Từ đâu xuất hiện tâm lý khó từ chối người khác
Từ chối vốn không khó, việc chúng ta e ngại chính là thái độ và phản ứng của người yêu cầu. Ta sợ làm mất lòng họ và ảnh hưởng đến mối quan hệ sau này.
Việc làm hài lòng mọi người có lẽ thường bắt nguồn từ thời thơ ấu. Chúng ta được nuôi dạy để trở thành một cô bé hay cậu bé ngoan. Nhiều đứa trẻ không nhận được đủ sự quan tâm đến từ người thân nên đã tìm kiếm điều đó bằng cách làm hài lòng người khác.
Chloe Brotheridge là một nhà thôi miên trị liệu đồng thời là tác giả của cuốn Brave New Girl: 7 steps to confidence. Cô chia sẻ câu chuyện của những bệnh nhân mà mình từng khám.
Một khách hàng đã nói với Chloe rằng khi còn nhỏ, cô cảm thấy phải chịu trách nhiệm về hạnh phúc của người mẹ đang bị trầm cảm của mình. Bây giờ cô ấy cảm thấy mình phải đồng ý với mọi yêu cầu vì sợ làm phiền lòng mọi người.
Một khách hàng khác cũng nói với nhà trị liệu rằng anh ấy từng sợ những cơn giận dữ bộc phát của cha mình và thường nói đồng ý để tránh chọc giận ai đó.
Nhiều người trong chúng ta đã quen với việc nói đồng ý đến mức bản thân còn không biết mình muốn gì. Nếu những lời đề nghị đó đã khiến cuộc sống của bạn trở nên quá bận bịu thậm chí, bạn còn không có thời gian dành cho bản thân, tệ hơn là khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng trầm trọng, đã đến lúc bạn cần phải thay đổi.
Nghệ thuật nói "không" một cách hiệu quả
Bước đầu tiên để tìm ra từ "không" chính là tự xem bản thân đã dành ra bao nhiêu thời gian, năng lượng, tiền bạc cho những lần đồng ý mà lẽ ra bạn có thể từ chối.
Bạn đã uống bao nhiêu ly cà phê với những người mà mình không muốn uống cùng? Bạn đã tham dự bao nhiêu đám cưới mà bạn thật sự không muốn xuất hiện? Bạn đã trải qua bao nhiêu buổi họp tẻ nhạt khi không có lý do thật sự để đến?
Hãy tự hỏi rằng: "Nhận lời để khiến mọi người vui vẻ có phải là điều đúng đắn hay không?". Cố gắng làm hài lòng có thể là một hình thức thao túng. Tác giả Byron Katie cho rằng chúng ta tự đùa rằng mình chỉ là người tử tế khi chấp nhận người khác, nhưng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ bất ngờ khi nhu cầu của chúng ta không được đáp ứng lại.
Trong cuốn sách The Power of No, doanh nhân kiêm tác giả James Altucher đã viết: "Khi bạn nói đồng ý với điều gì đó mà bạn không muốn làm, kết quả là bạn ghét điều mình đang làm, bạn bực bội với người đã yêu cầu và bạn đang làm tổn thương chính mình".
Thay vì nói đồng ý một cách bốc đồng, hãy tập thói quen tự hỏi chính mình: "Tôi có chấp nhận điều này vì bản thân hay không?". Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt chẳng hạn khi bạn được mời uống nước hoặc nếu ai đó nhờ bạn làm hộ một việc nào đó. Thử nghĩ xem bản thân thật sự có thể làm hoặc muốn làm hay không.
Về cơ bản, bạn là người nhận được lời đề nghị và nắm quyền chủ động quyết định. Bạn cần hiểu rằng, nếu đồng ý với một yêu cầu khi biết chắc mình không thể hoàn thành, đối phương có thể sẽ thấy thất vọng và mất niềm tin ở bạn nhiều hơn. Bởi vậy khi bị đặt vào thế khó và biết yêu cầu đó vượt quá khả năng cho phép, đừng ngại ngùng từ chối nó.
Vanessa Van Edwards, người sáng lập phòng nghiên cứu hành vi con người Science of People, cho biết: "Yêu cầu họ nhắn tin hoặc gửi email để bạn có thể liên hệ lại với họ. Hoàn toàn hợp lý khi nói rằng bạn cần kiểm tra lịch trình của mình trước khi trả lời. Việc này cho phép bạn suy nghĩ kĩ càng hơn và có thời gian tìm lý do từ chối nếu không muốn".
Nếu bạn vẫn đang đấu tranh để nói "không", hãy nhớ đến câu nói nổi tiếng của tỷ phú doanh nhân Warren Buffet: "Sự khác biệt giữa những người thành công và những người chưa thành công đó là những người thành công nói không với hầu hết mọi thứ".
Nói không cho phép bạn lựa chọn những gì quan trọng hơn. Điều đó giúp bạn trở thành một người tốt hơn bởi vì khi bạn nói đồng ý, điều đó nên xuất phát từ một lý do tốt chứ không phải từ sự oán giận hay sợ hãi. Nó tạo không gian cho những gì quan trọng nhất với bạn, thay vì chìm đắm trong sự bận rộn do ta tự tạo ra.
Việc đồng ý lúc nào cũng dễ nói ra hơn lời từ chối. Tuy nhiên bạn không thể làm hài lòng được tất cả mọi người. Nếu nhận lời tất cả yêu cầu, bạn sẽ chỉ rút cạn sức lực và thời gian của bản thân. Những việc đó vốn không cần thiết. Trong nhiều trường hợp, lời từ chối rất cần thiết và dễ chấp nhận hơn.