Vậy làm sao có thể học được cách tha thứ? Tha thứ xuất phát từ mong muốn hòa giải và sau đó là cố gắng để bỏ qua lỗi lầm. Nó xuất phát từ việc nói về nỗi đau của chúng ta nhiều lần, rồi sau đó tìm tình thương ở người khác và thừa nhận sự không hoàn hảo trong chính chúng ta.
Tha thứ trái ngược với thù hận
Tha thứ không chỉ lạ thường, đau đớn và khó khăn, nó còn rất ngọt ngào. Đó là sự ngọt ngào sâu lắng, chứ không đầy cám dỗ như trả thù. Nó cũng giống như sự ngọt ngào của hơi thở nhẹ nhàng khi nói lời tạm biệt, sự ngọt ngào của ánh lửa mùa thu, sự ngọt ngào mà chúng ta thưởng thức khi chinh phục nỗi sợ hãi.
Tha thứ xuất phát từ tận thâm tâm mỗi người, từ việc nhận thức được rằng chất chứa lòng thù hận chỉ khiến ta thêm đau khổ mà thôi. Hãy làm theo phúc âm của Thánh John: “Nếu tha thứ cho bất cứ tội ác nào thì chúng ta sẽ được tha thứ; nếu chúng ta cứ chất chứa bất cứ tội ác nào thì chúng vẫn cứ ở đó mà không đi”. Cái ác tồn tại dưới dạng năng lượng của cuộc sống, trong tất cả chúng ta, nhưng đặc biệt là chúng không tồn tại ở người bị thù ghét mà lại hiện diện ở người không tha thứ.
Đây là một sự thật mang tính khoa học hơn là đạo lý. Khi chất chứa lòng thù hận, nó phát triển và lan rộng trong cơ thể chúng ta, giống như khối u ác tính. Bạn có biết rằng đã có người chết dần, chết mòn vì căn bệnh giận dữ di căn không?
Tha thứ làm khối u này nhỏ lại và cuối cùng chữa được bệnh. Nhờ phương pháp chữa trị bằng tha thứ, khối u ác tính ấy teo dần đi và mất hẳn.
Tha thứ bắt đầu từ sự chối bỏ, từ phản ứng một cách máy móc theo phản xạ tự nhiên của con người, và chọn cách để chống lại phản ứng của con người.
Tha thứ trái ngược với thù hận. Vì tính thuận nghịch của quá trình hành động nên việc trả thù có thể được tính toán, ước lượng; còn tha thứ thì không. Do đó, tha thứ để lại dấu hiệu bản chất của hành động gốc. Nói cách khác, tha thứ là phản ứng duy nhất không đơn giản là phản ứng lại kích thích mà là hành động theo một phương cách mới mẻ hoàn toàn. Tự do của sự tha thứ là thoát khỏi xiềng xích của lòng thù hận.
Tha thứ bắt nguồn từ khao khát muốn kết thúc nỗi đau hơn là sự thỏa mãn nông cạn của hành động trả thù. Chúng ta tồn tại giống như vật thể trong một cuộc thí nghiệm tâm lý. Để thoát ra ngoài cuộc thí nghiệm này, để vượt lên trên các bước lập trình khoa học, chúng ta phải nhìn vào ý chí, sự khôn khéo và quyết tâm vượt ra khỏi vòng chế ngự của bản năng. Chúng ta phải dùng đến những dây thần kinh thiêng liêng nhất để sắp xếp, bố trí lại điều mà ta cho rằng không thể thực hiện được: hành động tha thứ.
Tại sao phải đấu tranh để tha thứ?
Chúng ta chối bỏ tiếng nói của sự tha thứ vì nó quá yếu ớt, mờ nhạt và xa lạ đối với ta. Chúng ta gạt bỏ nó vì nó không quen thuộc với loài người. Chúng ta có lý. Những thanh âm có thể dễ dàng nhồi vào tâm trí ta thường là “Đánh đi!”, “Hãy đấu tranh!”, “Đòi lại công lý!” và “Báo thù!”...
Nhưng nếu lắng lại với nội tâm, chúng ta có thể nghe một thanh âm khác thông minh hơn, nó thúc giục chúng ta biết cách sử dụng thời gian sống sao cho hiệu quả nhất. Dàn hợp xướng đó dạo đi dạo lại điệp khúc: “Tha thứ, tha thứ và hãy tha thứ”.
Nếu biết lắng nghe, thấu hiểu và hành động trước, chúng ta sẽ không bao giờ hối hận. Không có gì là quá muộn!
Không giống những vở kịch nổi tiếng mà chúng ta xem, mỗi lần vở kịch này được trình diễn, nhân vật sẽ thay đổi, lời thoại của vai diễn sẽ khác hẳn và bối cảnh cũng mới hoàn toàn. Nhưng khi tha thứ là kết quả, cảm xúc, hành động có khuynh hướng đi theo mô-típ tôi đã đưa ra, thì đó là bước chuyển từ đau đớn đến phát triển, trưởng thành.
Kịch bản phải bắt đầu bằng sự đau đớn: Tại sao chúng ta cần phải tha thứ?
Khi có thể suy ngẫm về tất cả những điều đã xảy ra, chúng ta bắt đầu kiểm soát, tự chủ thay vì bị sự kiện đau đớn đó điều khiển. Nếu muốn thoát khỏi cơn giận dữ và lòng thù hận, hay muốn vượt lên nỗi đau của mình thì chúng ta phải làm mọi cách biến nỗi đau thành sự phát triển. Đây là một tiến trình chứ không phải là một khoảnh khắc, một sự kiện hay một hành động. Nó cần phải có thời gian. Nó có thể huyền bí và bất ngờ nhưng sẽ xảy ra nếu chúng ta thật sự muốn nó xảy ra.
Năng lượng, động lực làm cho tiến trình biến nỗi đau thành sự phát triển xuất phát từ lời đáp cho câu hỏi: “Tôi muốn nỗi đau của mình biến thành điều gì?”. Chúng ta sẽ thấy rằng mình không muốn đau đớn và khổ sở nữa. Chúng ta muốn thay đổi và phát triển.
Mỗi người đều có thể nắm giữ hạnh phúc, hòa bình, hòa thuận… trong tầm tay.
Khi vượt qua được giận dữ và thù hận nghĩa là chúng ta tìm thấy vùng đất mới rồi đấy. Cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi tốt hơn cũng như có nhiều cơ hội hơn giúp người khác đấu tranh để tha thứ.