Vẻ đẹp của "nàng thơ cuối cùng nổi tiếng nhờ hội họa"
Trong vòng hơn 15 năm (từ 1971 tới 1985), họa sĩ người Mỹ Andrew Wyeth (1917 - 2009) thực hiện hơn 240 bức tranh bí mật. Ông cất giấu kỹ những bức tranh này, không để ai biết, ngay cả vợ - người vốn tham gia rất sâu vào hoạt động sáng tác và bán tranh của ông. Toàn bộ hơn 240 bức tranh này khắc họa một người phụ nữ có tên Helga Testorf.
Ảnh: Họa sĩ người Mỹ Andrew Wyeth (1917 - 2009) trong một bức tranh tự họa (trái) và một bức ảnh chụp chân dung (phải).
Thực tế, bà Helga chính là hàng xóm của họa sĩ Andrew Wyeth. Các bức họa đặc tả bà Helga ở nhiều trạng thái và bối cảnh. Toàn bộ hoạt động vẽ tranh này được bà Helga và họa sĩ Andrew Wyeth giữ kín, ngay cả với gia đình của họ. Tất cả các bức tranh được cất giữ tại nhà của một người hàng xóm, người này cũng đồng thời là học trò và bạn thân thiết của họa sĩ Wyeth.
Khi những bức tranh này được công khai hồi năm 1986, các tác phẩm đã tạo nên một cơn sốt lan rộng ra cả bên ngoài giới am hiểu hội họa.
Người phụ nữ xuất hiện trong loạt tác phẩm là bà Helga Testorf, một phụ nữ vốn sinh ra ở Đức hồi thập niên 1930, hiện tại bà vẫn đang sống tại Mỹ.
Về sau này, "nàng thơ" Helga Testorf có chia sẻ trong bộ phim tài liệu "Helga" (2018) về những xúc cảm của bà khi lần đầu tiên ngồi làm mẫu cho họa sĩ Wyeth rằng: "Chỉ qua một lần ngồi làm mẫu, tôi đã cảm thấy như mình được tái sinh. Lần đầu tiên có một ai đó thực sự nhìn ngắm, quan sát tôi một cách kỹ lưỡng, tỉ mỉ, thực sự nhìn thấu tôi".
Họa sĩ và người mẫu tận hưởng cảm hứng sáng tạo trong lặng lẽ
Đối với nàng thơ bí mật Helga Testorf, việc trở thành người mẫu cho họa sĩ Andrew Wyeth là một trải nghiệm khiến bà trở nên hoàn toàn đổi khác, khiến bà cảm nhận được vẻ đẹp của chính mình, ý thức về bản thân một cách rõ ràng hơn.
Trong khi đó, họa sĩ Wyeth khi ấy vốn đã nổi tiếng tại Mỹ, lại tìm được cảm giác bình an, thư thái khi có thể sáng tác trong sự tĩnh lặng và bí mật, không phải chịu áp lực của sự quan sát, đánh giá, hay thậm chí là sự săn đón để đặt hàng. Để có được sự bí mật tuyệt đối đó, họa sĩ Andrew Wyeth cần một người mẫu lặng lẽ và kín tiếng như "nàng thơ" Helga Testorf.
Bản thân bà Helga Testorf cũng mong muốn toàn bộ quá trình làm mẫu này được giữ kín: "Tôi thấy thoải mái hơn khi không ai biết đến mình, tôi thích thú với việc làm mẫu nhưng lại muốn bản thân chỉ như một nhân vật được tạo ra từ trí tưởng tượng của họa sĩ. Tôi ở đó, ngồi làm mẫu, nhưng vẫn hoàn toàn bí ẩn, không được biết đến".
Theo chuyên gia lịch sử hội họa John Wilmerding, họa sĩ Wyeth đã dành một sự chú tâm rất lớn cho riêng một người mẫu trong suốt một quãng thời gian kéo dài với một số lượng tác phẩm hội họa lớn, đó là điều rất đặc biệt, nếu không muốn nói là duy nhất trong lịch sử hội họa Mỹ.
Nhà phê bình hội họa James Gardner thậm chí còn gọi bà Helga Testorf là "nàng thơ cuối cùng nổi tiếng nhờ hội họa" bởi sức hấp dẫn lớn mà chùm tranh Helga tạo ra đối với giới mỹ thuật, truyền thông và công chúng, khiến người ta ngay lập tức muốn tìm hiểu về người mẫu.
