Người kể chuyện, cũng là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, là Sinuhe - một đứa trẻ bị thả trôi sông, được vợ chồng thầy thuốc nghèo không có con ở thành Thebes mang về nuôi dưỡng. Sinuhe lớn lên trong tình thương vô bờ của cha mẹ nuôi. Nhờ sự hướng nghiệp của cha nuôi, Sinuhe đã theo học nghề y và sau này trở thành một danh y hoàng gia nổi tiếng.
Bi kịch bắt đầu từ lúc Sinuhe chìm đắm trong mối tình đơn phương với kỳ nữ Nefernefernefer. Sau khi bị lừa mất hết tài sản, cũng như gián tiếp gây ra cái chết thương tâm cho cha mẹ nuôi, Sinuhe quyết định rời bỏ quê hương Ai Cập, cùng người đầy tớ Kaptah chu du đến nhiều miền đất mới nhằm quên đi quá khứ đau buồn.
Qua tài năng kể chuyện tuyệt vời của tác giả Mika Waltari, thân phận thật sự của Sinuhe sau những chuyến phiêu lưu ấy cũng dần được hé lộ, cả những lỗi lầm mà Sinuhe gây ra cũng hàm chứa bi kịch đầy cay đắng…
Dù lấy bối cảnh xã hội Ai Cập cổ đại vào những năm 1390 - 1335 trước Công lịch, nhưng những bài học cuộc sống cùng triết lý nhân sinh sâu sắc mà bộ tiểu thuyết lịch sử “Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu” đem lại vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.
Mika Waltari đã thành công trong việc gợi lên trong lòng người đọc những suy tư, trăn trở về thân phận nhỏ bé của con người trước những biến động của thời cuộc; về cách chúng ta cố gắng tồn tại trên cõi đời này; về niềm khao khát theo đuổi tình yêu, tìm kiếm hạnh phúc; cũng như cách dũng cảm đối mặt với khó khăn, vượt lên nghịch cảnh, hóa giải xung đột trong cuộc sống.
Hình ảnh con người trong “Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu” hiện lên với sự đan cài giữa dục vọng bản thân cùng những mâu thuẫn nội tâm giằng xé nhân vật. Như Sinuhe, tuy thông minh, tài giỏi nhưng lại điên cuồng mù quáng trước mối tình vô vọng thời trai trẻ. Anh hiền lành, thiện lương nhưng đứng trước ngọn lửa hận thù, Sinuhe sẵn sàng trả thù Nefernefernefer vì đã gây ra cái chết của cha mẹ mình, ngay cả khi anh biết “sự trả thù này thật trẻ con”.
Sinuhe giàu lòng trắc ẩn, hết lòng chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, nhưng vẫn có thể nhẫn tâm hại người khi giúp tể tướng Horemheb giết chết vua Aziru xứ Amor, đầu độc Pharaon Ekhnaton, hoặc bí mật ám sát hoàng tử Shubattu “để cứu Ai Cập khỏi ách cai trị của Hittite” … Có thể thấy, cả cuộc đời mình, Sinuhe đã kết giao với nhiều nhân vật nổi tiếng nhưng đằng sau những mối lương duyên đặc biệt ấy đều nhận về kết cục u buồn.
Đến cuối đời, Sinuhe vẫn không thể thoát khỏi nỗi dằn vặt lương tâm khi “cảm giác rằng cái chết luôn theo dấu chân tôi bất cứ nơi nào tôi đến”. Nhìn vào cuộc đời sóng gió của Sinuhe, ta như cảm nhận được sâu sắc nỗi cô đơn và cảm giác xa lạ của con người trên thế gian.
“Tôi lớn lên thành thầy thuốc để chữa bệnh cho mọi người bằng kỹ năng của mình và gieo trồng sự sống thay vì cái chết, nhưng bố và mẹ tôi đã chết vì tội lỗi của tôi, Minea chết vì sự yếu đuối của tôi, Merit và bé Thoth chết vì sự mù quáng của tôi và Pharaon Ekhnaton chết vì sự căm giận của tôi, vì tình bạn của tôi và vì Ai Cập. Tất cả những người tôi yêu quý đều chết đau đớn, tức tưởi vì tôi. Rồi cả Hoàng tử Shubattu cũng chết vì tôi, mặc dù tôi quý mến ngài khi ngài hấp hối và không còn muốn ngài chết nữa. Vì vậy, tôi bắt đầu sợ cả đôi mắt lẫn đôi tay mình khi tôi trở lại Tanis và tin rằng tai họa sẽ theo tôi tới bất cứ nơi nào tôi đến”, Sinuhe chua xót nói.
