Ngày nay, trong một thế giới đầy biến động, trí thông minh - thứ vốn được nhìn nhận như khả năng tư duy và học hỏi - không còn là điều kiện tiên quyết cho thành công. Bởi con người cần một bộ kỹ năng nhận thức khác quan trọng hơn nhiều: khả năng tái tư duy, tức suy nghĩ lại (think again) và quên đi những điều đã học.
“Dám Nghĩ Lại” chính là công trình ngồn ngộn những ví dụ thực tiễn và bằng chứng của hàng thập kỷ nghiên cứu về tái tư duy của giáo sư tâm lý học Adam Grant.
Quyển sách còn được ví như một “cuộc cách mạng” về tư duy, mở ra con đường dẫn đến sự vượt trội trong công việc, sự thông tuệ trong đời sống và giúp các cá nhân, tập thể có những lựa chọn sáng suốt trước những quyết định sống còn. Tác phẩm từng được Bill Gates và Melinda Gates nhận xét là “cuốn sách chứa đựng những bài học quan trọng trong một thế giới ngày càng phân cực”.
Để mỗi cá nhân tư duy như “nhà khoa học”
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao nhiều doanh nhân được cho là cấp tiến lại mãi mắc kẹt trong quá khứ? Ngược lại, có những chuyên gia dự đoán tài ba nhất thế giới vẫn cân nhắc thay đổi tầm nhìn của họ hàng ngày, hàng giờ; và nhà khoa học từng đoạt giải Nobel lại cảm thấy vui khi phát hiện mình sai?
Đại văn hào Ireland trứ danh George Bernard Shaw từng nói rằng: “Không thể có sự tiến bộ nếu không có sự thay đổi, và những ai không thể thay đổi tư duy của mình sẽ không thay đổi được bất cứ thứ gì”. Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, tác giả Adam Grant luôn nhấn mạnh tái tư duy là điều quan trọng nhất ở cấp độ cá nhân, để mỗi người nảy ra những giải pháp mới cho các vấn đề cũ, đồng thời cải tạo lại các giải pháp cũ để áp dụng cho những vấn đề mới.
Một ví dụ rất điển hình Adam Grant đã dẫn ra là khi đại dịch Covid bùng nổ, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã quá chậm trễ trong việc tái tư duy những niềm tin cố chấp của mình. Đầu tiên, họ tin rằng virus này sẽ không lây lan đến đất nước của họ. Chưa kể, họ cho rằng nó chẳng nguy hiểm hơn cúm mùa. Và rồi họ tin rằng chỉ những người có triệu chứng rõ rệt mới có thể lan truyền vi-rút. Cái giá phải trả là hai năm sau khi đại dịch bùng phát, con số tử vong trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Adam Grant cho rằng dù hầu hết chúng ta đều tự hào về kiến thức và năng lực chuyên môn của mình, cũng như luôn kiên định với niềm tin và quan điểm của bản thân; song điều này vốn dĩ chỉ phù hợp trong một thế giới ổn định, nơi mà chúng ta gặt hái thành quả nhờ tin vào những ý tưởng của mình. Còn vấn đề ở chỗ, chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi chóng mặt, buộc chúng ta phải dành nhiều thời gian cho việc tái tư duy và mở mang tâm trí.
Trong “Dám nghĩ lại”, bằng sự nồng nhiệt và hài hước, Adam Grant đã chắt lọc những nghiên cứu công phu thành những lập luận đầy thuyết phục, khuyến khích độc giả không ngừng chất vấn những giả định cũ và sáng tạo nên những ý tưởng và góc nhìn mới mẻ.
Để mỗi cá nhân tái tư duy thành công, Adam Grant đặc biệt nhấn mạnh vào phương thức tư duy như “nhà khoa học” để tìm kiếm sự thật. Theo ông, đây là một “khung tâm thức”, một phương pháp tư duy khác với lối tư duy của một nhà thuyết giảng, công tố viên hay chính trị gia. Khi nhìn mọi thứ dưới lăng kính của nhà khoa học đầy cẩn trọng, không vội vàng và đủ linh hoạt để thay đổi suy nghĩ của mình, chúng ta sẽ loại bỏ được những suy nghĩ thiên kiến, bảo thủ, luận tội, lôi kéo hay nịnh bợ.
Đồng thời, chỉ khi coi bản thân là những người cam kết theo đuổi sự thật - dù cho điều đó đồng nghĩa với việc chứng minh quan điểm của mình là sai, ta mới có đủ dũng cảm nhìn nhận sai lầm của bản thân, sẵn sàng đón nhận mọi dữ kiện mới để tiến bộ và phát triển.
Tái tư duy ở cấp độ tập thể
Không chỉ đưa ra những ví dụ sống động, hài hước về sự tái tư duy của cá nhân và kỹ thuật giúp người khác lập trình lại suy nghĩ, thay đổi những niềm tin thâm căn cố đế, “Dám Nghĩ Lại” còn tạo ra một “cuộc cách mạng” giúp tái tư duy ở cấp độ tập thể.
Adam Grant tin rằng cởi mở trong tư duy là một kỹ năng có thể trao truyền được. Trong vai trò một người cha, người mẹ, người hướng dẫn, người bạn, hay một đồng nghiệp, mỗi người đều có thể giúp mọi người xung quanh tái tư duy, khuyến khích họ thường xuyên chất vấn và đặt câu hỏi về mọi thứ. Theo tác giả, tái tư duy cần phải trở thành một thói quen thường ngày để tạo ra những cộng đồng học tập suốt đời.
Và xa hơn nữa, phương cách này có thể mở rộng ra bên ngoài phạm vi lớp học khi chúng ta hay tập thể của ta đối diện với từng giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc sống - từ những quyết định cá nhân từ công việc đầu tiên trong đời, cuộc hôn nhân thứ hai, quyết định có đứa con thứ ba cho đến những quyết định sống còn, phát triển hay lụn bại của tổ chức, quốc gia… Bởi, tái tư duy không chỉ cho chúng ta tự do cập nhật kiến thức và quan điểm, nó còn là công cụ giúp mỗi cá nhân và tập thể tháo bỏ những “gông cùm” của môi trường thân thuộc và những phiên bản cũ kỹ trước đây.
Trên hết, để có thể tái tư duy tư tưởng của chính mình, của người khác hay của cả tập thể, Adam Grant nhấn mạnh ta cần tính khiêm nhường để suy xét lại những cam kết trước đây của mình, cần sự hoài nghi để chất vấn những quyết định hiện tại và cần óc tò mò để tái hình dung các kế hoạch tương lai.
Chỉ khi chấp nhận bỏ đi những tư duy sáo mòn cũ và tràn trề hứng khởi với mọi điều chưa biết, ta mới thực sự có thể tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn, đạt đến nhiều thành tựu hơn và sáng suốt hơn trước những quyết định hệ trọng trong đời.