Hãy để tôi nói cho bạn nghe về những giới hạn này.
Giới hạn thứ nhất là thói quen trì hoãn. Sự trì hoãn đặc biệt nguy hiểm vì bản chất tích tụ của nó. Khi chúng ta trì hoãn một nhiệm vụ nhỏ, sự trì hoãn đó dường như không quá quan trọng. Và nếu chúng ta để lại vài việc chưa làm trong ngày, ngày hôm đó cũng không được xem là ngày tồi tệ. Nhưng nếu bạn để cho kha khá những ngày như thế trôi qua thì đến một lúc nào đó, bạn đã tạo nên một năm tồi tệ.
Đổ lỗi là một giới hạn tự đặt ra khác. Ai trong chúng ta cũng từng có lúc đổ lỗi cho người khác về một việc gì đó. Chúng ta đã được “đào luyện” quá lâu trong việc tự đặt ra những giới hạn này, từ thuở sơ khai trong vườn địa đàng khi người đàn ông nói: “Chính là người nữ. Cô ấy đã khiến tôi lâm vào tình huống này”. Còn người đàn bà thì đổ lỗi cho con rắn.
Tại sao chúng ta lại chỉ ngón tay ra thay vì nhìn vào bên trong? Bản ngã tìm mọi cách để bảo vệ chính nó. Vì vậy, chúng ta đổ lỗi cho những lực lượng bên ngoài để không phải đối diện với những yếu kém và thất bại của bản thân. Đây đích thị là lý do tôi đã luôn giữ bên mình danh sách “Những lý do không làm tốt” đáng xấu hổ của mình.
Một trong những mục ưa thích của tôi trong danh sách này là chi phí đắt đỏ. Một ngày kia, sau khi nghe tôi nói vài điều vớ vẩn về giá của một món đồ, Shoaff ngắt lời tôi: “Nghe này Jim, giá cả không phải là vấn đề của cậu. Vấn đề không phải là giá của nó quá cao, mà là cậu không đủ khả năng mua nó”. Và ông ấy đã đúng.
Đó không bao giờ là lỗi của nó. Nếu bạn cứ đổ trách nhiệm cho nó thì bạn sẽ luôn rỗng túi và thất vọng do ảo tưởng bạn sẽ không bao giờ kiếm đủ. Nhưng khi bạn bắt đầu nhìn nhận vấn đề ở “tôi” thay vì “nó”, bạn sẽ trải nghiệm được bước tiến nhảy vọt của mình về mặt phát triển cá nhân và thu nhập.
Sự tự bào chữa, loại giới hạn tự đặt ra thứ ba, có mối liên hệ gần gũi với sự đổ lỗi. Thử đoán xem có bao nhiêu lời bào chữa? Đúng hàng triệu! Và con người tạo ra thêm hơn một triệu nữa trong quá trình sống của họ.
Trong thực tế, con người cố gắng tránh đối mặt với sự thật bằng mọi giá – sự thật mà họ là người chịu trách nhiệm. Tôi đoán rằng họ thích tạo ra một triệu lời bào chữa hơn là làm ra một triệu đô-la. (Bạn không thể có được cả hai.)
Vì vậy, bạn phải trả lời câu hỏi nền tảng sau đây:
Bạn sẽ làm gì để tự cải thiện, bắt đầu từ hôm nay? Có thể diễn đạt lại như thế này: Nếu bạn không loại bỏ một số giới hạn do chính mình đặt ra, năm năm tới của bạn cũng sẽ giống như năm năm qua, chỉ khác một điều là bạn sẽ già hơn năm tuổi. Nhưng bằng cách nhận lấy trách nhiệm và từ bỏ những giới hạn này, bạn có thể có năm năm tốt đẹp hơn. Điều này nghe thú vị hơn phải không?
Nhiều người có rất ít niềm tin vào khả năng của chính mình. Họ thường tự hỏi: “Tôi có khả năng làm gì? Tôi có thể làm gì để tạo ra một sự chuyển hướng khác biệt cho cuộc đời mình?”.
Trước tiên, hãy để tôi đưa ra cho bạn một câu trả lời chung cho những câu hỏi này. Bạn có thể làm những điều phi thường nhất, bất kể cuộc đời ném vào bạn những loại mùa đông gì trên đường đi. Con người có thể vươn đến những độ cao không thể tưởng khi đó là việc cần thiết: một người phụ nữ đẩy một chiếc xe nặng hai tấn để cứu con mình; một người đàn ông sống sót qua cơn đói khát và căn bệnh hiểm nghèo trong một trại tập trung bởi ông ấy thiết tha mong được gặp lại gia đình mình; những người nhập cư bắt đầu một cuộc sống mới với công việc rửa chén đĩa và trong vòng năm năm, bằng cách tằn tiện và tiết kiệm, đã làm chủ được một doanh nghiệp “ăn nên làm ra” của riêng mình và thuê rất nhiều người bản xứ làm việc cho mình. Thật đáng nể!
