Dưới đây là những tác phẩm đã đạt tới mức độ nổi tiếng như thế, dựa trên mức độ tìm kiếm thông tin của người dùng Internet trên các công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hiện nay:
Bức "Mona Lisa"
Không bất ngờ khi đây là tác phẩm đứng đầu bảng, là tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất thế giới. Bức "Mona Lisa" khắc họa một người phụ nữ bí ẩn với nụ cười mang nhiều ẩn số. Dù vậy, cho tới nay, người ta cũng đã nắm được một số thông tin cụ thể xung quanh tác phẩm này.
Người xuất hiện trong tranh được cho là một phụ nữ có tên Lisa Gherardini, vợ của một nhà buôn sống ở Florence (Ý) - ông Francesco del Giocondo. Tác phẩm này đại diện cho sự cách tân trong hội họa thời bấy giờ, bởi đây là một trong những tác phẩm tranh chân dung đầu tiên tập trung cao độ vào nhân vật.
Trước đó, các bức chân dung thường đặt nhân vật trong một bối cảnh cầu kỳ và họa sĩ rất trau chuốt trong việc khắc họa bối cảnh, bên cạnh việc khắc họa nhân vật. Tác phẩm lần đầu được trưng bày trong bảo tàng Louvre hồi năm 1804.
Điều ít biết: Trước thế kỷ 20, bức "Mona Lisa" vẫn còn ít được biết tới. Nhưng hồi năm 1911, một cựu nhân viên của bảo tàng đã đánh cắp tác phẩm, bức tranh lưu lạc trong vòng 2 năm. Chính vụ trộm đã khiến tác phẩm được nhắc đến, dần trở nên nổi tiếng trong văn hóa đại chúng và kể từ đó, đây được xem là tác phẩm đỉnh cao của hội họa Phục hưng.
Bức "Bữa tối cuối cùng"
Leonardo da Vinci là họa sĩ duy nhất xuất hiện hai lần trong danh sách này. Tác phẩm "Bữa tối cuối cùng" được thực hiện trong một thời kỳ mà những hình dung về tôn giáo vẫn là chủ đề thống trị trong hội họa. Bức "Bữa tối cuối cùng" khắc họa lần cuối Chúa dùng bữa với các tông đồ. Đây là một bức bích họa khổng lồ có kích thước 4,6 x 8,8m.
Điều ít biết: Bức bích họa đã trải qua rất nhiều biến động thời cuộc, bởi người ta không thể di chuyển tác phẩm đi đâu để bảo vệ an toàn cho nó giữa bối cảnh những xung đột từng nổ ra. Tác phẩm còn từng bị phơi ra dưới nắng mưa trong thời kỳ Thế chiến II, khi ấy, phần mái nhà thờ che chở cho khu vực có bức bích họa đã bị trúng bom.
Bức "Đêm đầy sao"
Bức tranh theo phong cách trừu tượng này là một minh chứng điển hình cho phong cách riêng và cách đưa cọ vẽ rất khác biệt của Van Gogh. Gam màu xanh và vàng đầy ấn tượng, cộng thêm những hình ảnh được khắc họa bằng những đường xoáy, khiến khung cảnh trong tranh như mộng mị, mê hoặc người yêu hội họa suốt nhiều thập kỷ qua.
Điều ít biết: Van Gogh đang sống trong một bệnh viện tâm thần nằm ở Saint-Rémy, Pháp, khi thực hiện bức họa này. Ông lấy cảm hứng từ bối cảnh mở ra trước cửa sổ phòng mình trong bệnh viện.
Bức "Tiếng thét"
Hồi năm 2012, một phiên bản "Tiếng thét" được thực hiện bằng chất liệu màu phấn đã bán được với giá gần 120 triệu USD tại một cuộc đấu giá.
Cũng giống như bức "Mona Lisa", có hai phiên bản của bức "Tiếng thét" đã từng bị đánh cắp hai lần (hồi năm 1994 và 2004), chính thông tin về những vụ trộm đã khiến công chúng biết nhiều hơn tới tác phẩm. Về sau này, cả hai phiên bản bị đánh cắp đều đã được tìm thấy lại.
Điều ít biết: Theo ý tưởng nguyên bản khi sáng tạo tác phẩm của họa sĩ Edvard Munch, nhân vật xuất hiện trong tác phẩm không hề tạo ra tiếng thét, mà đang cố gắng bịt tai lại để không phải nghe tiếng thét vang vọng từ bối cảnh xung quanh.
Tác phẩm này được lấy cảm hứng từ một trải nghiệm của chính họa sĩ, khi ông đang đi dạo lúc hoàng hôn ở Oslo, bầu trời rực đỏ lạ lùng khi ấy đã gây choáng ngợp mạnh đối với ông.
