Trên thực tế, một trong những trở ngại lớn nhất trên con đường thành công trong thị trường này là xác định ai là người tin cậy và ai là người mà bạn cần đề phòng. Ngành tài chính không thiếu những con người tuyệt vời nhưng họ không nhất thiết phải nghĩ đến lợi ích cao nhất của bạn.
Trong cuốn sách “Đầu tư thông minh’’, tác giả Anthony Robbins cùng với chuyên gia tài chính Peter Mallouk đã tổng hợp các triết lý đầu tư sâu sắc tạo nên thành công của Warren Buffett cùng nhiều huyền thoại đầu tư khác trên thế giới. Đồng thời, cuốn sách còn tiết lộ nhiều sự thật đằng sau các quyết định đầu tư mà các chuyên gia tài chính không muốn bạn biết khi bước chân vào thị trường.
Và dưới đây là những triết lý đầu tư sâu sắc của huyền thoại đầu tư Warren Buffet được trích từ cuốn sách ‘’Đầu tư thông minh’’.
1. Thị trường chứng khoán là công cụ chuyển tiền từ người mất kiên nhẫn sang người kiên nhẫn
Có sự khác biệt rất lớn giữa đầu cơ ngắn hạn và đầu tư dài hạn. Kẻ đầu cơ cầm chắc thất bại, trong khi những nhà đầu tư có kỷ luật – những người trụ vững trên thị trường qua mọi biến động – mới là người chiến thắng.
Warren Buffett từng nói: ‘’Thị trường chứng khoán là một công cụ chuyển tiền từ người mất kiên nhẫn sang người kiên nhẫn’’. Bởi lẽ đầu tư là một cuộc đua marathon, không phải là cuộc đua nước rút.
Chưa kể, ngày nay các phương tiện truyền thông tài chính càng làm cho chúng ta có cảm giác thị trường đầu tư là một sòng bạc khổng lồ - một môi trường hấp dẫn dành cho những kẻ có máu cờ bạc thích làm giàu nhanh.
Chúng ta rất dễ đắm chìm trong môi trường đó, và đó là lý do tại sao rất nhiều người bị thua sạch do đặt cược vào các cổ phiếu nóng nhất, các giao dịch liên tục mua vào bán ra trên thị trường. Những hoạt động này đều nhằm thôi thúc bởi tâm lý muốn trúng giải độc đắc của con bạc.
2. Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi
Lòng tham và sự thiếu kiên nhẫn là yếu tố nguy hiểm trong đầu tư. Dù vậy, nhà đầu tư huyền thoại xứ Omaha từng chia sẻ một quy tắc đơn giản trong việc mua bán chứng khoán, đó là “hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi.”
Vì sao Warren Buffett luôn tuân theo quy tắc này? Đó là vì ông biết các tin tức xấu chính là người bạn tốt nhất của nhà đầu tư. Nó giúp nhà đầu tư có thể mua một phần tương lai nước Mỹ với mức giá hời.
Trên thực tế, khi thị trường quá ảm đạm, các nhà đầu tư “siêu hạng” như Buffett có khuynh hướng xem đó là một dấu hiệu tích cực cho thấy những giai đoạn tốt đẹp hơn đang ở phía trước. Bởi thị trường chứng khoán không nhìn vào hôm nay. Chúng luôn hướng đến ngày mai.
Điều quan trọng nhất không phải là nền kinh tế đang ở đâu mà là nó đang hướng tới đâu. Và khi mọi thứ tưởng chừng thật kinh khủng thì con lắc lại từ từ đảo chiều. Mọi thị trường giá xuống luôn được nối tiếp bởi một thị trường giá lên, không có ngoại lệ.
Mùa Đông luôn được nối tiếp bởi mùa Xuân, và đôi khi các mùa thay đổi nhanh hơn nhiều so với những gì bạn có thể đoán. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư giá trị như Warren Buffet rất trông đợi thị trường giá xuống. Tình trạng hỗn loạn tạo điều kiện cho họ đầu tư vào các cổ phiếu bị sụt giá xuống mức thấp tới nỗi rủi ro gần như bằng không, trong khi khả năng tăng trưởng thì rất ngoạn mục.
3. Chuyên gia môi giới chính là thợ cắt tóc trong thế giới tài chính
Hãy nhớ điều này: Nhà cái luôn thắng! Làm sao bạn có thể đặt tương lai tài chính của mình vào tay những người làm việc trong một ngành có ‘’thành tích đen’’ trong việc đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của khách hàng.
Chưa kể, có một số ‘’chuyên gia tư vấn’’ tự tiếp thị bản thân như những người ngay thẳng nhưng thực tế lại là những kẻ chuyên lợi dụng sự nhập nhằng trong bộ luật hiện hành để bán các sản phẩm tài chính mang lại lợi ích riêng cho cá nhân họ.
Warren Buffett từng nói đùa rằng, bạn không bao giờ muốn hỏi thợ cắt tóc về việc mình có cần cắt tóc hay không. Các chuyên gia môi giới chính là thợ cắt tóc trong thế giới tài chính. Họ được đào tạo và khuyến khích bán hàng, bất kể bạn có cần thứ họ đang bán hay không! Đây không phải là một lời chỉ trích mà là thực tế giúp bạn nhận ra, thứ có thể bảo vệ bạn chính là sự hiểu biết về cách mà hệ thống này đang vận hành.
