Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu - Có gì để xứng danh kiệt tác? 

Quin08/05/2023 08:00
Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu - Có gì để xứng danh kiệt tác? 

Ở Phần Lan, người ta nói rằng nếu ai đó chỉ đọc một cuốn sách trong đời, thì cuốn sách nên đọc là “Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu” của Mika Waltari. Vậy, tác phẩm 1200 trang này có gì để được tôn vào hàng kiệt tác phải đọc như vậy? 

Một cuốn sách với chủ đề phức tạp và nhiều lớp lang. Tình yêu, tình bạn, tranh đấu quyền lực, người giàu và kẻ nghèo, tuổi thơ, lỗi lầm, phản bội, trả thù, nỗi cô đơn… Đây không phải là câu chuyện đơn giản về cái thiện đấu tranh với cái ác; mà còn là về cái ác trong mầm thiện, lý lẽ của cái ác, về những đắng cay chua chát của nhân sinh.

Cốt truyện chặt chẽ với nhiều nút thắt bất ngờ, nhiều tình tiết làm đau xé lòng. Những biến cố, chia cắt, bất hạnh, đặc biệt những lựa chọn khó khăn của nhân vật chính… sẽ “làm nội thương” ngay cả những độc giả lạnh lùng, cứng cỏi nhất. 

Thế giới cổ đại đầy sinh động được hiện lên qua những nét miêu tả tài hoa của tác giả. Một Thebes ồn ào, náo nhiệt, sông Nile êm đềm hay sa mạc rát nóng… Tác giả đưa người đọc ngược chiều lịch sử và chìm đắm trong thế giới sống động xa xưa ấy. Ta cũng được biết thêm về những nề nếp lạ lùng của người cổ đại, như chuyện khoan sọ để chữa bệnh, những bảng đất sét họ dùng để ghi chép, cách họ đối đãi với nô lệ, hay tập quán, trang phục, tôn giáo… khác biệt giữa các vương quốc. 

Khó ai có thể tin được là tác giả Mika Waltari chưa hề đặt chân tới Ai Cập cho đến khi viết xong cuốn tiểu thuyết này. Một tác phẩm dày tới 1200 trang in trong tiếng Việt (800 trang trong tiếng Phần Lan) được ông viết chỉ trong hơn ba tháng mùa hè năm 1945 trên gác mái ngôi nhà nghỉ của mẹ vợ, dựa trên những tư liệu sưu tập được từ các thư viện và trí tưởng tượng phong phú của mình.

Tạp chí The New York Times nhận xét cuốn sách là “Một bức tranh toàn cảnh sống động, thú vị về thời cổ đại của một người kể chuyện tài ba”. Đến nay, sách đã được dịch sang 41 ngôn ngữ trên thế giới. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận