Không có người nào là một hòn đảo cô độc. Sống trên đời là tổ hợp của vô số mối quan hệ. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần được “điều hành” một cách cẩn thận.
Bạn phải biết rằng, người giao tiếp với nhau, hợp hợp tan tan, tưởng chừng như ngẫu nhiên nhưng lại không thể tránh khỏi.
Mọi mối quan hệ trở nên tồi tệ đi, xét cho cùng, đều bắt đầu từ 3 điều này!
“Thi kinh” có câu: “Ném bằng quả mận, trả bằng quả đào”.
Một mối quan hệ thực sự lâu dài là con đường hai chiều, trái tim đổi lấy trái tim, chân thành đổi lại chân thành, chứ không phải chỉ được duy trì bằng nỗ lực của một bên.
Nếu bạn luôn quen với việc chỉ biết nhận, bạn sẽ coi lòng tốt của người khác là điều “nên” và hiển nhiên. Nếu quên đi lòng biết ơn và không học cách cho đi, trái tim bạn sẽ trở nên lạnh giá dù có nhiệt tình đến đâu và tình cảm sâu sắc đến mấy cũng sẽ phai nhạt.
Trên đời này, không ai có trách nhiệm “nên” đối xử tốt với bạn, cho dù đó là bố mẹ, người thân, bạn bè hay người yêu. Đừng bao giờ coi tình cảm của người khác là phúc phần của mình, cũng đừng coi lòng tốt của bất cứ ai là may mắn tự tìm đến.
Có lẽ người khác sẵn lòng làm điều tốt cho bạn mà không đòi hỏi đền đáp bất cứ điều gì. Nhưng ít nhất bạn cũng nên biết ơn và để người kia cảm thấy nỗ lực đó là xứng đáng và ý nghĩa. Thờ ơ, mù quáng đòi hỏi sẽ khiến đối phương thất vọng hết lần này đến lần khác, thất vọng gom đủ thì tình cũng tan.
Có người từng nói: “Người sống ở đời, chỉ cần cho đi, ắt cũng sẽ ôm vài phần hy vọng được báo đáp”. Nếu sự cống hiến không được trân trọng và sự chân thành không được đáp lại thì mối quan hệ chắc chắn sẽ có những rạn nứt và cuối cùng là tan vỡ. Ý nghĩa thực sự của một mối quan hệ lâu dài và việc trân trọng tình cảm là dòng chảy qua lại từ hai phía.
Người xưa có câu: “Nước trong thì không có cá, người quá xét nét chẳng có ai chơi”. Không có ai là hoàn hảo, dù mối quan hệ có thân thiết đến đâu thì vẫn sẽ có xích mích và mâu thuẫn. Nếu bạn quá khắc nghiệt, quá tính toán và xét nét, không thể bao dung được mọi người và mọi việc thì mối quan hệ sẽ ngày càng trở nên tồi tệ.
Trong nhiều mối quan hệ, có lẽ nhiều người chỉ tập trung đến đúng sai, sợ chịu thiệt rồi “hai người hại mình; luôn lo lắng về được và mất, không chịu nhượng bộ, từ đó làm mất lòng nhau.
Người có quá nhiều toan tính ẩn chứa trong lòng sẽ không còn chỗ cho niềm vui, hạnh phúc. Cuộc đời vốn đã là một chuyến vượt núi vượt sông, gặp nhau và ở bên nhau là cơ duyên hiếm có. Cho dù mối quan hệ là gì, hãy bao dung hơn, bớt xét nét, hạ thấp kỳ vọng và biết nghĩ cho người khác. Đây cũng là trí tuệ và sự tu dưỡng cao nhất của một người.
Đừng đánh giá quá cao mối quan hệ của bạn với bất cứ ai. “Đánh giá quá cao” có nghĩa là quá coi trọng bản thân và đặt nhiều kỳ vọng. Nếu không có sự dung dị và kiểm soát chính mình, bạn chắc chắn là người tổn thương sâu đậm nhất khi mâu thuẫn xảy ra.
Bạn có thể trân trọng mối quan hệ này, nhưng bạn không thể yêu cầu đối phương cũng phải trân trọng. Bởi lẽ đó là sự lựa chọn của họ.
Cái gì cũng có giới hạn của nó, một khi tự cho mình quan trọng trong mắt người khác hoặc đánh giá quá cao mối quan hệ hiện tại, sẽ dẫn đến sự ràng buộc lẫn nhau, làm nhau kiệt sức về thể chất và tinh thần, tự nhiên sinh ra bất mãn.
Khi đối xử với người khác, bạn phải học cách hạ thấp kỳ vọng của mình, có thể nhiệt tình cho đi nhưng không nên đòi hỏi quá nhiều. Chỉ khi duy trì được ranh giới, không xa cũng không gần, đôi bên mới có thể thoải mái với nhau và không bao giờ cảm thấy mệt mỏi.
Họa sĩ truyện tranh Hayao Miyazaki từng nói: “Trong biển người bao la, việc gặp gỡ, làm quen và ở bên nhau sẽ không phải là con đường thuận buồm xuôi gió đối với bất kỳ ai. Chỉ có tấm lòng sẵn sàng cho đi và biết ơn mới có được một cuộc đời yêu thương và hạnh phúc”.
Trong cuộc đời này, có thể có nhiều cảnh đẹp đáng để dừng chân, nhưng có rất ít tình bạn đáng để níu kéo. Chỉ những người biết cách duy trì những mối quan hệ thực sự quan trọng một cách cẩn thận mới có thể bổ sung cho nhau và tồn tại mãi mãi.