Muôn kiếp nhân sinh 3 Kỳ 1: Khi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là… gia tăng lợi nhuận
Sau khi trầm ngâm một chút, tỷ phú Farnum nói thêm: “Có lẽ anh cũng biết, hiện nay nền kinh tế thế giới đã thu hẹp vào trong tay của vài chục tập đoàn cực lớn, chi phối hầu hết mọi sự. Ảnh hưởng và quyền lực của những gã khổng lồ này có thể khuynh đảo toàn bộ nền kinh tế thế giới trong tương lai.”
Khi giới trẻ nhiều tham vọng và tham lam hơn
“Tôi cũng rất bận tâm về chính sách toàn cầu hóa mà hiện nay chính phủ nhiều quốc gia đang ca tụng. Họ chỉ nhìn thấy các nguồn lợi ngắn hạn, giúp họ giải quyết nạn thất nghiệp mà không nhận thức được những hậu quả tai hại có thể kéo đến về sau. Hầu hết các công nghệ được chuyển giao cho những quốc gia có nhân công giá rẻ đều đã lỗi thời, máy móc đều đã cũ kỹ, hậu quả là chúng gây ra ô nhiễm trầm trọng, các chất phế thải hóa học bị đổ xuống sông biển đã hủy diệt môi trường, gây ra nhiều bệnh nan y không thể cứu chữa. Việc phá rừng, xẻ núi, khai thác tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu đã đem đến nhiều hậu quả trong tương lai mà không ai ngờ. Tất cả phải chăng chỉ vì lòng tham muốn có thật nhiều tiền và làm giàu mau chóng?”
Farnum tiếp tục: “Thập niên 70 cũng là lúc công nghệ thông tin phát triển, các công ty khởi nghiệp như Apple, Microsoft, Google đều trở thành những ‘tay chơi’ lớn trong thị trường chứng khoán. Khi cổ phiếu của họ gia tăng hàng trăm lần thì những người rất trẻ, chưa trưởng thành đã trở thành những ông chủ lớn với tài sản lên đến con số hàng tỷ. Sự thành công của họ là động năng thúc đẩy thế hệ trẻ hiện nay có nhiều tham vọng và cũng tham lam hơn. Nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp, khi phỏng vấn xin việc đều nói mục đích duy nhất của họ là kiếm thật nhiều tiền, càng nhiều càng tốt.”
Tôi đồng ý với Farnum: “Anh nói đúng, tôi đã gặp những người như thế. Chưa nghe họ nói gì về khả năng đóng góp cho công ty và đất nước thì đã nghe họ nói làm sao có thể kiếm thật nhiều tiền.”
Farnum thở dài: “Trong xã hội, khi một thiểu số trở nên vô cùng giàu có, còn đa số phải làm đủ mọi việc để sống còn, thì xã hội ấy không thể tiến bộ hay phát triển được, trước sau cũng tan rã. Muốn tạo sự quân bình trong xã hội, trước hết phải bắt đầu bằng việc giáo dục về bổn phận, trách nhiệm của con người trong xã hội và trên trái đất này, nhằm thay đổi các thói tham lam, ích kỷ và tư lợi.”
Tôi nói ngay: “Việc này nói thì dễ nhưng khó có thể áp dụng. Hiện nay, tiền bạc đã chi phối hầu hết mọi sự nên đầu óc con người đã bị ảnh hưởng, ít nhiều bị hư hoại, khó mà bỏ được thói tham lam hay ích kỷ…”
Khuyến khích những việc làm cao thượng
Farnum trầm ngâm: “Chúng ta đều là những người đầu tư chứng khoán, mua bán cổ phiếu nên cũng có trách nhiệm phần nào đối với tình trạng này. Do đó, tôi muốn sử dụng tất cả tài sản của mình để hỗ trợ cho những hành động có thể đánh thức, tạo ra sự chuyển hóa tâm thức cho mọi người. Chúng ta cần phải khuyến khích những việc làm cao thượng nhằm nâng cao tâm thức của nhân loại lên mức cao đẹp hơn. Một khi tâm thức đã thấm nhuần những tư tưởng thanh cao thì các thói xấu hiển nhiên sẽ bị loại trừ.”
Tôi hỏi: “Vậy chúng ta có thể làm gì đây?”
Farnum im lặng suy nghĩ rồi nói: “Hiện nay, công nghệ phát triển đã làm thay đổi nền tảng của gia đình, hậu quả là con cái không còn gần gũi hay có mối quan hệ chặt chẽ với cha mẹ như xưa nữa. Thế hệ trẻ đã rơi vào trạng thái mất kết nối và trở nên lạc lõng, cô đơn, phải tìm sự an ủi qua sản phẩm công nghệ như trò chơi, mạng xã hội ảo, rồi giao du với những người xa lạ trên mạng xã hội. Người trẻ ngày nay đang dần mất kết nối trực tiếp giữa người với người mà phải qua trung gian của công nghệ.
Việc này khiến họ không những mất kết nối với gia đình và các thế hệ trước mà còn mất kết nối với chính mình. Họ bơ vơ, lạc lõng, cô đơn, khổ sở trong một thế giới máy móc, vô cảm. Đa số đều mất niềm tin vào mọi thứ, kể cả gia đình và tôn giáo. Trong mấy chục năm qua, áp lực đời sống xã hội đã đẩy nhiều gia đình đến chỗ ly tán và tan vỡ. Tỷ lệ ly hôn lên cao, vợ chồng, con cái trở nên xa lạ với nhau, đôi khi còn biến thành hận thù nữa. Gia đình là nền tảng của xã hội, khi mọi người trong đó không còn kết nối với nhau thì làm sao xã hội có thể duy trì được nữa?”