Trong câu chuyện truyền miệng nổi tiếng thế kỷ 19, John Henry được mô tả là “người nện thép”, công việc của ông là nện đinh thép vào những tảng đá lớn. Thời đó, việc nện đinh thép vào đá là nhằm tạo ra những cái lỗ để nhét chất nổ vào, phá đá và dọn đường để đặt đường ray xe lửa. John Henry là người giỏi nhất trong nghề này.
Đến một ngày, máy khoan chạy bằng hơi nước được phát minh để làm đúng công việc đó. John Henry không muốn bị thay thế bằng máy móc, ông nói với trưởng kíp của mình: “Một con người phải hành động như một con người. Trước khi chiếc máy khoan chạy bằng hơi nước đánh bại được tôi, tôi sẽ chết với chiếc búa trong tay”.
Sau đó, ông đã “đấu” với chiếc máy khoan để phân định người hay máy hiệu quả hơn. Đó là một trận chiến gay cấn, và John Henry đã giành chiến thắng.
Tuy nhiên, vì công việc quá nặng nhọc nên ngay khi cuộc thi vừa chấm dứt, John Henry đã ngã quỵ và qua đời tại chỗ vì kiệt sức, tay ông vẫn cầm chiếc búa. Mọi người đều đồng tình: “John Henry đã chết như một con người”.
Bạn có cảm thấy câu chuyện này thật phi lý?
Tại sao John Henry không chuyển sang làm công việc vận hành chiếc máy khoan hơi nước? Ông có vẻ là một ứng viên xuất sắc cho công việc đó, và đó chắc chắn là công việc được trả lương cao hơn với phần việc nhẹ nhàng hơn.
Tại sao ông lại thích sử dụng sức lực và năng lượng của mình cho việc khoan đá trong khi có thể tận dụng máy móc?
Henry đã đánh đổi cả mạng sống của mình để cố chứng minh một điều không thể chứng minh, đó là sức mạnh cơ bắp của con người luôn vượt xa sức mạnh của máy móc. Bạn có cảm thấy kỳ quặc khi cái chết của John Henry được công nhận như điều gì đó thật cao quý?
Và John Henry cũng không phải là hoàn toàn không sử dụng công cụ, chiếc búa ông vẫn cầm trên tay khi ngã xuống chính là một ví dụ. Vậy tại sao ông lại phản đối việc sử dụng chiếc máy chạy bằng hơi nước?
Đây là một câu chuyện buồn; buồn hơn là có một số bằng chứng cho thấy giai thoại này dựa trên chuyện có thật.
Và trên thực tế, câu chuyện về John Henry đã tóm lược khá chính xác mối quan hệ phức tạp và dai dẳng giữa con người với những công cụ tiết kiệm sức lao động.
Mới đây, khi chatbot ChatGPT “phá đảo” thế giới với khả năng trò chuyện, viết lách, thiết kế, làm video…; bạn có cảm thấy sự kháng cự của mình với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - tương tự như cách John Henry kháng cự lại máy khoan chạy bằng hơi nước ngày nào?
Không chỉ mạnh mẽ hơn, liệu rô-bốt và AI tương lai có thông minh hơn chúng ta? AI có tước đoạt hết công việc không? Có loại công việc nào không dành cho AI và rô-bốt không? Bạn sẽ đọ sức với AI, một mực chứng minh rằng bản thân mình giỏi hơn nó, hay nhanh chóng chấp nhận và tận dụng nó - để lao động trở nên nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn?
Trong “Thời đại thứ tư”, (tựa gốc: “The Fourth Age”), tác giả Byron Reese sẽ hỗ trợ bạn phần nào trả lời những câu hỏi phức tạp đó. Cuốn sách lọt top “những cuốn sách cần thiết để đón đầu thời đại AI” theo bình chọn của tờ New York Times và Forbes.
“Nếu bạn chỉ đọc một cuốn sách viết về cuộc cách mạng AI, hãy lựa chọn ‘Thời đại Thứ Tư’” (John Mackey - CEO Whole Foods Market).