Nếu như chưa biết bắt đầu từ đâu trên hành trình cùng con lớn khôn, bạn có thể tham khảo những lời khuyên bổ ích của Ron Clark - tác giả của quyển sách “55 nguyên tắc ứng xử thiết yếu để thành công”. Với hơn 7 năm kinh nghiệm giáo dục trẻ em, tác giả sẽ giúp ba mẹ dễ dàng dạy con học được cách “thắng không kiêu, bại không nản” trong cuộc sống.
Sau đây là 3 lời khuyên mà tác giả Ron Clark gợi ý để bạn có thể áp dụng với con:
1️⃣Luôn nói lời khen thưởng dù con đạt điểm tốt hay xấu
Ba mẹ sẽ rất tự hào nếu con đạt điểm số cao và có thành tích tốt ở trường. Tuy nhiên, nếu con không đạt điểm tốt, bạn cũng đừng vội chê trách. Có thể con đang gặp rắc rối gì đó trong học tập như con không hiểu bài, con không khỏe trong lúc làm kiểm tra hay lo lắng chuyện gì đó,... Dù là gì, trước tiên bạn nên tìm hiểu nguyên nhân vấn đề, sau đó hãy động viên con làm tốt hơn vào lần sau. Con đạt điểm cao là điều đáng khen nhưng khi con đạt điểm thấp, đó cũng không phải là điều tệ hại. Giúp con nhận ra lỗi sai và hướng dẫn con cải thiện mới là điều đúng đắn mà bạn nên làm để con có thêm động lực cố gắng. Bởi nếu ba mẹ trách phạt nặng nề, con sẽ dần tự ti và mất niềm tin vào bản thân trong tương lai.
2️⃣Khuyên con tập trung vào khả năng giỏi của mình thay vì khoe khoang thành tích
Dạy con không nản lòng bằng cách động viên và cổ vũ con nhưng làm sao để dạy con không kiêu căng khi đạt thành tích nổi bật. Về vấn đề này, tác giả Ron Clark đã khuyên ba mẹ nên hướng dẫn con tập trung hết sức vào khả năng của bản thân thay vì tự phụ hoặc khoe mình giỏi giang ra sao. Ron Clark cũng nói thêm: “Thực tế cho thấy mọi người rất khó đồng tình và thừa nhận những khả năng mà bạn không ngừng khoe khoang, tuy nhiên nếu bạn biết khiêm tốn thì những tài năng thật sự của bạn sẽ được trân trọng và đánh giá cao hơn”.
Bên cạnh đó, cách ứng xử của con khi bất ngờ thất bại, dù lúc nào con cũng chiến thắng rất cần được lưu ý. Bạn nên dạy con tránh nói lời bào chữa mỗi khi thua cuộc như “Tại tôi không chơi hết sức mình thôi!” hay “Là tôi nhường bạn đấy”,... với đối thủ. Bởi vì điều này sẽ giúp tâm trạng con bớt nặng nề và khiến cho bầu không khí của bất kỳ cuộc thi nào cũng trở nên thoải mái hơn.
3️⃣Tạo ra môi trường tương hỗ và tôn trọng lẫn nhau với con
Để những lời khuyên hay động viên hiệu quả khi trò chuyện với con, bạn cần thực hành hàng ngày và tạo ra một môi trường lành mạnh trong mối quan hệ với con. Bạn có thể bắt đầu bằng việc lắng nghe con, học cách tôn trọng ý kiến riêng của con hay cùng con tham gia các hoạt động mà cả hai yêu thích,... Điều này sẽ giúp con gần gũi và tin tưởng bạn hơn. Khi mối quan hệ trở nên thân thiết hơn, con sẽ dễ dàng chia sẻ những khó khăn của mình và bạn có cơ hội để hướng dẫn con vượt qua một cách đúng đắn. Từ đó, con sẽ học được cách đối mặt với những khó khăn và trưởng thành qua từng ngày.
Như Maria Montessori, nhà trị liệu và là nhà giáo dục người Ý đã nói: “Tất cả những tương tác của ta với trẻ nhỏ rồi sẽ kết trái, không chỉ trong hiện tại, mà còn trong con người trưởng thành của đứa trẻ về sau”. Vì vậy, ba mẹ trong giai đoạn đầu trò chuyện với con, đừng vội nản lòng nếu con không hợp tác. Hãy kiên nhẫn và động viên con qua từng ngày. Theo thời gian, con sẽ trưởng thành và trở thành một người tử tế, khiêm tốn - một người luôn biết “thắng không kiêu, bại không nản” trên đường đời.