“Tại sao bạn phải lấy làm ngạc nhiên với việc những người tốt đẹp phải trải qua thử thách mới có thể trở nên mạnh mẽ? Không một cái cây nào có thể bám rễ sâu và cứng cáp trừ phi nó bị gió quăng mưa quật. Bởi càng bị quăng quật, rễ cây càng ăn sâu bám chắc. Những cái cây yếu ớt là những cái cây lớn lên trong thung lũng yên bình ngập nắng” - (triết gia cổ đại Seneca).
Xoay quanh một trường phái có nhiều biến thể, nhiều hiểu lầm, “Chủ nghĩa Khắc kỷ” của Donald Robertson là một nỗ lực để độc giả có bức tranh toàn cảnh về chủ nghĩa Khắc kỷ, hiểu đúng những tinh hoa của trường phái triết học này để áp dụng vào đời sống.
Người Khắc kỷ xem mục tiêu cơ bản của cuộc đời là “sống hòa hợp với tự nhiên”. Một mặt, đó là nỗ lực sống thuận theo bản chất người của chính mình, nói như người Khắc kỷ, là nỗ lực nuôi dưỡng “đức hạnh”. Mà con người vốn là sinh vật có lý trí và có tính xã hội, đồng thời nhiều ham muốn và sợ hãi, nên các đức hạnh quan trọng nhất của chúng ta là khôn ngoan, chừng mực, công bằng, kỷ luật tự giác và can đảm. Nói theo hình ảnh ẩn dụ của Seneca, người càng đức hạnh thì càng giống như cây có rễ sâu, bám chắc vào lòng đất.
Mặt khác, thuận theo tự nhiên cũng có nghĩa là chấp nhận vị thế của mình như một phần của toàn thể, của vũ trụ, biết bình thản đón nhận những “gió quăng mưa quật” của số phận. Thuận theo bản thân và toàn thể - hai nhiệm vụ này thực chất bổ sung cho nhau, vì con người cần có đức hạnh để có thể đón nhận bất cứ điều gì cuộc sống mang lại.
Người Khắc kỷ tin rằng đức hạnh là thứ duy nhất thật sự tốt đẹp, là điều kiện cần và đủ cho một cuộc sống tốt, còn những thứ “ngoại tại” như sức khoẻ, của cải, danh vọng… là “không quan trọng” và nằm ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, phân biệt giữa điều nằm trong và ngoài năng lực kiểm soát chính là khía cạnh khó nhằn nhất, dễ nhầm lẫn nhất của thuyết Khắc kỷ. Như Donald Robertson đính chính trong sách, những ấn tượng rằng người khắc kỷ sống khô khan, vô cảm, kìm nén cảm xúc… đều do hiểu sai điểm này của học thuyết.
Trong “Chủ nghĩa Khắc kỷ”, Donald Robertson cũng nhấn mạnh về tính thực tiễn của đức hạnh. Các triết gia Khắc kỷ không coi triết lý của mình như những tư tưởng trừu tượng, mà muốn chúng “thẩm thấu vào cuộc sống”. Phong cách sống khắt khe của người Khắc kỷ - như tiết chế ăn uống, thường xuyên rèn luyện thể chất - chính là một cách rèn luyện sự can đảm và kỷ luật. Ngoài ra, họ cũng thường xuyên thực hành các bài tập tâm lý phong phú, bao gồm thiền quán.
Thực tế, Liệu pháp Nhận thức Hành vi - Cognitive-Behavioural Therapy (CBT) và tiền thân của nó là Liệu pháp Hành vi Cảm xúc Lý trí - Rational Emotive Behaviour Therapy (REBT) đều được xây dựng dựa trên những triết lý của học thuyết này. Để độc giả đạt được sự vững vàng trong cảm xúc, dẻo dai tâm lý, bình thản và tự tại nhờ vào các phương pháp thực hành của thuyết Khắc kỷ cũng chính là mục tiêu cốt yếu mà Donald Robertson hướng đến trong cuốn sách.
Xuyên suốt 11 chương, tác giả đã trích dẫn, phân tích, so sánh diễn giải từ các triết gia thời sơ khai; các tên tuổi hậu duệ (Marcus Aurelius với cuốn sách “Meditations”; Epictetus với cuốn sách “Discourses”…); cho đến những nghiên cứu đương đại. Nhưng cuốn sách không đi theo hướng hàn lâm mà được thiết kế như một chương trình tự học dễ hiểu, dễ thực hành, kèm theo các ghi nhớ, bài tập, cùng nhiều ẩn dụ và trích dẫn giàu chất thơ từ những triết gia kiêm tác giả xuất sắc.
Với “Chủ nghĩa Khắc kỷ”, người đọc phổ thông sẽ dễ dàng đắm chìm vào học thuyết cũng như biết cách ứng dụng nó vào đời sống hôm nay, nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng, cũng là “lời hứa hẹn” của thuyết Khắc kỷ và của triết học nói chung: sự toàn vẹn cá nhân, viên mãn và hạnh phúc đích thực bất chấp “gió mưa quăng quật” cuộc đời.
Donald Robertson là một nhà tâm lý trị liệu chuyên về Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (Cognitive-Behavioural Therapy - CBT) và điều trị các hội chứng lo âu. Ông có những nghiên cứu sâu sắc về mối quan hệ giữa triết học cổ đại với liệu pháp tâm lý hiện đại, đặc biệt là mối quan hệ giữa chủ nghĩa Khắc kỷ và Liệu pháp Nhận thức - Hành vi. Ông là tác giả của năm cuốn sách về tâm lý và tâm lý trị liệu, bao gồm Build your Resilience (2012) trong loạt sách Teach Yourself, và The Philosophy of Cognitive-Behavioural Thẻapy: Stoic Philosophy as Rational and Cognitive Psychotherapy.
Robertson nuôi dưỡng tình yêu triết học từ năm 17 tuổi, theo học triết tại đại học Aberdeen (vương quốc Anh) đồng thời thực hành tu tập theo Phật giáo, nhưng sau khi tốt nghiệp lại theo đuổi con đường tư vấn và trị liệu tâm lý. Ông tóm gọn về những mối quan tâm đa dạng của mình: “Tôi luôn khát khao làm sao để ba thứ - trị liệu, triết học và thiền - càng hoà hợp với nhau càng tốt”.