Tôi nhận ra rằng trẻ em cũng có thể làm được những việc phi thường nếu chúng có những việc phi thường để làm. Chỉ cần tách chúng khỏi tivi và thử thách trí não và cơ thể của chúng, chúng sẽ lớn lên thành những con người phi thường. (Tôi còn phát hiện ra rằng nếu trẻ em không có những việc phi thường để làm, không ai biết được chúng sẽ làm những gì đâu. Nhưng đó lại là một chuyện khác.)
Con người có thể làm những việc phi thường vì họ phi thường. Bạn và tôi không phải là amip đơn bào, cá, chim hay chó. Chúng ta có thể từ không tạo thành có, từ những đồng xu tạo thành một gia sản, từ bại thành thắng. Ngược lại, khi một chú chó bắt đầu với một mảnh đất đầy cỏ dại thì cuối cùng cũng chỉ có cỏ dại. Lý do ư? Vì nó chỉ là một chú chó. Nó không có khả năng sáng tạo.
Vậy thì hãy chấp nhận thực tế rằng bạn có khả năng trở nên phi thường. Hãy phát huy sự độc đáo của mình. Hãy vào sâu bên trong chính bạn và “khai phá” thêm nhiều những tài năng thiên phú của riêng bạn. Chúng đang ở đó, chờ được phát hiện và vận dụng.
Một khi đã “khai phá” được mọi năng khiếu của mình, bạn có thể thay đổi bất kỳ điều gì bạn muốn thay đổi:
Nếu bạn không thích cách thức mà điều đó xảy đến cho bạn hiện giờ, thay đổi điều đó. Nếu điều đó là không đủ, thay đổi điều đó. Nếu điều đó không phù hợp với bạn, thay đổi điều đó. Nếu điều đó không làm bạn hài lòng thay đổi điều đó.
Hãy nhớ rằng: Bạn có thể thay đổi tất cả mọi thứ cho tốt hơn khi bạn thay đổi bản thân cho tốt hơn. Suy cho cùng, bạn không chỉ là một cái cây hay một con vật, vốn hoàn toàn phụ thuộc vào hành vi mang tính bản năng. Bạn là con người, một sản phẩm phi thường nhất của tạo hóa.
Bạn và tôi đều đủ trải đời để hiểu được rằng chúng ta không thể thay đổi chỉ đơn giản bằng cách đọc một vài dòng chiêm nghiệm mang tính triết lý như thế này. Sẽ cần rất nhiều và nhiều hơn thế. Chúng ta sẽ cần đáp ứng những gì? Có lẽ trước tiên tôi nên nói với bạn về những gì sẽ không dẫn đến kết quả...
Một vài người sẽ nói với bạn: “Nhiệt huyết tạo nên mọi sự khác biệt”. Ngày nay, chúng ta nghe rất nhiều về nhiệt huyết, một từ đã trở nên sáo mòn. Trong những cuộc họp về bán hàng tiêu biểu, chúng ta vẫn nghe từ này được hô vang bởi một đội ngũ nhân viên bán hàng với đôi mắt đờ đẫn:
“Để luôn nhiệt huyết, bạn phải cảm nhận được bầu nhiệt huyết.”
Nhưng bạn thấy đó, nhiệt huyết tự nó không dẫn đến kết quả.
Sau khi bạn thể hiện nhiệt huyết, nhảy lên và hô vang, vẫn còn vài việc gì đó chờ bạn làm. Và nếu bạn không thực hiện những việc đó, đơn giản là sẽ không có gì thay đổi. Một người đàn ông có thể hết sức hào hứng về khả năng anh ta có thể nâng một trọng lượng khoảng 100 ki-lô-gam... cho đến khi anh ta thật sự đi đến phòng tập thể dục. Khi đó, anh ta cần một loại hào hứng mới, loại hào hứng dài hạn để anh ta duy trì việc luyện tập cho đến khi thật sự nâng được 100 ki-lô-gam. Chúng ta gọi loại hào hứng này là tính kỷ luật.
Thành thật mà nói, chỉ có tình kỉ luật mới dẫn đến kết quả. Nó là phương tiện duy nhất đưa ta đến tiến bộ thật sự. Nếu có một thứ mà chúng ta nên hào hứng thì đó là tính kỷ luật. Hãy hào hứng khi nghĩ về khả năng làm được những điều thiết yếu cho sự phát triển của bạn. Đó là nỗi hào hứng thật sự chứ không chỉ là sự hy vọng đầy lo âu.