Sức bật tinh thần - Suy ngẫm về sự ra đi trong chủ nghĩa khắc kỷ và phân tâm học

28/07/2021 08:30
Sức bật tinh thần - Suy ngẫm về sự ra đi trong chủ nghĩa khắc kỷ và phân tâm học

"Bệnh u sầu” mà Freud đề cập giờ như chứng trầm cảm. “Than khóc” là một phản ứng bình thường trước các sự kiện và sẽ phai đi theo thời gian. Hai cách phản ứng này có ích trong việc khám phá sức bật tinh thần của chúng ta khi đối mặt với những tổn thất.

Chủ nghĩa khắc kỷ có thể dạy chúng ta rất nhiều điều về sức bật tinh thần. Nó nhắc nhở chúng ta về sự khó lường của thế giới và sự ngắn ngủi của cuộc sống. Đó là một lời nhắc nhở hữu ích để chúng ta thấy cần phải kiểm soát bản thân, phải mạnh mẽ và kiên định. Nó ủng hộ logic thay vì sự bốc đồng; nó không bàn tới những lý thuyết phức tạp về thế giới mà chỉ tập trung vào việc vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Nó khuyến khích chúng ta chỉ lo lắng về những gì cần lo lắng, chứ không phải về những giả định “nếu như” và những điều vượt tầm kiểm soát.

Memento mori - lời nhắc nhở về cái chết

Suy ngẫm về cái chết có vẻ là điều chúng ta không ngờ tới khi xây dựng sức bật tinh thần, nhưng các triết gia, bắt đầu từ Socrates, đã thôi thúc chúng ta không suy nghĩ đến điều gì ngoài cái chết. Theo họ, điều này sẽ đảm bảo chúng ta sống trọn vẹn và không trì hoãn, vì cuộc sống ngắn ngủi và khó lường - vậy nên chúng ta hãy luôn tưởng tượng rằng cuộc sống của mình có thể chấm dứt ngay lúc này. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta có hài lòng với cuộc đời mà mình đã sống không? Nếu không thì chúng ta sẽ thay đổi điều gì?

Phương pháp này giúp ích cho chúng ta tại nơi làm việc như thế nào? Ngoài việc suy ngẫm về mối quan hệ mở rộng của bạn với công việc, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như cuộc đời của bạn, chúng ta có thể vận dụng các nguyên tắc này trong một số bối cảnh nhất định. Thay vì nghĩ đến cái chết như kết cục tất yếu, chúng ta hãy nghĩ về “cái chết” trong công việc. Nói cách khác, hậu quả tồi tệ nhất bạn có thể tưởng tượng ra là gì? Có phải là mất việc làm hay không? Hay là mất uy tín, tiền bạc và khách hàng? Nếu bạn biết những điều này sẽ xảy ra, thì các quyết định và lựa chọn hôm nay của bạn sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Phản ứng với điều thật sự xảy ra, thay vì với nỗi sợ của bạn

Triết gia Epicurus đã chịu đựng đời nô lệ để sáng lập ngôi trường của mình, nơi ông dẫn dắt nhiều học giả vĩ đại nhất của thành Rome. Epicurus sinh năm 341 trước Công nguyên - sau khi Plato qua đời, và tên tuổi của ông thường được gắn liền với việc tận hưởng niềm vui thông qua các giác quan, mà trong đó thường liên quan đến đồ ăn và rượu. Tuy nhiên, trọng tâm của ông không phải là khoái lạc mà là xoa dịu đau khổ, nỗi khổ mà theo ông là đến từ nỗi sợ cái chết. Do đó, ông đã tìm cách giúp con người vượt qua nỗi sợ cái chết để có thể đạt được sự bình yên trong tâm hồn (ngày nay chúng ta còn gọi là chánh niệm).

Đừng để sự hỗn loạn hoặc hậu quả nặng nề tiềm tàng của các biến cố nơi công sở khiến chúng ta hành động quá nhanh. Đối mặt với những khả năng xấu này có nghĩa là chúng ta có thể suy nghĩ thấu đáo và chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất - đây là một kết quả tốt và là điều vô giá trong quá trình phát triển sức bật tinh thần. Nhưng giải pháp này có thể đi quá xa và trở thành vô ích vào những giai đoạn biến động, khi những tin đồn và suy đoán tràn ngập ở nơi công sở. Cần nhớ rằng có nhiều lời suy đoán về khả năng thay đổi và xáo trộn hơn là sự thay đổi và xáo trộn trong thực tế.

