Tôi lầm lũi bước đi qua những khu chợ búa đông đúc. Lướt qua những quán ăn với điệu nhạc dập dìu và các vũ công xinh đẹp, tôi tiếp tục bước đi không định hướng cho đến khi nhìn thấy ánh đèn leo lét trong một khu xóm vắng vẻ tồi tàn với những ngôi nhà đổ nát xiêu vẹo.
Bất chợt, tôi nhìn thấy một thiếu nữ còn trẻ ôm đứa bé, đi qua đi lại trước một căn nhà. Dường như có một mãnh lực kỳ lạ khiến tôi dừng chân lại. Nhìn dấu hiệu trước cửa, tôi biết đó là nhà của một y sĩ nên bước vào. Tôi thấy một ông lão đang bào chế thuốc với những chậu thuốc chứa đầy dược thảo. Tôi nhận ra ngay những vị thuốc quen thuộc, dùng để chữa bệnh thời khí.
Khi tôi lên tiếng hỏi thì ông lão trả lời: “Đó là Cihone, cứ mỗi lần tôi gặp phải một trường hợp khó khăn với những đứa trẻ mà mọi sự điều trị đều vô vọng thì tôi giao cho Cihone, và nó luôn luôn thành công.”
Tôi ngạc nhiên: “Cô này làm gì?”
Ông lão đáp: “Nó ôm đứa trẻ vào lòng, dùng tình thương để chữa cho đứa bé.”
Tôi ngạc nhiên: “Tại sao như thế? Nếu không chữa được bằng thuốc men thì phải mang đến cho các giáo sĩ làm lễ cầu nguyện chứ?”
Ông lão lắc đầu: “Phải có phẩm vật dâng cúng thần linh thì mới được các giáo sĩ cầu nguyện cho. Chúng tôi nghèo làm gì có tiền cho các nghi thức đó” ông lão giải thích “Phần lớn bệnh tật của trẻ con đều do thiếu săn sóc hay thiếu tình thương mà ra. Tuy chỉ là bệnh thời khí thông thường nhưng biết bao đứa vẫn chết mà nguyên nhân chỉ là thiếu săn sóc.”
Tôi ngạc nhiên và có phần tức giận: “Ông là y sĩ mà nói năng những điều vô lý. Tình thương là cái quái gì mà có thể chữa được bệnh tật?”
Ông lão nhìn tôi, rồi nói một cách chậm rãi: “Tôi là y sĩ được huấn luyện về y học trong nhiều năm nhưng trường y đâu có dạy về tình thương. Các giáo sĩ cũng đâu biết gì về tình thương. Khi tìm hiểu về các căn bệnh của trẻ con và nguyên nhân bệnh thần kinh của người lớn, tôi bắt đầu ý thức về nhu cầu đối với thứ tình cảm này. Thật ra không có gì cần thiết cho con người hơn tình thương.”
Tôi khó chịu: “Tại sao như thế được? Trẻ con mạnh khỏe là nhờ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Hiện nay xã hội Ai cập đang tốt đẹp, mọi người đều được an hưởng thái bình.”
Ông lão trầm tĩnh: “Cậu nói đúng, cuộc sống hiện nay tốt hơn trước. Dĩ nhiên đối với trẻ nhỏ, chúng cần thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể, nhưng thỏa mãn nhu cầu ăn uống vẫn không đủ vì còn có một nhu cầu quan trọng hơn, giúp chúng chống lại bệnh tật, đó là tình thương. Đối với chúng, được thương yêu săn sóc là điều kiện tất yếu cho sự trưởng thành. Thiếu tình thương, chúng dễ gặp bệnh tật và không thể chống chọi trước những căn bệnh hiểm nghèo. Nếu không được săn sóc dù được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, chúng vẫn dễ mắc phải những căn bệnh khó trị. Khi lớn lên, nếu không được yêu thương, chúng dễ trở thành những kẻ hung ác, vô cảm và ích kỷ. Hiện nay, Pharaoh cho xây cất đền đài lăng tẩm khắp nơi, nên phần lớn dân chúng đều bị xung công đi xây cất những công trình này, không mấy ai có thể săn sóc con cái cẩn thận vì người nào cũng bận lo sinh kế. Do đó, hiện nay số trẻ con ốm đau bệnh tật gia tăng nhiều hơn những năm trước.”
Tôi giận đến tức cả ngực nhưng không muốn để lộ thân thế Pharaoh của mình. Chỉ một ngón tay vung ra, ông già này có thể bị ném vào hầm sư tử ngay. Tôi quay ra nhìn người con gái đang ôm đứa trẻ.
Ông lão vô tình nói: “Nó đóng vai người mẹ săn sóc cho đứa trẻ bệnh hoạn vì thiếu sự âu yếm, nâng niu. Người mẹ chính là tình thương và chắc chắn không gì làm hại trẻ con bằng việc thiếu đi tình thương của người mẹ.”
