Một tác phẩm dày tới 1200 trang in trong tiếng Việt (800 trang trong tiếng Phần Lan) được ông viết chỉ trong hơn ba tháng mùa hè năm 1945 trên gác mái ngôi nhà nghỉ của mẹ vợ, dựa trên những tư liệu sưu tập được từ các thư viện và trí tưởng tượng phong phú của mình.
Niềm đam mê Ai Cập cổ đại của Waltari bắt nguồn từ khi ông mới là cậu bé 14 tuổi. Đó là vào năm 1922, khi người ta vừa phát hiện ra lăng mộ pharaon Tutankamun (người trị vị vì triều đại thứ 18 của Ai Cập cổ đại); và cùng với đó, những câu chuyện kỳ bí liên quan đến “lời nguyền xác ướp” lan truyền cả thế giới.
Kể từ đấy, trong các chuyến đi ra nước ngoài, nơi đầu tiên Waltari luôn đến thăm các triển lãm và bảo tàng Ai Cập học địa phương. Waltari không ghi chép, thay vào đó, ông tiếp thu và ghi nhớ tất cả những kiến thức rộng lớn này; điều này cho phép ông đan xen thông tin tích lũy của mình một cách nhuần nhuyễn vào câu chuyện.
Tháng 4/1945, Mika Waltari tới ngôi nhà nhỏ của mẹ vợ ở Hartola, nơi ông bắt đầu viết trên gác mái. Những kinh nghiệm về chiến tranh và 20 năm nghiên cứu đã đẩy ông vào trạng thái mà câu chuyện như “bùng nổ” trong ông: Cuốn tiểu thuyết dày 800 trang tiếng Phần Lan (1200 trang tiếng Việt) được viết chỉ trong khoảng thời gian 3 tháng rưỡi với nguồn cảm hứng tuyệt vời.
Trong quá trình này, Waltari tuân theo một lịch trình nhất quán: Ông viết từ 9 giờ sáng đến 4 hoặc 5 giờ chiều, nghỉ ăn vào những thời điểm định trước, và các thành viên trong gia đình để ông làm việc.
Mẹ ông qua đời trong thời gian này. Khi đó vợ ông quản lý việc tổ chức tang lễ, Waltari đến dự tang lễ, và ngay sáng hôm sau, ông tiếp tục viết cuốn tiểu thuyết mà ông đã bỏ dở.
Trong “Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu”, độc giả có thể thấy nhiều điểm tương đồng đáng ngạc nhiên giữa Ai Cập cổ đại và châu Âu trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2.
Trên thực tế, tác giả Mika Waltari bắt đầu viết “Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu” vào 1945, là khi châu Âu và thế giới vừa trải qua chiến tranh thế giới thứ 2. Cuộc thế chiến đã tác động sâu sắc đến tác giả và cung cấp cho ông những động lực quan trọng để khám phá các chủ đề liên quan đến Ai Cập cổ đại.
Và mặc dù mô tả các sự kiện diễn ra hơn 3000 năm trước, nhưng trên thực tế lại phản ánh cảm giác vỡ mộng và mệt mỏi vì chiến tranh đương thời, đồng thời minh họa một cách bi quan về bản chất nhân loại.
Ở Phần Lan, người ta nói rằng nếu ai đó chỉ đọc một cuốn sách trong đời, thì cuốn sách nên đọc là “Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu” của Mika Waltari. Đây cũng chính là nguyên tác của “Dấu chân trên cát” (Nguyên Phong phóng tác) - tác phẩm vốn rất được yêu thích tại Việt Nam.