Những mẩu truyện truyền cảm hứng luôn mang lại bài học quý giá. Đây là những câu chuyện dễ đọc, dễ ngấm và luôn có những lời nhắn nhủ kết lại.
Chúng có thể là câu chuyện có thật, có thể không nhưng những giá trị từ đó sẽ tồn tại mãi mãi.
Những mẩu truyện dưới đây sẽ truyền động lực và sức mạnh, khiến bạn phải ngẫm nghĩ và thậm chí, khâm phục những nhân vật này.
Chiếc dây thừng trói voi
Một người đàn ông đi ngang qua trại nuôi nhốt voi và để ý thấy một con voi không hề bị nhốt trong lồng hay bị buộc vào sợi xích nào.
Tất cả những gì để giữ chú voi, là sợi dây thừng mỏng manh buộc vào một chân. Nhìn thấy cảnh tượng này, người đàn ông không khỏi thắc mắc: Tại sao lũ voi không giật đứt dây thừng để trốn ra. "Chúng hoàn toàn có khả năng, vậy tại sao không làm thế?".
Tò mò và muốn biết lý do, người đàn ông hỏi huấn luyện voi gần đó.
Người huấn luyện đáp: "Khi lũ voi còn bé, chúng tôi dùng dây thừng để trói là đủ giữ chúng lại. Khi lớn lên, chúng cứ thế nghĩ rằng không thể trốn thoát được. Chúng tin rằng sợi dây thừng đang giam giữ chúng và không cố thử giật đứt nữa".
Lý do duy nhất khiến cho lũ voi không cố giật đứt dây và bỏ trốn, là vì niềm tin đã hình thành từ bé, rằng sợi dây thừng mỏng manh không bao giờ đứt.
Bài học về niềm tin: Cho dù cả thế giới có đang chống lại bạn, hãy tiếp tục tin rằng: Bạn có thể làm được. Tin vào sự thành công của bản thân là bước quan trọng để đạt được nó.
Sự chọn lựa thông minh
Hàng trăm năm trước, trong một con phố nhỏ ở Italia, có một chủ cửa hàng nọ nợ tay cho vay một số tiền khá lớn. Tay cho vay có dáng vẻ thô kệch, dữ dằn, dù đã lớn tuổi xong hắn rất thích con gái của người chủ cửa hàng.
Hắn quyết định đưa ra một thỏa thuận để xóa bỏ nợ cho người chủ kia. Mục đích của lão là cưới được con gái chủ cửa hàng. Không cần nói, ai nấy đều ngán ngẩm trước lời đề nghị này.
Lão nói sẽ để hai viên sỏi, một trắng, một đen vào hai cái túi. Người con gái sẽ chọn một trong hai túi để quyết định số phận. Nếu viên sỏi màu đen, khoản nợ sẽ được xóa, nhưng cô phải lấy tay chủ nợ. Nếu viên sỏi màu trắng, khoản nợ vẫn sẽ được xóa, và cô không phải lấy lão.
Nói xong, tay chủ nợ cúi xuống, chọn lấy hai viên sỏi trong vườn. Bỗng lúc đó, cô con gái để ý thấy, lão đã lấy hai viên sỏi đều màu đen và đặt vào hai chiếc túi. Hắn yêu cầu cô tiến tới và chọn túi.
Khi đó, người con gái đứng trước ba sự lựa chọn:
1. Từ chối chọn lựa.
2. Lấy ra cả hai viên, lật tẩy bộ mặt gian dối tay chủ nợ.
3. Cứ thế lấy ra một viên, hy sinh thân mình đổi lấy sự tự do cho cha.
Cô lấy ra một túi, và nói: "Hãy nhìn vào viên sỏi trong túi còn lại, đó là sự lựa chọn của tôi" và "giả vờ" làm rơi viên sỏi trong túi cô vừa lấy ra. Viên sỏi trong túi còn lại dĩ nhiên có màu đen. Tên chủ nợ vì muốn giữ lại thể diện cho mình, nên đã nói viên sỏi còn lại màu trắng. Vậy là, cô gái không phải lấy lão chủ nợ gian xảo và mang lại tự do cho bố mình.
