Theo hãng tin Bloomberg, giới trẻ tại nhiều nước đang bị cách ly với đại dịch Covid-19 và cũng bị tách biệt luôn với cả thị trường lao động. Hậu quả của vấn đề này sẽ còn kéo dài và nghiệm trọng trong rất nhiều năm bất chấp đại dịch có chấm dứt hay không.
Số liệu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy tỷ lệ giới trẻ có việc làm trên toàn cầu năm 2020 đã giảm 8,7%, cao hơn nhiều mức giảm 3,7% của toàn thể lao động trưởng thành. Mặc dù nền kinh tế đã mở cửa trở lại nhưng vẫn còn rất nhiều lao động trẻ bị mắc kẹt sau quãng thời gian phong tỏa khi không tìm được cơ hội trên thị trường việc làm.
Theo ILO, việc nhiều bạn trẻ bị thất nghiệp quá lâu sẽ có ảnh hưởng lâu dài khi không chỉ làm giảm thu nhập, hạ năng suất mà còn tác động đến nhiều vấn đề khác như an ninh xã hội. Những dữ liệu lịch sử cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, bất ổn xã hội đều gia tăng do lượng lớn người trẻ thất nghiệp.
Tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp, không tham gia học hành hay đào tạo gì tại các nước
Bởi vậy đại dịch Covid-19 lần này sẽ tạo nên sự bất ổn chưa từng có bởi ngay từ trước khi bùng phát cuối năm 2019, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo thế giới cần ít nhất 600 triệu việc làm trong hơn 15 năm tới để đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ.
"Việc để mọi người thất nghiệp dài hạn nguy hiểm hơn so với tưởng tượng. Đó không chỉ là số thu nhập bị mất hay số hàng hóa không thể sản xuất được mà còn là tay nghề, phong độ của nhiều lao động phải ở nhà quá lâu", chuyên gia kinh tế từng đoạt giải Nobel, ông Paul Romer cảnh báo.
Hãy cùng dạo qua vài quốc gia với những ví dụ điển hình cho thế hệ phong tỏa sau đại dịch:
Trong đợt dịch đầu tiên, nền kinh tế Trung Quốc đã hồi phục mạnh mẽ nhờ chiến lược "Zero Covid", thế nhưng với biến thể Delta, chính quyền Bắc Kinh đang gặp nhiều khó khăn hơn.
Cô Sun Xiaowen, 23 tuổi, tốt nghiệp từ trường đại học Renmin năm 2020 và đang sống tại Thượng Hải và lên kế hoạch du học ở Đức. Thế nhưng đại dịch đã làm đảo lộn tất cả. Giờ đây cô đang phải làm việc cho một công ty tư vấn du học với hy vọng đại dịch sẽ qua nhanh.
"Những người tốt nghiệp đại học năm 2020 chịu thiệt hại nặng nhất vì đại dịch...Chúng tôi không chỉ phải cạnh tranh với những sinh viên tốt nghiệp năm 2021 mà còn cả với lượng lớn lao động bị nghỉ việc vì dịch nữa", cô Sun buồn bã nói.
Trung Quốc sẽ có khoảng 9,1 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2021, cao hơn mức 8,7 triệu năm 2020 và là mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Thật không may là tốt nghiệp nhiều sinh viên nhưng thị trường lao động lại ảm đạm.
Năm 2020, Trung Quốc chỉ có 11,9 triệu việc làm mới tại các thành thị, thấp hơn 13,5 triệu việc làm năm 2019. Tính đến tháng 7/2020, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc đã lên đến 16,8% và dù đã giảm xuống 14,6% trong tháng 9/2021 thì vẫn có lượng lớn thanh thiếu niên mất phương hướng vì thất nghiệp quá lâu.
Với cô Sun, tình hình giờ đây trở nên khó khăn hơn khi chính phủ cấm dạy thêm khi quy định này có thể ảnh hưởng đến việc làm của cô. Tuy nhiên cô hy vọng mình vẫn có thể kiếm được việc làm với tấm bằng đại học của mình.
Anh Hemant Singh là một trong số những bạn trẻ tại Ấn Độ bị gián đoạn sự nghiệp vì đại dịch. Cách đây 2 năm, chàng trai này chuyển từ thi đấu bóng rổ chuyên nghiệp tại Delhi sang làm phụ giảng môn thể thao cho một trường quốc tế. Công việc này đem lại thu nhập 10.000 Rupee, tương đương 135 USD/tháng cho Singh và anh đang hướng đến trở thành một huấn luyện viên chuyên nghiệp.
