Kiểu người thứ nhất làm việc cật lực năm này tháng nọ nhưng chỉ đủ trả hoá đơn hàng tháng, bị động trước cuộc sống, quanh năm “thiếu trước hụt sau”. Còn kiểu người thứ hai thì ngược lại: chăm chỉ nhưng không vật lộn, ung dung tự tại, túi tiền rủng rỉnh.
Năm 25 tuổi, anh chàng người Mỹ Jim Rohn từng là kiểu người thứ nhất. Nhưng Jim Rohn của năm 31 tuổi đã trở thành kiểu người thứ hai, một doanh nhân giàu có và hạnh phúc. Ngày nay, ông được biết đến như một triệu phú, “báu vật quốc gia” của nước Mỹ, thầy của Anthony Robbins (tác giả self-help ngôi sao) hay Mark R. Hughes (nhà sáng lập Herbalife).
Làm thế nào mà Jim Rohn đã xoay chuyển hoàn toàn cuộc sống chỉ trong 6 năm? Câu chuyện được ông chia sẻ trong cuốn sách “7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc” (7 Strategies For Wealth and Happiness).
1. Biết thiết kế tương lai
Theo Jim Rohn, có nhiều người làm việc rất cật lực, nhưng khi được yêu cầu dành thời gian để thiết kế tương lai của chính mình, họ thường trả lời rằng: “Tôi không có thời gian”.
Bài học then chốt ở đây là cần biết hoạch định cuộc đời, cụ thể là lập các mục tiêu ngắn hạn và cả dài hạn cho bản thân. Trong “7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc”, Jim Rohn hướng dẫn độc giả viết ra nhiều “tầng lớp mục tiêu” khác nhau: 4 mục tiêu thời hạn dưới 1 năm; 4 mục tiêu thời hạn 3 năm; 4 mục tiêu thời hạn 5 năm; và 4 mục tiêu thời hạn 10 năm.
Theo Jim Rohn, điều quan trọng là cần có cân đối giữa những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Nếu bạn có rất nhiều mục tiêu 10 năm nhưng rất ít mục tiêu 1 năm, nghĩa là bạn đang trì hoãn việc hành động ngay bằng cách đẩy lùi thời hạn hoàn thành. Trái lại, nếu bạn có rất ít mục tiêu dài hạn, có lẽ là bạn vẫn chưa quyết định được kiểu cuộc sống mà mình mong muốn tạo dựng về lâu về dài.
2. Biết tự học
“Nền giáo dục theo tiêu chuẩn thông thường sẽ mang lại cho cậu những kết quả ở mức thông thường. Nếu muốn nhiều hơn mức trung bình, cậu phải trở thành người có khả năng tự học”, Jim Rohn nhắc lại lời Earl Shoaff - doanh nhân và là người thầy tinh thần của ông.
Trong cuốn sách, Jim chia khả năng tự học thành 3 mảng: Tự suy nghiệm bản thân, học từ quan sát, lắng nghe người khác và học từ sách vở, video.
Kinh nghiệm có thể biến thành tiền và hàng hoá nếu bạn biết cách chuyển hoá. Jim Rohn khuyên bạn đọc dành thời gian cuối mỗi tuần, mỗi tháng, hoặc mỗi năm để nhìn lại những sự việc đã xảy ra trong cuộc sống. Đó chính là cách bạn “tích luỹ quá khứ để đầu tư vào tương lai”.
Cách thứ hai là học từ người khác. “Hãy quan sát những người thành công. Tại sao ư? Vì sự thành công luôn để lại những manh mối”, tác giả viết. Và cuối cùng là học từ sách vở, video. Mỗi tháng, bạn hãy dành riêng một phần thu nhập để đầu tư vào việc tìm kiếm tri thức. Bạn có thể mua một quyển sách giá trên dưới 100, 200 ngàn đồng, nhưng thông tin mà bạn nhận được có thể mang lợi cho bạn hàng chục, hàng trăm triệu đồng và thậm chí là hơn thế.
3. Làm việc cật lực cho chính mình hơn là cho công việc
“Câu hỏi quan trọng trong quá trình này không phải là: ‘Tôi sẽ có được những gì?’. Thay vào đó, bạn nên hỏi: ‘Tôi sẽ trở thành gì?’”, Jim Rohn nhấn mạnh.