Bài học về sự sáng tạo: Luôn có cách để vượt qua các tình huống khó khăn bằng những suy nghĩ mới lạ, đừng giới hạn bản thân trong những sự lựa chọn có sẵn.
Đàn ếch
Một đàn ếch đang nhảy qua cánh rừng nọ, hai trong số chúng rơi xuống một cái hố sâu. Đám ếch còn lại liền bao quanh miệng hố, nhìn thấy cái hố sâu hoắm, chúng bảo hai con bị kẹt không còn hi vọng nào để lên được.
Thế nhưng, hai con ếch kia vẫn mặc kệ lời hô hào của bọn bên trên, chúng cố nhảy thoát ra khỏi cái hố.
Mặc kệ nỗ lực thoát thân của đồng bọn, bọn ếch miệng hố vẫn kêu vang: "Từ bỏ đi, không lên được đâu".
Cuối cùng, một trong hai con đã nghe lời chúng và từ bỏ hi vọng, ngã xuống chết. Con còn lại vẫn cố gắng nhảy lên trong lúc đám ếch bên trên tiếp tục bảo chú bỏ cuộc. Sau bao nỗ lực, chú đã nhảy lên khỏi miệng hố. Đám ếch bèn xúm lại hỏi: "Mày không nghe thấy bọn tao nói gì à? Sao không từ bỏ".
Thì ra, chú ếch đó bị điếc và nghĩ rằng: đám ếch còn lại đang cổ vũ mình.
Bài học về sự động viên: Lời nói mang sức ảnh hưởng rất lớn. Suy nghĩ cẩn thận trước khi phát ngôn điều gì đó. Nó có thể quyết định sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.
Lát bơ
Ngày xưa, có một người nông dân cung cấp bơ cho thợ làm bánh. Một ngày, người thợ làm bánh thử cân miếng bơ để kiểm tra liệu có được đúng khối lượng, kết quả là không. Anh làm bánh rất tức giận và kéo người nông dân ra tòa.
Quan tòa hỏi người nông dân đã dùng thứ gì để đong khối lượng bơ. Người nông dân đáp: "Thưa quan tòa, tôi vô tội. Tôi không có thiết bị gì để cân chính xác, nhưng tôi có thứ để đong đếm".
Quan tòa thắc mắc: "Vậy người dùng gì?".
Nông dân trả lời: "Thưa ngài, lâu trước khi người làm bánh mua bơ từ tôi, tôi đã đặt những ổ bánh mì từ anh ta. Mỗi ngày, khi anh ta mang bánh mì qua, tôi sẽ lấy từng đó khối lượng để làm ra những miếng bơ. Nếu phải chỉ ra người có lỗi, đó là người thợ làm bánh".
Bài học sự trung thực: Gieo nhân nào gặt quả nấy. Đừng cố lừa lọc người khác.
Vật cản trên đường
Ngày xửa ngày xưa, khi nhà vua đang du ngoạn, ngài nhìn thấy một hòn đá chắn ngang đường. Như này ra ý định gì đó, nhà vua nấp vào đám cây xung quanh và quan sát có ai sẽ di chuyển hòn đá đi. Vài người thương gia và quan tước đến, nhưng họ cứ thế tránh và đi qua. Một số người thì đổ lỗi cho nhà vua vì không giữ đường xá sạch sẽ, nhưng không ai di chuyển tảng đá ra chỗ khác.
Bỗng một người nông dân đang kéo xe chở đầy rau củ đến. Khi đến chỗ tảng đá, người nông dân đặt chiếc xe đang kéo xuống, cố hết sức đẩy tảng đá sang một bên. Sau một hồi cố gắng, anh đã thành công. Khi quay lại kéo chiếc xe đi tiếp, anh nhìn thấy một túi đựng đầy vàng đặt tại vị trí tảng đá lúc nãy, trên đó có ghi: phần thưởng dành cho người có công di dời tảng đá, từ nhà vua.
Bài học nắm bắt cơ hội: Mọi trở ngại, thử thách trong cuộc sống đều là những cơ hội để vượt qua hoàn cảnh. Thay vì kêu ca, phàn nàn hay trách móc số phận, hãy tiến lên phía trước, đối mặt và tìm ra giải pháp.
Trí thức trẻ