Ostermalm là khu phố trung tâm giàu có bậc nhất Stockholm với những chiếc du thuyền khổng lồ, những quán bar xa xỉ và khối bất động sản đắt đỏ nhất thủ đô của Thụy Điển. Thế nhưng việc tìm kiếm một người dân ở đây thẳng thắn nói về sự giàu có của mình là điều gần như không thể. Dường như không có ai ở Stockholm tỏ ra tự hào với sự giàu có của mình.
“Tôi sẽ không nói cho bạn biết tôi kiếm được bao nhiêu tiền bởi tôi biết tại sao mình không nên”, anh Robert Ingemarsson (30 tuổi) - chuyên viên marketing cao cấp sống tại Ostermalm chia sẻ. Đối với nhiều người Thụy Điển, nói về tiền bạc bị đánh đồng với khoe khoang nên hầu hết mọi người đều không thấy thoải mái khi đề cập đến vấn đề này.
Học giả nghiên cứu văn hóa Thụy Điển Lola Akinmade Akerstrom, người đã sống ở Stockholm hơn một thập kỷ, đã viết về quy tắc này trong cuốn “Bí mật sống tốt của Thụy Điển”. Bà cho biết tiền bạc là một chủ đề vô cùng nhạy cảm tại quốc gia này. Bà giải thích rằng khoe khoang về sự giàu có, hoặc thậm chí chia sẻ về mức thu nhập với người lạ, là một điều cấm kỵ đối với nhiều người dân tại quốc gia Bắc Âu này.
“Jantelagen là một quy tắc xã hội bất thành văn tồn tại ở Thụy Điển cùng nhiều quốc gia Bắc Âu khác”, bà Akerstrom giải thích. “Mọi người không được tỏ ra hào nhoáng và không được khoe khoang thái quá. Đó là cách để tạo ra sự bình đẳng cho tất cả người dân, giúp loại bỏ các nguồn cơn gây căng thẳng trong cộng đồng”, bà nói thêm.
Theo các nhà bình luận văn hóa khác, “điều cấm kỵ” này bắt nguồn từ một quy tắc ở Bắc Âu có tên gọi Jantelagen có nghĩa là không bao giờ được nghĩ bản thân tốt đẹp hơn bất cứ ai.
“Tại Mỹ, khi bạn tiết lộ mình kiếm được rất nhiều tiền, mọi người sẽ tung hô và chúc mừng bạn. Nhưng ở Thụy Điển, khi bạn nói mình có mức lương ổn, người khác sẽ nghĩ rằng bạn thật kỳ lạ”, nhà báo Stina Dahlgren - từng sống vài năm ở Mỹ – cho biết.
Tiến sĩ Stephen Trotter, học giả người Thụy Điển gốc Scotland cho rằng Jantelagen là một cơ chế kiểm soát xã hội. Nó không chỉ liên quan đến sự giàu có mà còn bao gồm quy tắc không được tỏ ta biết nhiều hơn so với vốn kiến thức hoặc hành động vượt quá địa vị của mình.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng mức độ ảnh hưởng của quy tắc Jantelagen tại Thụy Điển và Bắc Âu còn tùy thuộc vào các chuẩn mực văn hóa cụ thể ở mỗi quốc gia khác nhau.
Mặc dù người Thụy Điển đang cố gắng duy trì hình tượng xã hội dân chủ không phân biệt tầng lớp, nhưng nhiều cư dân vẫn chỉ giao thiệp với những người sở hữu mức thu nhập tương tự mình. Điều này có nghĩa là quy tắc Jantelagen có thể thay đổi tùy vào đối tượng và chuyện đề cập đến tiền bạc sẽ dễ chấp nhận hơn ở những người có cùng hoàn cảnh.
Hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ Thụy Điển thành công đã lên tiếng chỉ trích quy tắc Jantelagen và kêu gọi có nhiều cuộc tranh luận về sự giàu có và thành công.
Nicole Falciani (22 tuổi) bắt đầu kiếm tiền từ việc viết blog từ thời thiếu niên. Hiện nay, cô đã trở thành một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn với 354.000 người theo dõi trên Instagram. Falciani không ngần ngại tiết lộ kiếm được trung bình khoảng 20.000 USD cho mỗi sự kiện. Cô còn chia sẻ mình dành hầu hết số tiền kiếm được để đi du lịch, sắm đồ hiệu cũng như mua căn hộ ở trung tâm thành phố từ năm 20 tuổi.
“Tôi muốn quy tắc Jantelagen biến mất vì điều đó sẽ tốt hơn cho mọi người sống ở đây. Xã hội sẽ cởi mở hơn rất nhiều nếu chúng ta có thể chia sẻ với nhau về vấn đề tiền bạc. Mọi người bình đẳng và chúng ta đều giống nhau. Nếu bạn làm việc chăm chỉ hơn người khác, bạn có quyền được tự hào vì điều đó”, Falciani nhấn mạnh.
Cornelius Cappelen, Phó Giáo sư Chính trị học tại Đại học Bergen (Na Uy) cho rằng sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội đã dẫn tới làn sóng phản ứng dữ dội của giới trẻ về Jantelagen. Theo ông, việc làm blog và vlog đã khiến chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, khuyến khích mọi người bước ra khỏi đám đông.
Bà Akerstrom nhận định từ khi hành vi khoe khoang trở nên phổ biến trên Facebook và Instagram, những người Thụy Điển sở hữu thành tích cá nhân nổi bật bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn với việc công khai sự thành công của mình.
“Một số người rất tài năng phải che giấu bản thân vì Jantelagen, nhưng sau đó họ lại thấy những người tầm thường tự tin khoe khoang trên mạng. Tôi nghĩ rằng Jantelagen sẽ dần biến mất bởi những người bị kìm nén sẽ lên tiếng”, Akerstrom nói.
Nữ tác giả bổ sung rằng Jantelagen đang ít phổ biến hơn do sự xuất hiện ngày càng nhiều của người nhập cư. Bà cho rằng mọi thứ sẽ tốt hơn nếu có nhiều người nước ngoài sống ở Thụy Điển mang văn hóa của họ tới đây. Tuy nhiên, Akerstrom không rõ liệu quy tắc này có thể biến mất hoàn toàn hay không, bởi nó đã bám rễ quá sâu vào văn hóa Thụy Điển và vùng Scandinavi.
Phó giáo sư Cappelen cũng không chắc chắn về khả năng biến mất của Jantelagen. “Tôi hy vọng sự khiêm tốn, khía cạnh tốt đẹp của quy tắc này sẽ tiếp tục tồn tại. Tôi cũng mong những mặt tiêu cực của nó như việc hạ thấp bản thân sẽ lụi tàn”, ông nói.
Hải Vân/báo Tin tức