Thế rồi đại dịch ập đến khiến mọi trường học đóng cửa, khiến anh Singh và những người cùng cảnh ngộ phải bỏ về quê nhà ở Rajasthan để kinh doanh một quầy bán rượu nhỏ suốt 7 tháng qua để kiếm sống qua ngày. Cựu vận động viên bóng rổ này dành cả ngày để bán hàng và trông tiệm đến mức quên mất ước mơ và kỹ năng chính của mình là gì.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ tới mình sẽ bị mất việc vì dịch Covid-19. Giờ đây tôi chẳng còn thấy mình giống một huấn luyện viên bóng rổ nữa", anh Singh buồn bã.
Anh Hemant Singh
Hãng tin Bloomberg cho biết mỗi tháng có khoảng 1 triệu người đến tuổi lao động ở Ấn Độ nhưng chưa đến 10% tổng số lao động tại đây có công việc ổn định. Dù nền kinh tế này đã hồi phục lại sau lần bùng dịch kinh khủng trước đó nhưng tỷ lệ giới trẻ trong độ tuổi 20-24 thất nghiệp vẫn gần 39% tính đến tháng 3/2021.
Cô Trisha Nicole Miayo đến từ tỉnh Laguna-Philippines là một sinh viên tốt nghiệp ngành nấu nướng năm 2019. Cô kiếm được công việc tại một khách sạn ở Savannah-Mỹ với thu nhập khoảng 1.600 USD, nhiều hơn gấp 5 lần so với mức lương ở vị trí tương đương tại quê nhà.
Khi đại dịch ập đến, Miayo phải bỏ việc vì chính sách giãn cách của Mỹ vào tháng 3/2020. Cô vốn là một lao động hợp đồng thời vụ nên không nhận được trợ cấp gì từ chính phủ trong khi các khách sạn, nhà hàng đều đóng cửa do dịch. Dù rất muốn ở lại nhưng do không còn tiền nên cô phải trở về Philippines vào tháng 4/2020.
Giờ đây, Miayo đang kinh doanh quần áo trực tuyến nhưng thu nhập cũng chẳng là bao. Tấm bằng nấu nướng của cô giờ đây trở nên vô dụng trong khi kỹ năng của Miayo bị bỏ phế.
Hãng tin Bloomberg cho biết tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp tại Philippines đã lên đến 18% vào tháng 9/2021. Dù con số này thấp hơn mức đỉnh 32% của tháng 4/2020 nhưng chúng vẫn cao gấp đôi so với tỷ lệ thất nghiệp bình quân của mọi độ tuổi.
Cô Trisha Nicole Miayo
Chán nản với nghề bán quần áo trực tuyến, Miayo hiện đang phụ mẹ kinh doanh tiệm tạp hóa với thu nhập khoảng 5.000 Peso, tương đương 100 USD/tháng. Số tiền này chỉ đủ tiêu vặt và cô cho biết có lẽ mình phải gác giấc mơ nấu nướng qua một bên để tìm đường mưu sinh.
"Tính đến năm 2022 thì tôi đã có 2 năm không làm nghề đầu bếp. Đôi khi tôi cảm giác tấm bằng và kỹ năng của mình trở nên vô dụng vậy", cô Miayo chán nản.
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều bạn trẻ khắp thế giới phải từ bỏ giấc mơ, kỹ năng cũng như bỏ phế tấm bằng vì đại dịch. Tại Brazil, tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp lên tới 23% với 3,5 triệu lao động có bằng đại học không tìm được việc làm năm 2020.
Tại Ghana, hơn 50% giới trẻ thất nghiệp trong khi con số này là 64% ở Nam Phi. Rất nhiều bạn trẻ thất nghiệp đã quay sang những hoạt động phi pháp như buôn ma tuý, cướp bóc để mưu sinh hay chỉ đơn giản là vì quá chán khi ở nhà.
"Tình hình tồi tệ đến mức bạn còn chẳng biết có kiếm được bữa ăn tới hay không nữa", cô Fikile Lucie Moni buồn bã nói khi cho biết cứ 5 người trong độ tuổi lao động ở Nam Phi thì 4 người thất nghiệp.
*Nguồn: Bloomberg
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị