55 nguyên tắc ứng xử thiết yếu để thành công - Giao tiếp bằng mắt giúp trẻ tự tin hơn

Mỹ Hòa16/05/2024 09:00
55 nguyên tắc ứng xử thiết yếu để thành công - Giao tiếp bằng mắt giúp trẻ tự tin hơn

Trong quyển sách “55 nguyên tắc ứng xử thiết yếu để thành công”, tác giả Ron Clark - người đạt giải thưởng “Giáo viên xuất sắc toàn nước Mỹ” đã gợi ý việc khuyến khích giao tiếp bằng mắt sẽ giúp các con trở nên tự tin hơn trong cuộc sống.

Con tự tin, lanh lợi và được mọi người yêu quý ngay từ nhỏ là điều mà bất kỳ các bậc phụ huynh nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, làm sao giúp trẻ phát triển những kỹ năng đó là điều mà các bậc phụ huynh luôn quan tâm. Trong quyển sách “55 nguyên tắc ứng xử thiết yếu để thành công”, tác giả Ron Clark - người đạt giải thưởng “Giáo viên xuất sắc toàn nước Mỹ” đã gợi ý việc khuyến khích giao tiếp bằng mắt sẽ giúp các con trở nên tự tin hơn trong cuộc sống. Dưới đây là 3 trường hợp cụ thể mà Ron Clark đưa ra để ba mẹ có thể hướng dẫn và  khuyến khích con thực hành:

 1. Khuyến khích trẻ giao tiếp bằng mắt khi đang thuyết trình

Trong một buổi thuyết trình, trẻ thường có tâm lý sợ hãi, lo lắng, nên thường chỉ nhìn vào giấy, hoặc nhìn xuống bàn để chia sẻ điều mình muốn trình bày. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến kết quả của buổi thuyết trình không được như mong đợi. Mà tệ hơn, nó còn trở thành một trở ngại tâm lý trong việc giao tiếp ở nơi đông người của trẻ sau này. Để giải quyết tình huống này, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ cách giao tiếp bằng ánh mắt với mọi người trong phòng, bằng cách nhìn thẳng vào mắt của mọi người đang lắng nghe mình. Phương pháp này giúp trẻ thể hiện sự tôn trọng và gắn kết đối với mọi người. Ánh mắt thể hiện sự tự tin sẽ làm cho người nghe cảm thấy tin tưởng và tạo cảm giác thoải mái.

2. Khuyến khích trẻ giao tiếp bằng mắt sau khi nhận bất cứ thứ gì từ người khác

Khi con nhận được một món quà hay đồ vật, thậm chí là lời khen từ mọi người, bạn nhắc nhở con trong khi nói lời cảm ơn cũng nên nhìn vào mắt đối phương. Việc này không chỉ giúp trẻ thể hiện sự biết ơn, mà còn là cách thể hiện sự tôn trọng với người khác. Bằng cách này, trẻ không chỉ tạo được ấn tượng tốt với người xung quanh mà còn phát triển kỹ năng giao tiếp cũng như xây dựng mối quan hệ lành mạnh với mọi người. 

3. Khuyến khích trẻ giao tiếp bằng mắt khi đang lắng nghe người khác chia sẻ ý kiến

Không chỉ trong tình huống thuyết trình, việc con giao tiếp bằng mắt khi người khác đang nói cũng vô cùng quan trọng. Mỗi khi ai đó chia sẻ ý kiến của mình, đôi mắt hướng đến người đối diện cũng biểu thị cho việc mình đang chú ý lắng nghe và tôn trọng những quan điểm của đối phương. Từ đó, trẻ sẽ học được cách tạo ra một môi trường giao tiếp tích cực và tôn trọng. Trẻ sẽ hiểu rằng việc lắng nghe không chỉ là việc nghe thấy âm thanh mà còn là việc hiểu và chia sẻ cảm xúc. Bằng cách nhìn vào mắt của người đang nói, trẻ cũng có thể hiểu rõ hơn về ngôn ngữ cơ thể và biểu đạt của đối phương, từ đó thể hiện những  phản hồi phù hợp.

Trong cuốn sách của mình, Ron Clark cũng chia sẻ thêm, trong khi giao tiếp, ba mẹ nên nhắc nhở con tránh việc nhìn chằm chằm vào đối phương, vì đây thường bị xem là một hành động thô lỗ, thậm chí có thể bị gắn mác là hành vi soi mói người khác. Ngoài ra, hành động hay nhìn sang một bên hoặc tránh né ánh mắt người khác cũng đồng nghĩa với việc con đang nói dối. 

Để giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp và tạo ấn tượng tốt với mọi người, ba mẹ cũng cần kiên nhẫn với các con. Theo như gợi ý của tác giả, ba mẹ có thể cho con bắt đầu luyện tập giao tiếp bằng mắt với các bạn cùng lớp để con không có cảm giác sợ hãi. Theo thời gian, con sẽ tự tin giao tiếp bằng mắt với mọi người và trở thành một người tự tin, dễ mến trong cuộc sống. 

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận