Chùa Sùng Ân (thôn Đông Cao, Ninh Giang, Hải Dương) có diện tích gần 5.000 m2, gồm Tam Bảo xây dựng kiểu chữ Đinh, động thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, lầu các, giếng ngọc... lịch sử kiến trúc chùa có từ thời Lý.
Chùa Sùng Ân được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 1974 về nghệ thuật kiến trúc điêu khắc và cũng là ngôi chùa được xếp hạng di tích Quốc gia sớm nhất của huyện Ninh Giang (Hải Dương).
Chùa có bố cục kiểu nội công, ngoại quốc, mái lợp bằng ngói mũi hài cổ kính.
Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Văn Đương, Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Sùng Ân cho biết, trước đây chùa Sùng Ân còn nhiều hiện vật quý giá, nhưng do bị kẻ gian đột nhập lấy cắp. Nên hiện nay, di vật ngoài sân chùa còn một cây thiên đài bằng đá cao 1,7 m dựng năm Cảnh Trị 9 (1671), 6 con sấu đá, 3 bia đá thế kỷ XVII.
Đặc biệt là bệ đá hoa sen hình lục giác 2 tầng có chạm rồng mào lửa, thân nhiều nếp gấp khúc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chùa Sùng Ân là nơi sơ tán, nuôi giấu cán bộ Việt Minh, trường quân y Quân khu 3.
Lầu các nằm bên trái ngôi chùa theo hướng từ cổng vào vẫn giữ được nét cổ kính, nguyên bản.
Chính điện Tam Bảo được xây dựng kiểu chữ Đinh quay theo hướng Tây Nam, gồm 7 gian tiền tế và 9 gian hậu cung.
Trong ngôi Tam Bảo có 14 bức đại tự, 8 câu đối, một bản mộc cổ, 32 cột gỗ lớn nhỏ và có hệ thống 30 tượng Phật cổ bằng gỗ sơn son thếp vàng với nghệ thuật trạm khắc tinh xảo.
"Hệ thống tượng ở chùa Sùng Ân đều được làm bằng gỗ mít và sơn son thếp vàng, độc đáo nhất là những cái nét của pho tượng rất giống với người thật. Từ chân tay, mái tóc, quần áo của các ngài đều giống y như ngoài đời, tất cả đều được phỏng theo vua chúa của thời xưa", ông Đương chia sẻ.
Mỗi một pho tượng có cách ngồi và nét mặt khác nhau thể hiện những sắc thái của kiếp luân hồi. Các pho tượng đều có tuổi đời khoảng 700 năm.
Trong nhà thờ tổ đang thờ Huyền Quang đại sư thuộc phái Trúc Lâm thời Trần. Ông là người có công đánh giặc ngoại xâm, khai hoang lập ấp, đặt tên cho làng và dạy nhân dân trồng lúa để mưu sinh. Sau khi ông qua đời, để ghi nhớ công lao của ông đối với dân, với nước, nhân dân địa phương đã đóng góp tiền của để xây chùa thờ ông và suy tôn ông là Thành Hoàng làng. Ngày ông viên tịch là ngày 15/3 âm lịch.
Nhà tiền đường có chuông đồng đúc năm Gia Long 11 (1812) thân cao 90 cm, đường kính 62.5 cm, toàn thân phủ kín bài minh.