Theo tác giả, nhà báo Cù Mai Công, dù kiểu dáng, phong cách thiết kế ra sao thì cũng không thể bỏ qua một yêu cầu cực kỳ quan trọng trong thiết kế nhà cửa ở miền Nam trước 1975 của các kiến trúc sư Pháp và của ông bà ta ngàn đời nay là giải quyết những cơn nắng chói chang lẫn mưa xối xả vùng nhiệt đới.
Hệ thống lam gió (brise soleil), khung sườn cơ bản của những ngôi nhà ở Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1945 - 1954 ít nhiều đã làm được điều đó. Trong “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2”, Cù Mai Công viết: “Những thanh lam sổ dọc, chạy ngang mặt tiền mỏng nhẹ, thanh thoát như thế nào còn tùy theo hướng nhà, hướng nắng gió. Nó không dùng biện pháp cản nhiệt như những bức tường dày chịu lực, khối nhà nặng nề kiểu Pháp trước đó. Nó sống chung với nắng gió Sài Gòn, Nam Bộ. Như mái hiên dài rộng đón gió, cản nắng chiếu thẳng tường nhà của nhà Việt xưa. Như tấm giại tre dựng trước mỗi nhà Việt. Tấm giại ấy có thể di động, thay đổi chức năng như yêu cầu của mọi thiết kế: tính co dãn trong kiến trúc mỗi căn nhà, mỗi phòng ở”.
Tuy nhiên, lâu nay, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội chỉ liên tục nói về những kiến trúc Pháp xưa ở Việt Nam. Công tác bảo tồn di sản kiến trúc cũng tập trung vào mảng này. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng có một mảng kiến trúc rất hiện đại mà lại rất Việt Nam của Sài Gòn - Gia Định, từ dinh thự, công thự (trừ vài công trình lớn như Dinh Độc Lập, Thư viện Khoa học Tổng hợp, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh…), biệt thự đến nhà dân ở giai đoạn 1945-1954 hầu như bị quên lãng. Đến mức công trình nào bị đập bỏ xây mới cũng ít ai chú ý.
Những ngôi nhà đơn sơ mà hiện đại ấy, ngay từ năm 1972, kiến trúc sư Mel Schenck - tác giả tập “Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam” - khi mới chứng kiến lần đầu đã ngỡ ngàng nghĩ mình đã “vào thiên đường kiến trúc” hiện đại mà ngay ở Mỹ lúc ấy cũng không táo bạo và tràn ngập như ở Sài Gòn.
Sau này, nhiều công trình, nhà cửa, dinh thự, cao ốc…được xây mới liên tục. Các công trình này xây dựng theo đủ mọi phong cách. Đầu tiên là những ngôi nhà giả cổ, rõ nhất là hình ảnh “con tiện” bằng xi măng đúc ở lô gia, ban công, hành lang, lan can ngoài trời… Rồi đến những công trình “tân cổ điển” ở mức đơn giản nhất”: ban công bầu lát gạch men nâu đỏ, lan can inox, cửa kính ra vô tạo vòm cong… Rồi những ngôi nhà kín mít như cái hộp, trổ vài cửa sổ kiểu xứ lạnh. Rồi những ban công nhà bị tận dụng một nửa để bung phòng ra ngoài, với lý do có vẻ hợp lý: ban công ít ai ra đó ngắm trời ngó đất…
Nhưng theo Cù Mai Công, người Sài Gòn "tánh sao nhà vậy". Căn nhà không chỉ là nơi sống, nó còn phản ánh cách sống của người Sài Gòn, mà cách sống của người Sài Gòn là đơn giản. Anh viết: “Sự đơn giản bao giờ cũng mang đến sự bình yên. Một ngôi nhà, nơi chúng ta sống và tìm về, xét cho cùng là sự bình yên. Về mỹ học lẫn thiết kế hiện đại, cái đẹp luôn là cái đơn giản, sự giản dị, đến mức hiện nay có cả một trào lưu thiết kế, kiến trúc tối giản. Những ngôi nhà Sài Gòn - Gia Định xưa ít nhiều đã làm được điều đó, chúng hiện đại mà sinh thái, mang lại cả một khung cảnh bình yên cho bao thế hệ Sài Gòn, tới giờ vẫn được nhắc đến với một trời yêu thương…”