Dưới ngòi bút tài hoa của Mika Waltari, các nhân vật trong câu chuyện, và dường như nhân loại nói chung đều mải miết trên hành trình tìm kiếm sự thật và tình yêu trong nỗi day dứt khôn nguôi. Nhưng với những điểm yếu cố hữu của con người, họ luôn bị giày vò bởi những dục vọng tham lam, sự nghi kị lẫn nhau.
Cuộc cải cách của Pharaon Akhenaton chính là “nút thắt” đẩy bi kịch lên đến cao trào khiến những mộng tưởng bấy lâu của Sinuhe về một thế giới hòa bình dần vỡ vụn. Giống như Sinuhe, Pharaon Akhenaton mơ về một xã hội bình đẳng, không phân biệt người giàu với kẻ nghèo, nơi tất cả người dân có thể chung sống an vui, hoà thuận với nhau. Tuy nhiên, đáp lại các chính sách hướng thiện của Akhenaton, người dân Ai Cập vẫn nghi ngờ, thù ghét nhau, từ đó gây nên cuộc nội chiến kinh hoàng…
Kiệt tác “Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu” không chỉ xoay quanh tình bạn, tình yêu chốn vương triều mà còn đại diện cho khát vọng mưu cầu hạnh phúc của con người. Tiếc thay, quãng thời gian hạnh phúc của các nhân vật, cũng như nền hòa bình của các quốc gia trong tác phẩm lại thường tồn tại ngắn ngủi và nhanh chóng biến tan trước những tham vọng, âm mưu quyền lực, nỗi bất an thời thế, từ đó để lại cho người đọc cảm giác tiếc nuối lẫn nỗi day dứt về sau.
Dù tác phẩm thấm đẫm nỗi buồn mênh mang, nhưng dư vị đọng lại trong lòng độc giả sau khi khép lại bộ sách lại là sự dịu ngọt của tình người, là tình cảm gia đình thiêng liêng vượt lên trên tình máu mủ, là những năm tháng tuổi trẻ được sống hết mình vì lý tưởng, vì tình yêu quê hương da diết... Ta dường như cảm nhận rõ niềm hạnh phúc dịu ngọt này khi tác giả đặt cái đẹp và những niềm vui ngắn ngủi ngay cạnh những khổ đau và nghịch lý triền miên, càng làm nét đẹp đó trở nên mong manh và đáng giá hơn gấp bội.
Trong “Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu”, độc giả có thể thấy nhiều điểm tương đồng đáng ngạc nhiên giữa Ai Cập cổ đại và châu Âu trong thời kỳ Thế chiến II. Trên thực tế, Mika Waltari bắt đầu viết tác phẩm này vào năm 1945, khi châu Âu và thế giới vừa trải qua Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Cuộc thế chiến đã tác động sâu sắc đến thế giới quan của tác giả, và cung cấp cho ông những động lực quan trọng để khám phá các chủ đề liên quan đến Ai Cập cổ đại. Và mặc dù bộ tiểu thuyết mô tả các sự kiện diễn ra hơn 3000 năm trước, nhưng người đọc có thể cảm nhận sâu sắc cảm giác vỡ mộng cùng nỗi mệt mỏi về chiến tranh đương thời, về bản chất của nhân loại trong tác phẩm.
Ở Phần Lan, người ta nói rằng nếu ai đó chỉ đọc một cuốn sách trong đời, thì cuốn sách đó nên là “Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu” của Mika Waltari. Nhiều thế hệ độc giả ngày nay vẫn còn say sưa trước cốt truyện lôi cuốn, thế giới Ai Cập cổ đại đầy sống động trong bộ sách, nhưng trên hết là thứ triết lý nhân sinh đầy buồn bã trong văn chương Waltari. Đến nay, kiệt tác “Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu” đã được dịch sang 41 ngôn ngữ trên thế giới. Đây cũng chính là nguyên tác của “Dấu chân trên cát” (Nguyên Phong phóng tác) - tác phẩm vốn rất được yêu thích tại Việt Nam.