Vở kịch Chuyến đò định mệnh, kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp và được chuyển thể từ chính truyện ngắn Sang sông của ông; đạo diễn là NSND Trần Minh Ngọc.
Nguyễn Huy Thiệp được xem là bậc thầy truyện ngắn với tư tưởng nghệ thuật thâm thúy. Truyện ngắn Sang sông của ông cũng trên tinh thần mượn chuyện này nói chuyện kia mà người đọc có khi phải suy ngẫm rất lâu mới "chạm" tới thông điệp mà ông gửi gắm. Đây là một lợi thế của văn học, nhưng lại là thách thức khi dàn dựng thành ngôn ngữ sân khấu, vì người xem không đủ thời gian để hiểu tính ẩn dụ của lời thoại hay hành động kịch, trừ khi họ phải mua vé xem đi xem lại nhiều lần.
Hơn nữa, phong cách kịch miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, dẫu có triết lý thì vẫn phải có sự mềm mại, giàu cái tình. Chính vì vậy, Chuyến đò định mệnh trên sân khấu kịch Thiên Đăng đã thổi vào cái hồn cốt câu chuyện rất hay nhưng rất khô khan; triết luận ngôn ngữ sân khấu tuy nghiêm túc nhưng sinh động, lôi cuốn và hài hước.
Những nhân vật trong câu chuyện vẫn là người lái đò, ông thầy giáo, tên tướng cướp, hai gã buôn lậu đồ cổ, nhà sư, nhà thơ và đôi tình nhân. Họ cùng nhau trên một chuyến đò đi từ bờ bên này sang bờ bên kia bến Phù vân. Hai chữ "phù vân" gợi ý cho một cái gì đó rất phù du của cõi ta bà.
Tất cả những con người đi cùng chuyến đó ấy, theo từng cấp độ ít nhiều đều mang trong tâm mình lòng tham lam, hỉ nộ ái ố và nỗi sợ hãi. Họ mang chiếc mặt nạ, một gương mặt khác che đi cái tính bản thiện thời sơ sinh để chênh chao, quay quắt trong cái chốn vô minh của cõi người. Để rồi sau biến cố sanh tử, họ vẫn không ngộ ra được giá trị thực của kiếp người là gì. Họ thoát được tai nạn khủng khiếp của chuyến đi, nhưng tất cả đều lao nhanh về bến Phù vân. Duy chỉ còn lại nhà sư, một người cũng đầy hỉ nộ ái ố, kịp nhận ra được cái cốt lõi của nhân quả, luân hồi. Ông đã quay trở về bến Giác, cái cảnh giới mà Phật pháp gọi là nơi an lạc, chốn bình an.
Cái hay của câu chuyện đậm triết lý Phật pháp này còn phảng phất rất nhiều những câu chuyện xã hội xảy ra trong hiện tại. Cụ thể là đâu đó hình bóng của những kẻ cơ hội khoác bên ngoài cái vẻ thiện lành, văn minh, tiến bộ nhưng tranh thủ mọi thủ đoạn để làm giàu một cách điên cuồng bất chấp đạo lý. Những kẻ đã tạo nên nỗi đau khổ cho tầng lớp dưới trong xã hội. Góc nhìn lạc quan, đối lập với đó là nhân vật duy nhất không đeo mặt nạ, đứa trẻ có ánh mắt trong sáng, hồn nhiên vô tư, tâm hồn còn chưa bị nhiễm ô bởi danh lợi tình.
Xem xong câu chuyện kịch, người ta sẽ tự đặt ra câu hỏi: Rốt cuộc thì con người còn lại gì khi sang bên kia thế giới?
Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc đã sử dụng nhiều thủ pháp ước lệ trong cảnh trí, và hành động kịch. Con thuyền trên sân khấu có thể được hiểu là hành trình của đời người từ khi mới sanh ra cho tới khi qua đời, nó cũng là con thuyền đưa con người từ bến mê về bến giác ngộ. Cảnh con thuyền đang chuyển động cũng với rất nhiều dữ kiện xảy ra cũng là một thủ pháp độc đáo. Tuy nhiên, những tình huống hài hước rất trẻ trung và gần gũi với tâm lý thời đại, khiến những khán giả thâm niên của NSƯT Thành Lộc cảm nhận ra dấu ấn của anh.
Chắc chắn trong vai trò Giám đốc nghệ thuật sân khấu Thiên Đăng, NSƯT Thành Lộc hỗ trợ nhiều cho đạo diễn hoàn tất câu chuyện kịch.
Với bố cục câu chuyện, đạo diễn không đặt ra nhân vật trung tâm hay nhân vật chính mà tất cả đều là mảnh ghép để tạo thành một ý nghĩa hoàn thiện của câu chuyện. NSƯT Thành Lộc trong vai nhà thơ, một người luôn nhìn về phía trước và có khả năng tiên đoán sự việc. Vai diễn này buộc anh phải diễn nhiều, thoại nhiều, nhưng anh vẫn tràn đầy năng lượng.
NSƯT Hữu Châu đóng vai nhà sư, và anh đã dùng kỹ thuật hát bội nhưng không hóa trang khuôn mặt để biểu lộ hai trạng thái hiền lành và sân si, đôi lúc thốt ra một lời gì đó rất hài hước.
Lương Thế Thành đóng vai tên cướp có sự ngang tàng, nhưng có sự lắng đọng của một kẻ từng trải phong sương cuộc đời, và có tình huống gây cười; Lê Khánh rất duyên dáng, dí dỏm trong vai bà mẹ Việt kiều; Trương Hạ hóa thân vào vai thầy giáo già khá tốt. Tất cả các nhân vật còn lại đều cộng hưởng vào mạch cảm xúc chung của câu chuyện hay và đẹp.
Chuyến đò định mệnh là một vở kịch đã mềm hóa một kịch bản vô cùng lý tính. Những ai nghiên cứu sâu về Phật pháp sẽ cảm nhận được triết lý sâu xa của nó, và sẽ nhanh chóng tâm đắc. Có người không hiểu tất cả những gì tác giả muốn nói nhưng cũng cảm thấy vở diễn có một sức hấp dẫn kỳ lạ nào đó. Có thể đó là cảnh trí đẹp, có thể đó là những câu nói hay trong rất nhiều câu nói hay, cũng có thể đó là một tình huống hài hước thú vị.