Việc khoan sọ được hứa hẹn là “xua đuổi được loại tà ma biến con người ta thành điên khùng và lấy những khối u ủ bệnh ra khỏi não của họ”. Có thể bệnh nhân sẽ khỏi bệnh sau khi được khoan hộp sọ, tuy nhiên, nhiều khả năng là họ sẽ chết, bởi trong 100 người chỉ có 1 người sống sót sau khi bị khoan sọ.
Đối với các pharaon Ai Cập mang trọng bệnh, việc mổ não là giải pháp cuối cùng nếu như các ngài không chết theo cách tự nhiên.
Dù là một cuốn tiểu thuyết hư cấu, nhưng trong “Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu”, những nề nếp, thói quen trong đời thực của người Ai Cập cổ đại, trong đó có việc khoan sọ, đã được tác giả mô tả vô cùng chính xác. Độ tỉ mỉ và chuẩn xác của những miêu tả này thậm chí còn được tôn vinh bởi các nhà Ai Cập học.
Trong tiểu thuyết, nhân vật chính Sinuhe cũng là một danh y khoan sọ tài năng. Nhiều lần khoan sọ đáng nhớ của ông cũng được ghi chép rất sống động trong sách này. Chẳng hạn như trong đoạn dưới đây:
“Bệnh nhân là một cậu bé được lính canh phát hiện thấy khi nằm bất tỉnh trên đường phố và hộp sọ bị móp vào trong. Tôi tình cờ ở trong Nhà Sống khi lính canh khênh cậu bé vào và tôi biết mình không có gì để mất, vì người ta nghĩ chắc chắn cậu sẽ chết và không danh y nào muốn động vào cậu.
Vì vậy, tôi khoan cái đầu bị vỡ của cậu nhanh hết khả năng, nhặt những mẩu xương vụn ra khỏi não và bịt kín chỗ hở trên đầu bằng miếng bạc đã được sát trùng.
Cậu bé đã hồi phục và đến tận hai tuần sau khi tôi rời khỏi Thebes vẫn còn sống, nhưng cậu khó cử động tay và không cảm thấy nhột khi bị cù vào lòng bàn tay cũng như lòng bàn chân. Song tôi tin thời gian qua đi, cậu ấy sẽ hoàn toàn lành lặn”...
Ở Phần Lan, người ta nói rằng nếu ai đó chỉ đọc một cuốn sách trong đời, thì cuốn sách nên đọc là “Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu” của Mika Waltari. Tạp chí The New York Times nhận xét cuốn sách là “Một bức tranh toàn cảnh sống động, thú vị về thời cổ đại của một người kể chuyện tài ba”. Đến nay, sách đã được dịch sang 41 ngôn ngữ trên thế giới.