Câu nói của ông lão làm tôi nghĩ đến người mẹ đã qua đời của mình. Mẹ tôi chết trong cung điện một cách mờ ám khi tôi mới lên bốn tuổi. Tôi không biết gì nhiều về bà mà chỉ biết rằng bà là một trong số những phụ nữ bị bắt trong khi Pharaoh đi hành quân ở biên giới. Sau khi sinh ra tôi, chắc chắn mẹ tôi đã phải tranh đấu để che chở cho tôi tại một nơi đầy những tranh chấp, ghen tuông với những âm mưu thâm độc.
Trong cung điện của Pharaoh, có nhiều cung phi, người nào cũng muốn mình được sủng ái và con mình trở thành thái tử nối ngôi Pharaoh. Có lẽ vì ghen tuông nên bà bị các cung phi khác tìm cách hãm hại. Tôi không bao giờ quên điều này nên khi lên ngôi Pharaoh, tôi đã hạ lệnh cho bắt tất cả phi tần, cung nữ, quan lại hầu cận trong cung ném vào hầm sư tử. Tôi đã nghe những tiếng kêu la thảm thiết của những kẻ này khi bị lũ sư tử đói xé xác và sung sướng vì đã trả xong mối hận.
Tôi cố nén giận vì câu nói vô tình của ông lão đã đụng chạm đến thân thế của mình, rồi lên tiếng bào chữa: “Nhưng hiện nay Ai Cập đã thay đổi, Pharaoh đã ổn định mọi việc trong nước, đời sống dân chúng sung túc hơn trước và không còn ai lo sợ nạn ngoại xâm nữa.”
Ông lão bật cười: “Dĩ nhiên không ai còn lo sợ người Nubia xâm lăng nhưng việc xây cất đền thờ Thái Dương khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, đã làm khánh kiệt nhân lực quốc gia. Hầu như mọi gia đình đều bận rộn làm việc trong những công trình xây cất vĩ đại này để làm vui lòng Pharaoh nhưng đó chỉ là sự huy hoàng ở bên ngoài, có mấy ai thấy được sự suy kiệt tiềm tàng ở bên trong. Các công trình xây cất này chỉ có lợi cho nhóm giáo sĩ và quyền lực của họ chứ không mang lại lợi ích gì cho người dân hết.”
Tôi nghe ông lão nói tuy trong lòng tức giận nhưng cũng giật mình về sự kiện mà tôi không hề nghĩ đến. Ông lão thở dài: “Thật ra đối với những người lớn tuổi cũng thế. Thay vì trừng trị nặng nề như ném vào hầm sư tử hay đầy đi vùng biên giới để xây cất mồ mả cho các quan triều. Lẽ ra Pharaoh phải cho họ cơ hội để thay đổi, để tập thương yêu vì tình thương là một năng lực sáng tạo, có thể chữa lành mọi bệnh tật, có thể thay đổi tất cả mọi thứ.”
Lời nói của ông lão làm tôi giận điên lên vì nó ám chỉ đến hành động tàn ác của tôi khi lên ngôi Pharaoh. Nếu như lúc khác, tôi đã cho xử tử ngay kẻ hỗn xược dám lên tiếng như thế. Nhưng không hiểu sao lúc đó tôi lại đè nén được cơn giận. Tôi quay qua nhìn người con gái đang bế đứa bé đứng ở phía xa. Cô ta có một nét gì đó dịu dàng khiến tôi phải chú ý. Tuy cô không phải một người con gái đẹp nhưng trong bộ quần áo rách rưới, dưới ánh sáng của ngọn đèn nhỏ, toàn thân cô vẫn toát ra một vẻ thánh thiện như một người mẹ hiền.
Ngay lúc đó, tôi nhớ lại một cảm giác xa xưa, khi còn nhỏ tôi cũng được mẹ âu yếm như thế. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác được nằm trong lòng mẹ và bà cũng nâng niu tôi y hệt như thế. Tự nhiên tôi cảm thấy sung sướng một cách lạ lùng về cái gọi là tình thương mà ông lão vừa nói. Tôi nghĩ đến thân phận của mình, mất mẹ từ nhỏ, bị đối xử một cách khắt khe, tàn nhẫn nhưng nhờ ý chí cương quyết, tôi đã khắc phục được mọi khó khăn, trở thành một Pharaoh uy quyền tột đỉnh, song tôi chưa biết gì về tình thương cho đến lúc này. Thật ra tôi chưa hề yêu ai và cũng chưa hề được ai yêu.
Tôi nhìn người con gái kia, cô có nét dịu dàng rất giống mẹ tôi khi xưa. Tự nhiên tôi thấy mình mỉm cười với người con gái đó nhưng cô vẫn mải mê âu yếm đứa bé, không để ý gì đến người khách lạ đang chăm chú nhìn cô.