Nhờ cuốn sách của James Borton, những chuyện vĩ mô quốc tế, môi trường khô khan được nhìn từ góc nhìn của người ngư dân, của sinh kế, trở nên thật sinh động và cấp thiết.
Gần đây thì mình rất chú ý đến câu chuyện của 13 ngư dân Quảng Nam bị mất tích trong vụ chìm tàu câu mực trên Trường Sa. Xem những đoạn video, hình ảnh về những người ngư dân sống sót trở về làm mình cảm thấy rưng rưng. Thương sao những bà con ra khơi mưa sinh và bám biển, sinh nghề tử nghiệp, biết bao “sóng gió” đang rình rập họ giữa biển khơi.
Có lẽ vì thế mà mình có một sự chú ý đặc biệt đến cuốn sách này: “Xoay chuyển tình hình Biển Đông” của nhà báo Mỹ James Borton. Mình muốn biết nhiều hơn về những gì đang xảy đến và đe doạ ngư dân nước mình; muốn có cái nhìn toàn cảnh và cận cảnh hơn về những gì đang xảy ra trên Biển Đông.
Và cuốn sách này đã không khiến mình thất vọng, mà thậm chí còn vượt xa những mong đợi của mình. Và mình sẽ kể cho bạn lý do tại sao:
Thứ nhất, sách không thiếu có câu chuyện thực địa về những ngư dân, người dân vùng duyên hải Việt Nam, và những câu chuyện đó còn được tường thuật rất hấp dẫn và cảm xúc.
Qua đó, mình hiểu được toàn cảnh những khó khăn đang vây bủa người đi biển: Không những là thiên nhiên nhiều bất trắc nói chung, mà còn là sự đe doạ từ những tàu cá nước ngoài (do tranh chấp ngư trường và lãnh thổ), và còn nóng hổi hơn nữa là tình trạng môi trường bị suy thoái (trực tiếp ảnh hưởng đến sinh kế của người dân).
Thứ hai, mình cũng được nghe và hiểu những câu chuyện thật đẹp về truyền thống nghề cá, về mối liên kết tinh thần của người dân với biển cả - thông qua phần ghi chép thực địa về người dân trên đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Thứ ba, câu chuyện về đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của Việt Nam - ở chương 6 cuốn sách cũng rất thu hút. Tác giả làm rõ những mối nguy từ biến đổi khí hậu lẫn những con đập Trung Quốc ở thượng nguồn… đã ảnh hưởng đến mùa màng, môi trường sống và nền văn hoá sông nước nơi đây.
Thứ tư, với những chủ đề hấp dẫn trên, không chỉ ghi chép từ hiện trường và những người dân địa phương, tác giả còn đưa thêm cái nhìn từ các nhà khoa học biển, chuyên gia chính sách; rồi còn liên kết với những chi tiết lịch sử nữa.
Cuối cùng, ngoài những câu chuyện thực địa ở phần đầu, tác giả dành 2 phần còn lại cuốn sách cho những phân tích vĩ mô hơn: chính trị sinh thái và ngoại giao khoa học giữa các nước. Thú thực là hai phần này mình thấy hơi ít hấp dẫn so với phần trước, nhưng đồng thời, cũng giúp mở mang cho mình về một chủ đề mình chưa quen thuộc: chính trị quốc tế.
“Đầy cảm xúc”, hay “hấp dẫn” ít khi là những cụm từ được đi kèm với những câu chuyện chính trị hay môi trường trên truyền thông. Nhưng nhờ cuốn sách của James Borton, những chuyện vĩ mô quốc tế, môi trường khô khan được nhìn từ góc nhìn của người ngư dân, của sinh kế, trở nên thật sinh động và cấp thiết.
Hãy đọc cuốn sách này nếu bạn cũng đang quan tâm đến chủ đề môi trường và những câu chuyện của người nông dân, ngư dân Việt Nam nhé.
“Xoay chuyển tình hình Biển Đông”: Bức tranh đa chiều, đầy cảm xúc về tình trạng sụp đổ nghề cá, suy thoái môi trường và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.