Chúng ta đang sống trong một thời đại mà những phát minh mới về công nghệ xuất hiện dồn dập: Mạng xã hội, blockchain hay thậm trí là trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang bắt đầu thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của con người. Chúng ta có xu hướng cảm nhận ra sự tiến bộ của bản thân thông qua sự hỗ trợ của công nghệ: Chúng ta có thể hoàn thành nhiều công việc hơn, mở rộng nhiều mối quan hệ hơn từ đó xây dựng một nền tảng vững chắc để tồn tại trong xã hội. Nhưng sự tiến bộ đó có đem đến hạnh phúc thật sự cho chúng ta?
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận thẳng vào bản chất của những thành tựu đó thì có thể có ý nghĩa về mặt xã hội học và có lẽ đem lại một lối sống tốt hơn, bớt đi tình trạng nghèo đói, bớt đi các cuộc chiến tranh, … nhưng về bản chất thì nó cũng không bao giờ giải quyết được vấn đề nền tảng là phiền não. Khi nguyên nhân chính vẫn là không thấu hiểu, không giải quyết và vượt qua được sự thôi thúc, ham muốn gây ra khổ đau, thì việc chỉ đơn thuần điều chỉnh để thích nghi với xã hội là sự tiếp nối của mầm mống đau khổ tiềm tàng.
Bên cạnh đó, những tiến bộ này chỉ làm thay đổi một cách hời hợt cung cách ứng xử trong cuộc sống. Ta cảm thấy tiến bộ hơn vì ta đang điều chỉnh trên bề mặt để thích nghi với môi trường, để tuân thủ theo một khuôn mẫu đã được cải tiến. Đối với Krishnamurti: “Tiến bộ đơn thuần là tiến bộ trong phiền não, nó có thể xoa dịu, giảm nhẹ phiền não, nhưng không chấm dứt được phiền não, vốn luôn âm ỉ”. Vì thế, vấn đề của ta là làm sao giải thoát trí não khỏi mọi sự quy định chứ không phải làm sao để quy định nó tốt hơn.
Cuốn sách “Như ta là” có thể là gáo nước lạnh cho những ai muốn tìm kiếm câu trả lời để giải quyết tận gốc rễ mầm mống của đau khổ. Tác giả không đưa ra giải pháp cho các vấn đề này, thay vào đó ông hướng người đọc thấu hiểu “ta là như thế nào, như chính ta là, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống thường ngày - không phải ta nên là thế nào, như được định nghĩa bởi các giá trị văn hóa, những lý tưởng tôn giáo và những tương lai tự phóng chiếu ra”.
Những suy nghiệm này được ông nói từ hơn nửa thế kỷ trước với lối truyền đạt đơn giản, trực diện qua những chất vấn giàu tính khai sáng, không ngại đụng đến những vấn đề nóng trên thế giới. Chính điều này khiến tác phẩm vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.