Điều đó có nghĩa là hãy chú trọng nhiều hơn vào xây dựng phẩm chất và năng lực, hơn là công việc hay mức thu nhập hiện tại. Tại sao vậy? Sự tập trung vào chính mình giúp bạn phát triển vượt trội hơn nhiều so với những người chỉ chăm chăm hoàn thành công việc trước mắt.
Và nên nhớ, thu nhập hiếm khi vượt qua sự phát triển cá nhân; nếu ai đó trao vào tay bạn 1 tỷ đồng nhưng sự phát triển của bạn chưa tương xứng với con số đó, thì số tiền đó cũng sẽ nhanh chóng tan thành mây khói.
4. Biết dành ra 30% thu nhập
“Hãy để tôi chia sẻ cho bạn định nghĩa “giàu” và “nghèo”. Người nghèo chi tiêu tiền bạc của mình và tiết kiệm số còn lại. Người giàu tiết kiệm tiền bạc của mình và chi tiêu số còn lại. Số tiền thì như nhau - chỉ triết lý là khác nhau”, Jim Rohn nói.
Theo Jim, bạn phải học cách sống với 70% thu nhập sau thuế hàng tháng, chỉ dùng số tiền đó cho những nhu cầu thiết yếu lẫn không thiết yếu. Điều này rất quan trọng, vì bạn cần 30% còn lại để phân bổ vào những việc sau: 10% để cho đi; 10% để tiết kiệm và 10% để đầu tư.
Jim Rohn tin rằng mọi người đều nên tham gia vào một hình thức đầu tư vốn nào đó. Từ 10% thu nhập hàng tháng, bạn đã đầu tư để kiếm thêm nhiều tiền hơn, chẳng hạn như mua sắm, sửa chữa, sản xuất hay kinh doanh. Điều then chốt ở đây là đưa tiền tham gia lại vào thị trường để thu lời.
5. Quản lý thời gian “thần sầu”
Điểm khác biệt tiếp theo nằm ở cách bạn quản lý thời gian. Trong “7 chiến lược để sống sung túc và hạnh phúc”, những phương pháp quản lý thời gian được Jim Rohn trình bày rất ngắn gọn và sắc bén.
Thứ nhất, hãy học cách nói “không” (một cách dễ thương) để tránh bản thân bị vướng vào những trói buộc không đáng có. Thứ hai, khi làm thì hãy làm hết sức; khi chơi, hãy chơi hết mình. Thứ ba là tự biết mình: Hãy tìm ra những lúc nào bạn tràn đầy năng lượng nhất và sắp xếp những dự án quan trọng nhất vào quãng thời gian đó. Thứ tư, tránh để điện thoại “cướp mất” thời gian. Thứ năm, đặt câu hỏi đúng để nhanh chóng đi đến tận gốc rễ vấn đề, từ đó tiết kiệm vô số thời gian. Và thứ sáu, luôn có kế hoạch hành động trước khi bắt đầu mỗi ngày, tuần, tháng, năm.
6. Kết giao có chủ đích
“Tôi có một người bạn khởi nghiệp bằng công việc bán hàng. Cô ấy tham gia vào phòng thương mại của thành phố, hoạt động tích cực trong một số ủy ban”, Jim Rohn kể, “Đến một lúc, cô ấy nhận ra chính mình được mời chơi quần vợt với một vài người có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong thành phố”.
Bạn thấy đó, xây dựng những mối quan hệ mới không phải là một việc quá khó. Nếu muốn thành công, hãy tìm đến một vài người thành công. Nếu muốn phát triển một kỹ năng, hãy tìm đến những người giỏi kỹ năng đó. Nếu muốn bản thân khoẻ mạnh hơn, hãy chủ động kết giao với những người hiểu rõ về chế độ dinh dưỡng và chăm tập thể dục…
7. Biết thưởng thức cuộc sống
Lời khuyên sau rốt của Jim Rohn là: “Đừng chỉ học cách kiếm tiền, hãy học cách sống!”. Hãy học cách tận hưởng âm nhạc, điện ảnh, những món ăn ngon. Hãy tìm cho mình tình yêu và những tình bạn đúng nghĩa. Hãy học cách cho đi, san sẻ và mang lại niềm vui cho người khác.
“Rốt cuộc, sự giàu có là gì nếu không có một phong cách; số lượng là gì nếu không có chất lượng; công việc kinh doanh là gì nếu không mang lại sự thỏa mãn; và những thứ ta sở hữu là gì nếu không mang lại niềm vui?”, Jim Rohn chất vấn.