Bên cạnh những gì theo ta từ tiền kiếp, thì tính cách còn chịu ảnh hưởng của giáo dục và các trải nghiệm đời sống trong kiếp này của chúng ta.
Kinh sách Ấn Độ có câu: “Con người suy ngẫm điều gì thì trở thành điều đó”. Do đó, một người vốn xấu nhưng biết tu tập đạo đức, suy ngẫm nhiều về điều hay lẽ phải thì vẫn có thể trở thành người tốt. Người vốn tốt nhưng đọc sách vở đồi trụy hay tiếp xúc với những người có suy nghĩ tham chấp rồi bị tiêm nhiễm thì vẫn có thể trở nên người xấu xa.
Nói một cách khác, tính tình nào cũng có thể sửa được nếu biết cách, vấn đề là họ có muốn sửa hay không mà thôi. Ví dụ, một người có tính tình nóng nảy, nếu nhận ra được tính cách đó của mình là không tốt thì người đó vẫn có thể sửa đổi.
Dĩ nhiên, bởi hiện tại khi sự việc không như ý xảy ra ta liền nổi nóng sau đó mới nghĩ đến sự hòa nhã nên ta mới biết mình đã không làm chủ được mình. Nhưng giờ khi ý thức được mình cần hòa nhã, thì theo thời gian, khi vừa nổi nóng thì hãy liền nghĩ ngay đến việc kiểm soát và trở nên điềm tĩnh hơn. Từ đó, tính tình nóng nảy sẽ giảm dần. Ít lâu sau, ta sẽ có thể giữ sự bình tĩnh, thái độ hòa nhã ngay khi sự việc không như ý xảy đến.
Tư tưởng tạo ra tính tình, nếu ta suy nghĩ về điều gì đó mỗi ngày thì theo thời gian mình sẽ đạt thành điều đó. Cũng giống như người thợ xây tường, bắt đầu từ một viên gạch rồi cứ thế tiếp tục hết viên này đến viên khác cho đến khi hoàn thành.
Muôn kiếp nhân sinh 2 - Nguyên Phong.