỗi người. Cảm xúc của chúng ta về cơ bản là những công cụ được sử dụng để ta định hình phản ứng của mình với thế giới bên ngoài.

Giáo sư tâm lý học Ellen Langer thuộc Đại học Harvard từng ví von rằng cảm xúc giống như những nguyên liệu có sẵn trong ngăn tủ của người đầu bếp, chứ không phải là thứ lực lượng tự nhiên không tài nào chế ngự và mặc sức chi phối loài người. Chúng ta có thể quyết định hành động của mình dựa trên cảm xúc, cũng như cách ta chọn nguyên liệu trong phòng bếp vậy. Não bộ của con người vốn dĩ luôn chủ động tham gia vào tiến trình này, nó lựa chọn và kết hợp các “nguyên liệu” để tạo ra phản ứng của ta trước từng tình huống cụ thể: có khi là một chút bất ngờ, một niềm phấn khích hay một cơn rùng mình vì sợ hãi.

Đa phần mọi cảm xúc đều nằm trong tầm kiểm soát. Dĩ nhiên sẽ có một số người nhận biết cảm xúc nhạy bén hơn người khác. Những người bị chi phối bởi cảm xúc cũng giống như những đầu bếp “xác sống”, hoạt động theo cơ chế tự vận hành, dẫn đến những hành vi mà chính bản thân họ cũng không nhận thức được.

Trong vài thập niên gần đây, khoa học đã tiến bộ hơn và nhờ đó ta biết được rằng: mặc dù con người khó điều tiết được những cảm xúc mãnh liệt trong trạng thái này, nhưng việc nhận diện, xử lý và cải thiện những hành vi vẫn nằm trong khả năng của mỗi người.

Hãy thả lỏng và cho phép cơn giận dữ biến đi

Năng lực cảm xúc (Được định nghĩa là khả năng phát hiện, nhận biết cảm xúc để từ đó làm chủ chúng) có thể được hình thành thông qua việc tìm hiểu về cảm xúc và ảnh hưởng của chúng đối với mỗi cá nhân. Hãy bắt đầu từ việc nhận diện những cảm xúc mà bạn thường xuyên trải nghiệm và những cảm xúc bạn cho rằng không mấy quan trọng trong cuộc sống của mình.

Mỗi loại cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến chúng ta theo một cách khác nhau, nhưng việc ý thức được sự xuất hiện của chúng sẽ giúp bạn tách ra khỏi chúng và cảm nhận quyền làm chủ rõ hơn. Nếu bạn giữ được tính khách quan, những cảm xúc mãnh liệt sẽ ít có xu hướng nhấn chìm bạn hơn. Khi “nỗi buồn” hay “cơn giận” trào dâng, hãy thử gọi tên nó. Việc này nghe có vẻ nhỏ nhặt, nhưng bạn sẽ rất ngạc nhiên trước tác động đáng kể của nó.

Một vài người gặp trở ngại với việc kiềm chế tính khí nóng nảy của mình. Khi tức giận, họ đỏ mặt tía tai, miệng thì la hét mắng chửi đến khi nhân viên bật khóc mới thôi. Có người thậm chí còn rơi nước mắt trước các đồng nghiệp cấp dưới của mình. Điều đáng kinh ngạc ở đây là đôi lúc họ còn chẳng biết mình đang giận quá mất khôn - chỉ sau khi mọi sự đã rồi, bị gia đình và đồng nghiệp trách móc thì họ mới bắt đầu tự hỏi điều gì đã xảy ra. Đó là thời cơ để tôi giúp họ giải trừ huyễn tưởng “hạch hạnh nhân chiếm quyền kiểm soát” và yêu cầu họ thừa nhận rằng hành vi của họ hoàn toàn không chấp nhận được và không được phép tái diễn. Tôi có cảm giác như thể mình trở lại cái thời còn công tác tại phòng khám tâm thần cho trẻ em vậy!

Tôi yêu cầu họ ghi nhận lần tiếp theo tình huống đó xảy ra, rồi sau đó nghĩ lại xem mình lẽ ra đã có thể làm gì khác. Thế là, lần tới họ đã nỗ lực nhận diện được những phản ứng cảm xúc thái quá của mình, ngay cả khi không thể dừng chúng lại. Rồi lại lần tiếp theo, tôi yêu cầu họ dừng hành vi đó ngay khi nhận ra nó đang nhen nhóm. Sau đó, họ phải học cách nhận diện những dấu hiệu cảnh báo sớm của “cơn giận” và bỏ đi khỏi hiện trường, hoặc luyện tập phương pháp DỪNG CẢM XÚC. Đâylà kỹ thuật thường được những nhà tâm lý trị liệu gia đình sử dụng cho các bé hay tức giận không kiểm soát.  

Khi bị vây hãm bởi cơn giận dữ, hãy nhắm mắt lại và cho phép bản thân cảm nhận nó. Hãy nhớ lại một lý do khiến bạn tức giận và cho phép nó chảy tràn cơ thể bạn. Cảm nhận cơn giận rần rật trên da, phập phồng trong lồng ngực, trong khoang miệng, trên từng thớ cơ và tâm trí của bạn. Khi bạn đã cảm thấy nó chiếm trọn cơ thể, hãy tưởng tượng mình đang cầm một tấm biển ghi chữ DỪNG LẠI thật lớn, màu đỏ và để cảm xúc này tiêu tan hoàn toàn, thả lỏng các cơ và cho phép cảm xúc giận dữ biến đi. Hãy luyện tập phương pháp này cho đến khi bạn cảm thấy mình có thể sử dụng nó trong những hoàn cảnh thực tế để bình tĩnh hơn.

Khi bắt đầu áp dụng các bài tập thể chất – chẳng hạn những phương thức rèn luyện sự tỉnh thức như yoga, thiền hay bài tập DỪNG CẢM XÚC ở trên giúp xử lý cảm xúc bột phát, dần dà bạn sẽ cảm thấy việc xoa dịu chúng là một lựa chọn khả thi. Tuy nhiên, đôi khi điều duy nhất bạn có thể làm khi rơi vào trạng thái quá tải cảm xúc chính là leo lên giường và đợi đến khi cảm xúc lắng xuống thì bắt đầu mọi thứ lại từ đầu!

Dẫu có thừa nhận hay không, thì sự thật loài người chính là sinh vật cảm tính. Mỗi một quyết định ta đưa ra đều bị chi phối bởi cảm xúc. Bằng cách phát triển trí thông minh cảm xúc, hầu hết thời gian chúng ta có thể duy trì sự cân bằng với tư cách là cơ chế mặc định của não bộ. Chắc chắn sẽ có lúc căng thẳng dồn tâm trí chúng ta vào trạng thái tư duy khan hiếm và chú trọng sự sinh tồn, nhưng ta càng nhanh chóng nhận diện được nó và hành động để phục hồi sự cân bằng bao nhiêu, ta càng dễ tránh những sai lầm tai hại tiềm ẩn bấy nhiêu.

Bất cứ cảm giác bất lực nào trong việc đưa ra các quyết định đúng đắn lẽ ra “nên” được đưa ra chính là biểu hiện cho thấy đã đến lúc phải chấp nhận sự thực này: làm chủ cảm xúc là hy vọng duy nhất giúp chúng ta giải phóng hoàn toàn Nội lực. Cảm xúc tạo nên mỗi con người và kiểm soát toàn bộ trải nghiệm của chúng ta về thế giới và cuộc sống.

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 6, 26/04/2024