Một cách để đối phó với những mệnh đề “nếu như” là chỉ cân nhắc những sự thay đổi mà bạn thấy đang hiện hữu. Nếu việc suy nghĩ về những viễn cảnh tồi tệ nhất không có ích, hãy thay đổi chiến thuật. Cụ thể, hãy thử đừng lo lắng về những khả năng có thể xảy ra, những sự xáo trộn trong tưởng tượng hoặc tin đồn. Hãy chỉ chuẩn bị cho sự thay đổi khi bạn biết nó đang trở thành sự thật. Như vậy chúng ta có thể dự trữ năng lượng cho những điều thật sự đang diễn ra, sẵn sàng đón nhận sự thay đổi có thật chứ không phải tưởng tượng. Bằng cách này, những bài học từ chủ nghĩa khắc kỷ sẽ đạt được thế cân bằng, tức là bạn sẽ có thể dự đoán viễn cảnh tồi tệ nhất, lên kế hoạch ứng phó với nó và chỉ tập trung vào điều thật sự diễn ra.

Những bài học từ phân tâm học

Suy ngẫm về cái chết là một bài học được rút ra từ chủ nghĩa khắc kỷ, và nó cũng được khám phá trong tư tưởng phân tâm học. Viễn cảnh quá sức chịu đựng về cái chết có thể khiến nhiều người ảo tưởng rằng họ sẽ bất tử. Xét về khía cạnh công việc, điều này có nghĩa là đôi khi người ta không thể nhận ra rằng sẽ đến lúc họ phải từ bỏ vai trò lãnh đạo, khép lại một dự án, hoặc công ty của họ có thể đóng cửa.

Các thị trường rất dễ sụp đổ, sự thiếu ổn định hiện diện khắp toàn cầu và các tổ chức thì không trường tồn. Ví dụ, những thay đổi trên các tuyến đường trung tâm và sự phát triển của mô hình bán lẻ trực tuyến đã làm thay đổi sâu sắc cách thị trường bán lẻ vận hành. Cắt giảm nhân sự, đóng cửa, sáp nhập và chịu sự quản lý là một phần của đời sống công việc. Công việc ở phân khúc ngành nghề nào cũng sẽ đến hồi kết thúc. Không có tổ chức nào đảm bảo cung cấp công việc trọn đời. Mối quan hệ giữa chúng ta với công việc ngày càng mang tính tạm thời và mất tính bền vững, và điều này tạo ra một sự mất mát đáng để chúng ta lưu ý và tìm hiểu.

Sự kết thúc mang đến cơ hội để suy xét lại, ngẫm nghĩ về phần đời đã qua, cùng với những thành tựu, nuối tiếc và triển vọng của phần đời đó. Tương tự, sự sụp đổ của một tổ chức cũng là cơ hội để suy ngẫm. 

Sự than khóc và bệnh u sầu

Năm 1917, Freud nghiên cứu về “sự than khóc và bệnh u sầu” trong bài luận cùng tên, bàn về phản ứng của con người khi đối diện với nỗi mất mát. Ông viết về quá trình mất mát và than khóc, đồng thời sử dụng kết quả điều tra về phản ứng đối với sự mất mát để giúp chúng ta hiểu phản ứng nào là bình thường. Mục đích của Freud là làm rõ sự khác biệt giữa sự than khóc và bệnh u sầu.

“Bệnh u sầu” mà Freud đề cập là khái niệm mà giờ đây chúng ta hiểu như chứng trầm cảm. “Than khóc” được mô tả là một phản ứng bình thường trước các sự kiện và sẽ phai đi theo thời gian. Hai cách phản ứng với mất mát này có ích trong việc khám phá sức bật tinh thần của chúng ta khi đối mặt với những tổn thất trong công việc.

Trong giai đoạn than khóc, người ta nhận ra người thân yêu hoặc đồ vật yêu thích của họ đã thật sự mất đi, và họ phản ứng bằng cách quay lưng lại với hiện thực. Việc quay lưng này được biểu hiện bằng sự chán nản, mất hứng thú và trì hoãn mọi hoạt động. Những triệu chứng này cũng xuất hiện trong bệnh u sầu. Tuy nhiên, theo thời gian, người than khóc sẽ trở lại trạng thái bình thường, còn người u sầu thì không thể tách ra khỏi sự mất mát và họ thu mình lại.

Nhận ra sự khác biệt giữa than khóc và u sầu có thể giúp chúng ta xây dựng sức bật tinh thần vững chắc hơn. Điều này có ích khi chúng ta tìm hiểu hành vi của bản thân và của người khác. Khi quy trình hay hoàn cảnh làm việc thay đổi, một số người sẽ trải qua “giai đoạn than khóc” bình thường - họ buồn rầu, có thể là tức giận, và khó lòng toàn tâm cho công việc trong một khoảng thời gian nào đó. Tuy nhiên, khi xử lý cảm xúc của mình, họ bắt đầu chấp nhận tình trạng mới và “tái hòa nhập” vào đời sống công việc. Mặt khác, một số người sẽ tiếp tục làm việc như thể không có gì thay đổi; họ chống cự với việc từ bỏ cách thức làm việc cũ, thứ vốn rất quen thuộc và thoải mái đối với họ.

