“Tôi sẽ trở thành gì?”
Bạn thấy đó, việc bạn trở thành người như thế nào quan trọng hơn nhiều so với những gì bạn đạt được. Câu hỏi quan trọng trong quá trình này không phải là: “Tôi sẽ có được những gì?”. Thay vào đó, bạn nên hỏi: “Tôi sẽ trở thành gì?”. Nhận được và trở thành là hai việc giống như một cặp song sinh: con người bạn trở thành ảnh hưởng trực tiếp đến những gì bạn nhận được. Hãy nghĩ về điều đó theo cách này: hầu hết những gì bạn có được ngày hôm nay là những gì bạn đã thu hút được về mình bằng cách trở thành con người của bạn hôm nay.
Vì vậy, đây là tiền đề tuyệt vời của cuộc sống: Để có nhiều hơn những gì bạn đang có, hãy trở thành con người hơn hẳn bạn hiện giờ. Đây là nơi mà bạn nên tập trung hầu như toàn bộ sự chú ý của mình. Nếu không, bạn có thể phải bằng lòng với tiền đề không thay đổi này: Nếu bạn không thay đổi con người hiện tại của mình, bạn sẽ mãi chỉ có những gì mình đang có.
Thu nhập hiếm khi vượt quá sự phát triển cá nhân. Đôi khi thu nhập nhảy vọt lên nhờ may mắn, nhưng nếu bạn không học cách nhận lãnh những trách nhiệm đi cùng với nó, nó sẽ thường “co lại” về mức vừa với khả năng quản lý của bạn.
Nếu có ai trao cho bạn một triệu đô-la, tốt nhất là bạn phải trở thành một triệu phú nhanh nhất có thể. Bạn khó có thể giữ lại được những gì không thông qua sự phát triển cá nhân mà có được.
Nhưng “Tại sao có người được trả lương tháng 2.000 đô-la, có người lại được trả 4.000 đô-la dù họ làm cho cùng một công ty, phụ trách cùng một sản phẩm, có cùng số năm kinh nghiệm và nền tảng là như nhau?”. Thật khó giải thích! Tại sao người này lại làm tốt hơn người kia gấp hai lần nếu tính trên hiệu quả kinh tế? Nếu nhìn trên toàn bộ phúc lợi mà một người nhận được thì sự khác biệt giữa 2.000 đô-la và 4.000 đô-la một tháng là gì?
Có lần, tôi nghe một người nói: “Nếu tôi có thêm thời gian ngoài 24 tiếng, tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn”. Tôi nói với anh ta: “Hãy quên chuyện này đi, anh bạn. Anh kiếm ở đâu ra thêm thời gian?”.
Vậy nếu bạn không thể tạo thêm thời gian, bạn có thể tạo ra điều gì để làm nên sự khác biệt về kết quả kinh tế? Câu trả lời là giá trị. Giá trị làm nên sự khác biệt. Bạn không bao giờ có thể tạo thêm được thời gian nhưng bạn có thể trở nên có giá trị hơn.
Khái niệm giá trị này là một bài học cốt yếu trong lĩnh vực kinh tế. Cho dù bạn làm việc trên một dây chuyền lắp ráp, làm công việc bán hàng hay cung cấp dịch vụ, bạn đều nhận được thu nhập tính trên giá trị. Thật sai lầm, nếu bạn nói: “Tôi kiếm được 20 đô-la mỗi giờ”. Điều đó không đúng! Nếu điều đó đúng thì anh ta chỉ việc ở nhà và tiền cứ được gửi đến. Không, anh ta được trả 20 đô-la cho giá trị được ấn định trên một giờ mà anh ta làm việc. Việc trả lương theo giờ chỉ đơn giản là một cách thức thuận tiện để đo lường giá trị đã được dự tính.
Đó là lý do tại sao chúng ta rất cần đặt ra câu hỏi: “Có thể trở nên có giá trị gấp đôi và làm ra số tiền gấp đôi cho mỗi giờ làm việc không? Có cách nào để tôi trở nên có giá trị gấp ba hay thậm chí gấp bốn lần trong cùng một giờ làm việc không?”. Và câu trả lời là: “Dĩ nhiên!”.
Bạn có thể trở nên giá trị hơn nếu...