Khi bộ tranh được công bố, họa sĩ Wyeth vẫn còn đang sống, ông chia sẻ về loạt tác phẩm chỉ xoay quanh người mẫu Helga rằng: "Điểm khác biệt giữa tôi và nhiều họa sĩ khác là tôi thấy mình cần phải có mối liên hệ thực sự với người mẫu, trước khi tôi có thể thực sự khắc họa họ.
Tôi cần phải cảm thấy mình bị họ mê hoặc, bị làm cho ám ảnh, thì tôi mới có thể thực sự sáng tạo tranh về họ được, đó chính là những gì đã xảy ra khi tôi bắt gặp Helga".
Đồn đoán về cuộc tình giữa họa sĩ và người mẫu
Dù bà Helga Testorf được khắc họa khỏa thân trong nhiều bức tranh của họa sĩ Wyeth, nhưng bà luôn khẳng định rằng giữa bà và họa sĩ Wyeth có một mối liên hệ tinh thần thuần khiết. Trong bộ phim tài liệu, bà Helga Testorf đã nói: "Có rất nhiều cách để người ta yêu nhau".
Tại thời điểm bộ tranh Helga được công khai, các tác phẩm khắc họa bà Helga Testorf đã xuất hiện trên trang bìa của những tờ tạp chí nổi tiếng tại Mỹ. Bà Helga cảm thấy vui mừng vì vẻ đẹp của những bức tranh được đánh giá cao, nhưng lại thất vọng trước những đồn đoán dấy lên trong dư luận.
Dù cả bà và họa sĩ Wyeth đều phủ nhận việc họ có mối quan hệ "ngoài luồng", nhưng sự bí mật của quá trình thực hiện tác phẩm, cũng như việc các tác phẩm bị giấu kín suốt một thời gian dài khiến dư luận hoài nghi rằng giữa họa sĩ và người mẫu đã có một cuộc tình. Điều này đã gây ra nhiều căng thẳng cho cuộc hôn nhân của họa sĩ Andrew Wyeth.
Sau này, bà Helga Testorf vẫn giữ mối quan hệ thân tình với họa sĩ Andrew Wyeth và đóng vai trò là người chăm sóc cho ông trong những năm tháng cuối đời, đây là công việc mà bà Testorf vốn đã đảm nhận như một sinh kế từ khi còn trẻ. Trước đây, bà vốn học để trở thành y tá, sau đó, bà lập gia đình, sinh 4 người con và chuyên nhận hỗ trợ chăm sóc người già.
Toàn bộ loạt tranh khắc họa bà Helga ngay khi vừa công bố đã được doanh nhân người Mỹ Leonard E.B. Andrews mua hết. Chỉ có một số bức mà họa sĩ Wyeth đã tặng bạn bè trước đó không nằm trong loạt tranh được bán ra. Đặc biệt, họa sĩ Andrew Wyeth đã dành tặng vợ mình bức tranh nổi tiếng nhất trong bộ tranh - tác phẩm "Lovers" (Tình nhân), khắc họa bà Helga khỏa thân.
Bộ tranh Helga ngay sau đó đã được triển lãm tại nhiều bảo tàng ở Mỹ hồi cuối thập niên 1980, ngay sau khi tour triển lãm vòng quanh nước Mỹ kết thúc, chủ nhân bộ tranh đã bán toàn bộ các tác phẩm cho một công ty của Nhật. Động thái này đã khiến rất nhiều nhà phê bình hội họa tại Mỹ cảm thấy thất vọng.
Trong giới hội họa Mỹ, họa sĩ Andrew Wyeth được biết đến nhiều nhất với phong cách hiện thực, ông là một trong những họa sĩ người Mỹ nổi tiếng nhất hồi giữa thế kỷ 20.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông Wyeth , cũng là tác phẩm nổi tiếng hàng đầu của hội họa Mỹ trong thế kỷ 20, đó chính là tác phẩm "Thế giới của Christina". Hiện bức tranh này đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở thành phố New York, Mỹ.
Bích Ngọc
Theo The Atlantic/Art News