Có thể bạn nghĩ phải học cao học mới hiểu được trí tuệ cảm xúc là gì, nhưng khái niệm này có thể được diễn giải một cách dễ hiểu bằng các kiến thức từ môn Sinh học cấp phổ thông. Khi đó, bạn đã từng học giải phẫu học (học về cấu trúc và tổ chức cơ thể của sinh vật sống) và sinh lý học (nghiên cứu về các chức năng cơ học, thể chất và hóa sinh) của cơ thể con người (mà lúc đó bạn nghĩ mình chỉ học về phổi, thận và hệ tiêu hóa thôi đấy!).
Hãy áp dụng kiến thức cơ bản này vào một ví dụ là vận động viên bơi lội Olympic vĩ đại Michael Phelps, người đã giành được tám huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh năm 2008.
Như những vận động viên khác, Phelps được ban cho cấu trúc giải phẫu học và sinh lý học tốt: đôi bàn tay lớn, thân mình trên dài quá khổ và khả năng cảm thụ nhịp điệu. Nhiều người cho rằng thành công của anh hoàn toàn nhờ vào khả năng chơi thể thao và hoạt động thể chất tốt. Nhưng một câu hỏi công bằng là liệu anh chiến thắng nhờ vào năng lực thể thao (giải phẫu học và sinh lý học) hay là vì anh có khả năng quản lý cảm xúc của mình trong suốt một sự kiện thi đấu điền kinh căng thẳng cao độ?
Ví dụ, trong cuộc thi bơi bướm 200 mét, kính bơi của anh bị trục trặc và nước rỉ đầy vào trong. Thực tế, anh đã không thể nhìn thấy bức tường khi chạm vào nó trong lần sải tay cuối cùng. Đó là tình huống hợp lý để giả định rằng hầu hết mọi người sẽ hoảng hốt và mất đà. Nhưng Phelps đã quản lý được những cảm xúc của mình, bơi hết sức, ghi một kỷ lục thế giới mới và giành được chiếc huy chương vàng đầu tiên trong tám chiếc.
Có phải anh giành được huy chương vàng vì các ưu thế vật lý, hay là vì anh có khả năng quản lý được những cảm xúc của mình? Câu trả lời là cả hai. Sự thành công của anh là một sự kết hợp giữa sinh lý và tâm lý. Bây giờ, chúng ta hãy nhìn vào khoa học thần kinh và tâm lý học từ một góc nhìn không liên quan gì tới Olympic.
Tổ hợp các đặc điểm giải phẫu học và sinh lý học của não tạo ra cái được gọi là chỉ số thông minh (IQ), một chỉ số cho biết sự thông minh tương đối thể hiện ra bên ngoài của một con người: khả năng tập trung, tổ chức vật chất, nắm bắt và diễn giải sự việc. IQ là yếu tố quan trọng trong đời sống và trong kinh doanh. Nó thường là lý do bạn nhận được một văn bằng và công việc đầu tiên của mình.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng EQ – khả năng quản lý cảm xúc – cũng quan trọng không kém, thậm chí còn quan trọng hơn. EQ là một loạt những khả năng phi nhận thức như khả năng hiểu nhu cầu của người khác, xử lý căng thẳng, và khả năng trở thành một người về cơ bản là được yêu mến.
IQ sẽ đưa bạn bước vào công ty, còn EQ sẽ giúp bạn thăng tiến. Thẳng thắn mà nói, một đối thủ giỏi bán hàng trong ngành của bạn chắc chắn sẽ có IQ cao hơn, cũng như một đấu thủ Olympic tài năng sẽ sở hữu khả năng thể dục thể thao tốt. Yếu tố tạo nên sự khác biệt chính là EQ.
Trí tuệ cảm xúc trong kinh doanh - cuốn sách hướng dẫn bạn cách vận dụng trí tuệ cảm xúc trên “đấu trường bán hàng” khốc liệt, đồng thời tiết lộ bí quyết kết nối và thu phục khách hàng hiệu quả trong kinh doanh.