Hãy là một người trên trung bình
Vậy làm cách nào để đạt mức thu nhập trên trung bình? Câu trả lời là hãy trở thành một người trên trung bình. Với những người mới bắt đầu, hãy phát triển một cái bắt tay trên trung bình, phát triển một nụ cười trên trung bình, phát triển sự quan tâm đến người khác ở mức trên trung bình, phát triển cường độ hăng say chiến thắng trên trung bình. Điều đó sẽ làm thay đổi mọi thứ.
Không có gì vô nghĩa hơn việc tìm kiếm một công việc trên trung bình với mức lương trên trung bình mà lại không trở thành một người có hiệu suất công việc trên trung bình. Tôi từng nói: “Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ thay đổi”. Tôi dường như chỉ hy vọng vào điều đó, nên nếu mọi chuyện không thay đổi thì đời tôi thật sự khốn khổ. Và rồi khi tôi nhận ra rằng sẽ chẳng có gì thay đổi, tôi cảm thấy như sắp chết đuối.
Cách đây không lâu tôi có một cuộc hội thảo ở Honolulu với các nhà lãnh đạo các công ty dầu lửa. Chúng tôi ngồi quanh một bàn hội nghị lớn gồm toàn những nhà điều hành hàng đầu từ khắp thế giới. Một người trong số họ nói: “Ông Rohn, ông quen biết một vài người quan trọng trên khắp thế giới. Theo ông, điều gì sẽ xảy ra trong mười năm tới?”.
Tôi nói: “Thưa quý ông, tôi quả thật có quen biết một vài người. Tôi có thể nói cho quý ông chính xác những gì sẽ xảy ra”. Khi tôi nói vậy, căn phòng trở nên im lặng hẳn đi. Tôi tiếp tục: “Từ những người tôi quen biết và theo kinh nghiệm sống của riêng tôi, tôi đã đi đến kết luận rằng trong vòng mười năm tới, mọi chuyện sẽ diễn ra như luôn diễn ra từ trước đến nay”.
Rõ ràng không ai thích nghe một câu trả lời như vậy. Nhung phải thú nhận rằng tôi nói như vậy để làm giảm bớt phần nào lòng tự phụ của nhóm người thích khoa trương này. Nhưng điều tôi nói cũng đúng một cách tuyệt đối. Thủy triều tràn vào rồi điều gì xảy đến tiếp theo? Đúng vậy... nó sẽ rút đi. Nó đã diễn ra theo cách đó trong ít nhất là sáu ngàn năm từ khi lịch sử được ghi lại và có lẽ từ trước đó rất lâu. Trời sáng và rồi trời sẽ lại tối... Đó là cách mà nó đã diễn ra trong ít nhất sáu ngàn năm nay. Điều này không hề làm chúng ta giật mình hoảng hốt.
Mùa tiếp theo sau mùa thu là... và làm ơn, nói cho tôi biết tần suất mùa đông đến sau mùa thu là bao nhiêu? Là luôn luôn, không sai lần nào... trong ít nhất sáu ngàn năm qua. Đúng vậy, một vài mùa đông kéo dài và một vài mùa đông ngắn hơn; một vài mùa đông khắc nghiệt và một vài lần dễ chịu. Nhưng dù thế nào, mùa đông luôn theo sau mùa thu. Điều này sẽ không thay đổi.
Đôi khi bạn có thể suy đoán được, đôi khi nó xảy ra ngoài dự đoán. Thỉnh thoảng nó diễn ra tốt đẹp, đôi lần nó là thảm họa. Bạn thấy đó, điều này không thay đổi. Sau sáu ngàn năm được ghi nhận trong lịch sử, cuộc sống là sự xen lẫn giữa cơ hội và khó khăn. Đó là cách cuộc sống diễn ra. “Chà, vậy thì cuộc đời tôi sẽ thay đổi như thế nào?”. Và câu trả lời là: “Cuộc đời anh chỉ thay đổi khi anh thay đổi”.
Bất kể là khi tôi nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hay các học sinh trung học, thông điệp của tôi vẫn luôn là: “Cách duy nhất để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn cho bạn là khi chính bạn trở nên tốt hơn”. Những gì tốt hơn không phải là những gì bạn mong muốn, mà là những gì bạn trở thành.