Ông Trương Hồng Thuỵ là doanh nhân nổi tiếng tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), qua đời ở tuổi 78 do bệnh ung thư. Doanh nhân Trương sở hữu khối tài sản kếch xù nhưng người thân của ông lại không nhận được bất kỳ một tài sản nào. Không có bất kỳ khiếu nại hay vụ kiện nào xoay quanh tài sản thừa kế, chuyện gì đã xảy ra với gia đình họ Trương?
Trương Hồng Thuỵ, sinh năm 1946, xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Dù có thành tích học tập tốt, ông vẫn phải nghỉ học và đi làm công nhân từ sớm để phụ giúp mẹ nuôi các em, ông bà. Sau này Trương Hồng Thuỵ trở về quê làm nông, từ tổ viên vươn lên trở thành tổ trưởng sản xuất.
Năm 1984, người đàn ông này nhận thấy cơ hội từ việc mở trung tâm mua sắm tại địa phương. Trương Hồng Thuỵ gom hết tiền tiết kiệm từ nhiều năm lao động, vay thêm hàng trăm nghìn NDT để mở một trung tâm 200m2. Trung tâm của ông bán các mặt hàng có giá trị lớn khi đó như xe đạp, máy giặt, tivi, radio… cho khách hàng dùng thử miễn phí vài ngày, nếu không hài lòng sẽ được trả hàng, hoàn tiền. Trung thực với khách hàng là triết lý kinh doanh của Trương Hồng Thuỵ.
Nhiều người lo lắng ông chủ Trương sẽ bị khách hàng lợi dụng vì chính sách mới mẻ này. Từng có một lô hàng 130.000 NDT (450 triệu đồng) bị lỗi, dù khách chưa khiếu nại nhưng Trương Hồng Thuỵ đã cử nhân viên xin lỗi và thu hồi sản phẩm. Trương Hồng Thuỵ cũng sẵn sàng trả lại tiền cho khách nếu ông cảm thấy giá sản phẩm đang bị quá cao so với thị trường.
6 năm đầu tiền, trung tâm mua sắm của ông Trương không lãi một đồng. Điều này khiến nhân viên lo lắng. Thế nhưng Trương Hồng Thuỵ cảm thấy họ vẫn đi đúng hướng khi xây dựng được thương hiệu được người tiêu dùng công nhận, các đối tác lần lượt tìm đến.
Được khách hàng tin tưởng vào chất lượng và sự trung thực, tính đến năm 2023, chuỗi trung tâm mua sắm của Trương Hồng Thuỵ đã có 43 chi nhánh trên toàn Trung Quốc, doanh thu hàng năm là 20 tỷ NDT (gần 70.000 tỷ đồng), được xếp hạng trong 100 doanh nghiệp Bán lẻ Thương mại Hàng đầu tại Trung Quốc.
Không chỉ khách hàng, Trương Hồng Thuỵ còn quan tâm đến nhân viên như người nhà. Công ty của ông không có văn hoá làm thêm giờ. Trương Hồng Thuỵ tin rằng khi lợi ích của nhân viên được bảo vệ, họ mới có thể cống hiến hết mình, làm việc hiệu quả hơn.
Trong khi các trung tâm mua sắm khác mở xuyên Tết Nguyên đán, ông lại cho đóng hết các cửa hàng để nhân viên được nghỉ phép có lương 7 ngày. Nhân viên quê xa có thể nghỉ phép thêm vì ông chủ Trương cho rằng Tết là ngày đoàn tụ gia đình, dành thời gian cho bố mẹ, con cái quan trọng hơn việc kiếm tiền.
Quyết định chia tài sản thừa kế gây bất ngờ
Là doanh nhân thành công nhưng Trương Hồng Thuỵ sống đạm bạc, tiết kiệm, luôn dùng cả 2 mặt giấy rồi mới bỏ đi. Ông chỉ chọn quần áo mặc thoải mái, không chú ý đến thương hiệu xa xỉ, mặc liên tục nhiều năm liền. Trong các bữa ăn ở nhà hàng, Trương Hồng Thuỵ cũng không muốn lãng phí bất cứ một món ăn nào.
Keo kiệt với bản thân nhưng doanh nhân này lại hào phóng làm từ thiện, hỗ trợ cho sinh viên khó khăn và đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng của quê hương.
Năm 2008, Trương Hồng Thuỵ được chẩn đoán mắc ung thư phổi nên ông quyết định từ chức để chiến đấu với bệnh tật. Toàn bộ tài sản giá trị nhất của doanh nhân Trương nằm ở cổ phần công ty. Người đàn ông này đã quyết định chia 99% cổ phần của bản thân cho 2.000 nhân viên để bày tỏ sự tri ân với những người cùng đồng hành suốt nhiều năm và chỉ để lại 1% cho chính mình.
Ba người con của Trương Hồng Thuỵ không cảm thấy bất mãn, ngược lại còn ủng hộ quyết định của cha. Họ cảm ơn từ cách dạy con nghiêm khắc của doanh nhân họ Trương. Ông dạy các con về việc phải tự lập để trở thành thế hệ giàu có đầu tiên thay vì dựa vào bố. Doanh nhân Trương rèn cho con sự cần cù, lối sống giản dị từ nhỏ, tránh việc hưởng thụ sinh lười biếng.
Con trai cả sau khi tốt nghiệp cấp 3 vào xưởng đóng hộp suốt mùa hè để kiếm tiền học đại học. Con gái Trương Hồng Thuỵ kết hôn không nhận của hồi môn quá lớn, con trai vay tiền mua nhà ông cũng nói sẽ tính hạn trả rõ ràng. Các cháu của Trương Hồng Thuỵ cũng không biết ông mình là doanh nhân giàu có.