Nếu không hiểu động lực nào đang thúc đẩy chuyên gia tư vấn của bạn hành động, có khả năng bạn sẽ phát hiện ra mình đã giúp tương lai tài chính của anh ta phát triển rực rỡ trong lúc đang hủy hoại tương lai tài chính của chính mình.
Suy cho cùng, chúng ta rất dễ bị thuyết phục bởi những người chúng ta thích, đặc biệt là khi họ rất chân thành. Hãy nhớ, con người đều có thể chân thành – và sai một cách chân thành. Có khả năng người môi giới của bạn trung thực và chính trực, nhưng anh ta đang bán những gì anh ta đã được đào tạo để bán – và bạn phải luôn mặc định rằng bất cứ thứ gì anh ta bán đều có lợi cho nhà cái trước tiên.
4. Đừng tin vào những sự thật ‘’nửa vời’’ trên truyền thông
Theo nhà đầu tư Guy Spier, phần lớn nội dung về thị trường chứng khoán được phân tích và truyền thông là để thúc đẩy hoạt động giao dịch để kích động chúng ta, vì ai đó ngoài kia đang kiếm được bộn tiền nhờ chính sự kích động đó của chúng ta.
Chẳng hạn, các nhà môi giới thích khách hàng giao dịch nhiều vì như vậy họ sẽ thu được nhiều phí. Họ cố gắng thu hút và giữ chân bạn bằng các quảng cáo về chính sách giao dịch miễn phí hoặc chi phí thấp, đồng thời cung cấp “thông tin chi tiết” về thị trường để giúp bạn chọn được các khoản đầu tư hứa hẹn sẽ lãi to.
Bạn có để ý mình thường xuyên kiểm tra hiệu quả đầu tư của mình và lắng nghe các chuyên gia trên thị trường đưa ra những dự đoán có khi vô ích. Lý giải cho hành động này, Guy Spier cho hay, khi ôm máy tính kiểm tra giá cổ phiếu hoặc quỹ mỗi ngày, đồng nghĩa với việc bạn đang bón kẹo ngọt cho bộ não và làm cho nó quen dần với endorphin. Đây là hành vi gây nghiện và bạn cần dừng lại ngay lập tức.
Đồng thời, ông khuyên nhà đầu tư chỉ nên kiểm tra danh mục đầu tư của mình mỗi năm một lần, dừng hẳn việc theo dõi các kênh tài chính và bỏ qua các nghiên cứu do các công ty ở Wall Street thực hiện. ‘’Nếu các kênh thông tin thúc giục bạn hành động nhanh, hãy tắt nó đi!’’, Guy Spier khuyên.
5. Giá trị duy nhất của các nhà dự đoán chứng khoán chính là làm cho mấy ông thầy bói trông có vẻ tốt đẹp hơn
Một trong những trở ngại lớn nhất trên con đường thành công trong thị trường tài chính là xác định ai là người tin cậy và ai là người mà bạn cần đề phòng. Trong ngành tài chính không thiếu những con người tuyệt vời nhưng họ không nhất thiết phải nghĩ đến lợi ích cao nhất của bạn.
Trên thực tế, ngành công nghiệp này luôn cố gắng thuyết phục bạn tin rằng các nhà kinh tế học và “chuyên gia chiến lược thị trường” từ các ngân hàng đầu tư lớn thường dự đoán chính xác xu hướng đầu tư như thể họ có quả cầu tiên tri hay khả năng nhìn thấu tương lai.
Trong mắt Warren Buffett, giá trị duy nhất của các chuyên gia dự đoán chứng khoán chính là làm cho mấy ông thầy bói trông có vẻ tốt đẹp hơn.
Ngày nay, các phương tiện truyền thông có xu hướng lan truyền thông điệp rằng nếu đủ thông minh, bạn có thể dự đoán các động thái của thị trường và tránh được khi nó suy thoái. Tuy nhiên, trong đầu tư, tự huyễn hoặc là một thói quen có cái giá rất đắt. Vì vậy, hãy tháo khăn bịt mắt và nhìn thẳng vào sự thật trần trụi.
Và sự thật ở đây là không ai có thể liên tục dự đoán chính xác thị trường sẽ lên hay xuống. Thật ảo tưởng khi nghĩ rằng chúng ta thành công đoán đúng thời điểm thị trường vì đã nhảy vào và thoát ra đúng lúc.
Chúng ta đang sống trong một thế giới không có gì là chắc chắn. Không chỉ đối mặt với rủi ro của những điều chúng ta biết là mình chưa biết, mà ta còn gặp rủi ro từ những điều chúng ta không biết là mình không biết. Chính vì vậy, việc tự trang bị cho mình một kiến thức tài chính chuyên sâu, tâm lý vững vàng trong đầu tư cũng như có tầm nhìn dài hạn là yêu cầu quan trọng nhất của đầu tư.
Và bất kể thu nhập hiện tại của bạn đang là bao nhiêu, bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc sống hay bắt đầu đầu tư từ khi nào, cuốn sách “Đầu tư thông minh” sẽ mang lại những công cụ cần thiết giúp bạn hoàn thành các mục tiêu tài chính trong khoảng thời gian sớm nhất.
Tác giả Anthony Robbins |