Thay đổi đôi khi là rất khó khăn, và điều đó hoàn toàn dễ hiểu; chúng ta được phép trải qua một giai đoạn để điều chỉnh và thích nghi. Tuy nhiên, khi chúng ta mắc kẹt với những lề thói cũ, không nhận ra mình đang làm gì hoặc hậu quả mà “sự mắc kẹt” này gây ra cho người khác thì sự khác biệt giữa sự than khóc và bệnh u sầu sẽ hiện lên rất rõ ràng.

Thay đổi, giới hạn và lối tư duy

Trong công việc, làm theo quy trình và những hướng dẫn có sẵn tất nhiên là rất quan trọng. Chúng ta cần các quy định và thủ tục, cấu trúc và hệ thống. Tuy nhiên, việc khư khư giữ lấy “cách mọi việc được làm từ trước đến giờ” có thể gây ra vô số căng thẳng và sự trì trệ khi có sự thay đổi. Chuẩn bị hoàn hảo để tuân theo phương thức làm việc hiện tại đồng nghĩa với việc chúng ta có thể cực kỳ khó đón nhận sự thay đổi. Do đó, khi thói quen, phương pháp và thực tế thay đổi thì tính có thể dự đoán lại trở thành trở ngại. Nơi nào yêu cầu lối tư duy mới và sự cải tiến, nơi đó cần có sự cởi mở với ý tưởng mới, sự sáng tạo và cách tư duy khác.

Có nhiều yếu tố quan trọng khác khiến việc thay đổi trở nên khó khăn với một số cá nhân. Ngược với quan điểm tư duy cầu tiến và nghiên cứu của Carol Dweck mà chúng ta đã tìm hiểu trong Chương 2, có ý kiến cho rằng phần lớn cách chúng ta phản ứng với sự thay đổi phụ thuộc vào bộ gien của mình. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không thể làm gì để phát triển năng lực ứng phó với sự thay đổi và xáo trộn, nhưng nó cho thấy một số người có thể khó đón nhận sự thay đổi hơn những người khác cũng như một số người có sức bật tinh thần tốt hơn những người khác.

Người Hy Lạp cổ đại coi sức mạnh của vận mệnh là trên hết, và quan niệm này vẫn còn giá trị. Trong quyển Science of Fate: Why Your Future is More Predictable Than You Think (tạm dịch: Khoa học của Vận mệnh: Tại sao tương lai dễ đoán hơn bạn nghĩ), nhà thần kinh học Hannah Critchlow mô tả vai trò của khoa học thần kinh trong việc giúp chúng ta hiểu thêm về cách vận hành của sức bật tinh thần, cũng như cách chúng ta tự tạo ra vận may thông qua việc chọn lựa môi trường hay mối quan hệ mà mình sẽ vun đắp. Bà nghiên cứu lý do mỗi người có một quỹ đạo sống khác nhau, xem xét điều gì tạo ra sức bật tinh thần và điều gì giúp bộ não phát triển. Theo bà, gien di truyền và kinh nghiệm dẫn chúng ta đến với một cuộc sống mà trong đó chúng ta có ít khả năng kiểm soát hơn mình nghĩ.

Tư duy cầu tiến ngấm vào xã hội… củng cố tư tưởng rằng mọi mục tiêu hay mong muốn của chúng ta đều có thể được thực hiện. Chúng ta được thuyết phục để tin vào khái niệm hành động và năng lực không giới hạn, một viễn cảnh coi trọng tự do ý chí, thứ bác bỏ những quan điểm về giới hạn trong sinh học cũng như trong khía cạnh kinh tế xã hội.

Trong công việc, có những lúc chúng ta nhận ra thay đổi là cần thiết. Đó có thể là lúc chúng ta không còn chịu được việc đi công tác nước ngoài nữa, hoặc chúng ta gặp vấn đề sức khỏe và cần được hỗ trợ, hoặc chúng ta cạn kiệt nhiệt huyết và đam mê dành cho một điều mình từng thích. Thay đổi thì thường vất vả, thậm chí đau đớn, nhưng chúng ta vẫn chọn sự thay đổi. Ngay cả Critchlow, người tin vào số phận, cũng tập trung vào triển vọng xây dựng sức bật tinh thần chứ không nhấn mạnh vào những giới hạn.

Minh họa: Daniel Taylor art

Bài viết được trích lược trong cuốn sách Sức bật tinh thần do First News phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể đặt mua tại đây , Trạm Đọc gửi tặng mã TDFHS07 - giảm thêm 5% khi các bạn đặt mua tại Fahasa. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/7/2021


Gửi bình luận
(0) Bình luận