Từng bị đuổi việc vì báo cáo công việc một cách chống đối
Tùy vào từng công ty, doanh nghiệp khác nhau sẽ có những yêu cầu cụ thể về báo cáo công việc. Nhưng dù là theo tuần hay theo tháng thì việc báo cáo sẽ giúp nhân sự có cái nhìn tổng quan về công việc của mình, đồng thời tăng tính chủ động, linh hoạt với công việc - một điều mà bất kỳ lãnh đạo nào cũng mong muốn ở nhân viên.
Tuy nhiên, có không ít người cảm thấy không thích, thậm chí là chán ghét "thủ tục" này khi đi làm.
Chia sẻ với PV Dân trí, anh Nguyễn Hải (24 tuổi, Đà Nẵng) tâm sự: "Hồi mới bắt đầu đi làm, mình từng không thích phải báo cáo công việc vì cảm thấy như đang bị cấp trên quản thời gian của mình.
Khi còn làm ở công ty cũ, mình phải "khai" chi tiết từng hạng mục công việc mà mình đảm nhận trong tuần: Nội dung công việc, thời gian, cách thức thực hiện, kết quả công việc... sau đó ký và nộp cho cấp trên. Dần dần, mình bắt đầu làm báo cáo theo kiểu chống đối, làm cho có để nhận lương.
Kết quả là mình bị buộc thôi việc ngay sau đó".
Từ bài học đáng nhớ này, anh Hải tự nhủ cần phải thay đổi thói quen để vừa nâng cao giá trị bản thân lại vừa cống hiến hết mình cho công ty.
Anh Hải cũng cho biết, bản thân anh không giỏi ăn nói, cũng không biết nịnh nọt, nên với anh, chủ động học hỏi, báo cáo chi tiết, đầy đủ là một cách hữu hiệu nhất.
Anh lưu ý rằng, khi báo cáo công việc với sếp, điều quan trọng là thông tin phải chính xác, tỏ rõ thái độ cầu thị, nếu gặp khó khăn không ngại nhờ sếp hoặc đồng nghiệp giúp đỡ. Còn nếu "cứ im im" và không chịu báo cáo công việc thì sớm muộn gì cũng phải nhận "vé" nghỉ việc như anh ngày đó.
"Sau này đi làm, kể cả không được yêu cầu, mình cũng vẫn chủ động báo cáo công việc hằng ngày, hằng tuần. Chỉ một chút thay đổi nhỏ này thôi nhưng mình cũng cảm nhận được sự hài lòng của sếp", anh Hải nói.
Chủ động báo cáo công việc giúp mình có được sự tín nhiệm của sếp
Scott Wolfe Jr, Giám đốc điều hành của Zlien cũng đã đề cập về vấn đề báo cáo công tác của nhân viên. Ông nói: "Tôi thích các báo cáo hàng tuần vì đây là một cách để nhận được thông tin chi tiết từ nhân viên của mình và cụ thể hóa những gì họ đang làm".
Phương Uyên (21 tuổi, Hà Nội) cho rằng, con người sẽ dễ dàng mắc kẹt trong bất lực và tuyệt vọng, thậm chí là lo lắng cực độ nếu gặp phải những điều không nằm trong tầm kiểm soát của mình.
"Không phải suy nghĩ tiêu cực, nhưng mình luôn đề phòng rủi ro có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào. Báo cáo để những người lãnh đạo theo dõi tiến độ công việc cũng là cách ngăn chặn, giảm thiểu những rủi ro.
Đã có lúc công việc xảy ra tình trạng ngoài ý muốn, mình không thể ôm đồm mọi thứ mà cần phải báo cáo kịp thời để công ty có những phương án giải quyết, khắc phục tình trạng đó.
Nhờ sự chủ động này mà mình đã có được sự tín nhiệm của sếp và đến gần hơn tới cơ hội thăng tiến trong công việc", Uyên bộc bạch.
Báo cáo giúp nhân viên nhận được sự giúp đỡ của sếp nhiều hơn
Chia sẻ với PV Dân trí, Cao Minh Huyền cho biết đã từng giữ suy nghĩ sếp như một "kẻ phản diện" ở nơi làm việc, chỉ biết giao việc và khiến nhân viên phải tăng ca. Nhưng ngược lại với những gì bản thân lầm tưởng, Huyền lại được sếp giúp đỡ rất nhiều.
"Những lần dập máy, những tin nhắn không được hồi âm hay những câu trả lời như: "Tôi sẽ liên hệ lại sau", "Rất tiếc tôi không giúp gì được cho bạn"... nằm trong số muôn vàn khó khăn mà mình gặp phải trong quá trình làm nghề.
Mình vẫn luôn chủ động báo cáo về tiến độ công việc, không phải cứ khó khăn là "cầu cứu" sếp nhưng thực sự có những chuyện vượt ngoài khả năng của mình. Quả thực, chính nhờ báo cáo tiến độ mới giúp mình nhận được sự giúp đỡ của sếp nhiều hơn.
Là lãnh đạo nên về lợi thế, kinh nghiệm hay cách suy nghĩ, giải quyết đều hơn hẳn. Mình không chỉ nhận được sự hướng dẫn hay những lời khuyên mà còn được sếp hỗ trợ tận tình, từ việc liên hệ nhân vật đến cách làm nghề", chị tâm sự.
Huyền cũng chia sẻ thêm, bất kể là công việc nào thì việc báo cáo là vô cùng cần thiết, cho dù là báo cáo bằng lời nói hay qua giấy tờ. Một điều phải đảm bảo là báo cáo cần đúng, đủ và khoa học, nếu quá rườm rà sẽ bị xem là phiền phức.