Lựa chọn của Hercules
Cuốn sách này mở đầu bằng một chương mà trong đó Socrates kể lại câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của Prodicus, có tên “Lựa chọn của Hercules”. Các nhà Khắc kỷ, coi Hercules, người con trai vĩ đại nhất của thần Zeus, là một hình mẫu sáng chói thể hiện đức tính kỷ luật tự giác và đức tính chịu đựng mà một triết gia cần có. Bản thân Zeno có lẽ cũng được so sánh với Hercules. Chúng ta được biết rằng người nối nghiệp Zeno là Cleanthes cũng được phong là “Hercules thứ hai” nhờ tính tự chủ của mình. Câu chuyện này tượng trưng cho thách thức lớn lao của việc quyết định ta thật sự muốn trở thành ai trong đời, ta muốn sống kiểu nào, cũng như sự hứa hẹn của triết học và sức cám dỗ của cái xấu.
Khi Hercules còn trẻ đã từng ngồi giữa một ngã ba đường và suy ngẫm về tương lai, không biết nên chọn ngã rẽ nào thì thấy trước mặt xuất hiện hai nữ thần. Một nữ thần rất đẹp và quyến rũ tên là Hạnh phúc (Eudaimonia) hứa hẹn với Hercules rằng con đường của nàng sẽ “dễ dàng và dễ chịu nhất”, rằng có một lối tắt để đi tới hạnh phúc. Nàng tuyên bố rằng chàng có thể tránh được khó khăn gian khổ và hưởng thụ cuộc sống xa hoa vượt khỏi mọi ước mơ rồ dại nhất của con người, một cuộc sống như ông hoàng, được người khác phục dịch.
Nữ thần thứ hai tên là Aretê, một người phụ nữ khiêm nhường, ăn mặc xoàng xĩnh nhưng có một vẻ đẹp tự nhiên. Thật ngạc nhiên, nàng nói con đường của nàng đòi hỏi chàng phải làm việc vất vả, là con đường “dài và khó khăn”. Chàng sẽ phải đối diện với hiểm nguy, sẽ bị thử thách bởi nhiều gian khổ, có lẽ hơn bất kỳ người nào từng sống trên đời, chàng sẽ phải chịu đựng mất mát và đau khổ trên đường. “Các vị thần chẳng ban cho con người điều gì thật sự tốt đẹp và đáng ngưỡng mộ mà không đòi hỏi nỗ lực và làm việc”, Aretê nói.
Tuy nhiên, trên con đường này Hercules sẽ có cơ hội đối diện với mỗi tai ương bằng lòng can đảm và đức tính kỷ luật, chứng tỏ trí tuệ và sự công bằng dẫu hiểm nguy vô cùng. Chàng sẽ đạt được hạnh phúc đích thực bằng cách hoàn thiện tiềm năng trở thành một người hùng vốn có trong mình, và bằng cách thể hiện những hành động đáng ca ngợi và đáng kính của chàng.
Hercules đã chọn con đường của Aretê “Nữ thần Đức hạnh”, và không bị Kakia “Nữ thần Xấu xa” quyến rũ. Chàng liên tục đối diện với những hành hạ của nữ thần Hera và bị buộc phải thực hiện mười hai kỳ công, bao gồm giết chết quái vật Hydra và cuối cùng vào địa ngục để tay không bắt chó ba đầu Cerberus. Hercules đã chết trong đau đớn tột cùng, bị đầu độc bởi chiếc áo tẩm máu Hydra. Tuy nhiên, thần Zeus vô cùng cảm phục tâm hồn vĩ đại của Hercules và tôn chàng lên địa vị một vị thần bất tử.
Hạnh phúc đích thực xuất phát từ bên trong
Không biết việc đọc câu chuyện thần thoại đặc biệt này có gợi cảm hứng cho Zeno chuyển biến sang cuộc đời của một triết gia hay không, nhưng câu chuyện chắc chắn đã ảnh hưởng tới các thế hệ triết gia Khắc kỷ sau này. Họ coi đây là một phép ẩn dụ cho một cuộc sống tốt đẹp: Thà rằng đối diện với gian khổ, vượt qua chúng và từ đó tỏa sáng, còn hơn bám vào một cuộc sống dễ dàng và an nhàn khiến tâm hồn mình co lại và méo mó.
Cuốn sách này nói về chủ nghĩa Khắc kỷ như một nghệ thuật sống, xét về mặt triết học hay nghệ thuật đạt được hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là từ mà người ta có xu hướng gắn với chủ nghĩa Khắc kỷ, vậy nên có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết nó chính là sự hứa hẹn của triết học, là mục tiêu bao quát của toàn bộ hệ thống triết học này.
Như chúng ta đã thấy, eudaimonia là một từ đặc biệt khó dịch, mặc dù các triết gia cổ đại đều thống nhất rằng nó là mục tiêu của cuộc sống. Eudaimonia là Hạnh phúc hay sự viên mãn tối thượng mà con người có thể đạt được, là trạng thái cao quý, thậm chí có tính chất thánh thần. Ở đây, chúng ta sử dụng từ Hạnh phúc viết hoa, vì khi viết thường nó không phải là một từ đồng nghĩa hoàn hảo. Đôi khi chúng ta để nguyên không dịch, và vì vậy nó có đôi chút giống như từ nirvana (tiếng Phạn) trong kinh sách Phật giáo. Nirvana thật ra có thể coi là đồng nghĩa với eudaimonia, vì eudaimonia cũng mang ý nghĩa là trạng thái phấn khởi vô song của con người, nó là thành tựu cao nhất trong đời và là mục tiêu của mọi trường phái triết học.
Tuy nhiên, từ này không chỉ nói về cảm xúc, và chủ nghĩa Khắc kỷ khó có thể gọi là một trường phái triết học về “cảm giác tốt đẹp”. Theo truyền thống, nó được định nghĩa là tổng thể của mọi điều tốt, cần cho “cuộc đời tốt đẹp”, hay cần để “sống tốt”. Tuy nhiên, các nhà Khắc kỷ lại khăng khăng cho rằng một khi đã trải qua sự “chuyển hóa” triết học (epistrophê), chúng ta sẽ nhìn qua tấm gương mờ (tuphos) của các giá trị quy ước và biết cách xem eudaimonia hoàn toàn ngang hàng với một cuộc đời đức hạnh, vượt lên trên mọi may rủi bên ngoài.
Zeno cũng đã gọi đó là một cuộc sống trôi đi êm ả, một cuộc sống thanh bình và tự do mà một nhà Hiền triết lý tưởng đạt được. Đối với các nhà Khắc kỷ, là một người khôn ngoan và một người tốt là điều kiện cần và đủ để có một cuộc sống tốt nhất, tức đạt được eudaimonia, bất kể may rủi trong đời. Chúng ta có thể nói “Hạnh phúc đích thực xuất phát từ bên trong”, hay như Epictetus từng nói: “Nếu muốn bất kỳ sự tốt đẹp nào, hãy tìm trong chính bản thân mình”.