Bức "Guernica"
Đây là bức tranh có tuổi đời ít nhất trong danh sách này, tác phẩm khắc họa cảnh thị trấn Guernica (Tây Ban Nha) bị không kích trong thời kỳ xảy ra Nội chiến Tây Ban Nha (1936 - 1939). Tác phẩm mang đậm phong cách riêng của Picasso và khắc họa những nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Đây là một tác phẩm hội họa thuộc đề tài phản chiến nổi bật trong thế kỷ 20.
Điều ít biết: Tác phẩm "Guernica" từng được chuyển tới Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Metropolitan ở New York, Mỹ trong thời kỳ Thế chiến II, để đảm bảo an toàn cho tác phẩm. Picasso yêu cầu tác phẩm được giữ lại đó cho tới khi tình hình tại Tây Ban Nha ổn định trở lại. Tác phẩm chính thức quay trở về Madrid vào năm 1981.
Bức "Nụ hôn"
Tác phẩm thuộc vào "thời kỳ vàng" của Gustav Klimt, ông khắc họa hai nhân vật của mình trong những bộ phục trang đầy ấn tượng, hai nhân vật có kích thước bằng người thật đắm chìm trong nụ hôn của họ. Với tác phẩm này, Klimt khẳng định rằng tình yêu chính là tâm điểm trong sự tồn tại của con người. Tác phẩm được thực hiện với đầy sức hấp dẫn và sự mê hoặc.
Điều ít biết: Các tác phẩm của Klimt rất được giá trên thị trường. Hồi năm 2016, "nữ hoàng truyền hình" người Mỹ - bà Oprah Winfrey từng bán tác phẩm "Chân dung nàng Adele Bloch-Bauer II" do danh họa Gustav Klimt thực hiện hồi năm 1907, với mức giá 150 triệu USD, lãi tới 60 triệu USD so với mức giá lúc bà mua vào.
Bức "Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai"
Tác phẩm này thường được so sánh với bức "Mona Lisa". Thực tế, bức "Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai" không phải là một bức chân dung đích thực, mà là một dạng tranh khắc họa nhân vật giả tưởng với những yếu tố phóng tác dựa trên cảm hứng của họa sĩ.
Siêu phẩm tranh sơn dầu này gây ấn tượng bởi chính sự đơn giản lạ lùng của nó. Cô gái đội khăn màu xanh và vàng, đeo khuyên tai ngọc trai "ngoại cỡ" là hình ảnh điểm nhấn của tác phẩm, xuất hiện nổi bật trên nền tối.
Điều ít biết: Khi bảo tàng Mauritshuis trải qua đợt tu sửa từ năm 2012 tới năm 2014, tác phẩm đã được đem trưng bày tại nhiều quốc gia trên thế giới, đi đến đâu, tác phẩm cũng thu hút sự quan tâm lớn và càng trở nên nổi tiếng hơn.
Bức "Sự ra đời của thần Vệ Nữ"
Đây là bức tranh cổ nhất xuất hiện trong danh sách này. Tác phẩm có thể đã được đặt hàng thực hiện bởi một nhà quý tộc yêu hội họa ở Florence (Ý) thời bấy giờ. Lúc này, Botticelli bắt đầu hứng thú với những câu chuyện thần thoại Hy Lạp và đang ở thời kỳ đầu của hội họa Phục hưng, ông đã sáng tạo nên một thần Vệ Nữ tuyệt đẹp.
Điều ít biết: Danh họa Botticelli đã có những cách tân mạnh mẽ so với các họa sĩ đương thời thông qua tác phẩm này. Trước hết, ông thực hiện tác phẩm trên vải thay vì trên gỗ như thói quen của nhiều họa sĩ cùng thời.
Thứ hai, khỏa thân vẫn là đề tài hiếm thấy thời bấy giờ, việc ông khắc họa thần Vệ Nữ đã thể hiện sự táo bạo tiên phong vượt ra ngoài khuôn khổ. Không những thế, tác phẩm có kích thước lớn, thần Vệ Nữ xuất hiện ở vị trí trung tâm càng cho thấy sự táo bạo của Botticelli.
Bức "Các thị nữ"
Madrid là thành phố duy nhất xuất hiện trong danh sách này tới hai lần, thành phố này có tác phẩm "Guernica" (đã đề cập ở trên) và bức "Các thị nữ". Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của họa sĩ Diego Velázquez, cũng là tác phẩm có kích thước lớn hàng đầu trong sự nghiệp của ông.
Sự phức tạp trong bố cục tác phẩm đã khiến giới phê bình và công chúng hứng thú suốt nhiều thế kỷ. Tác phẩm vừa khắc họa đời sống trong Hoàng gia Tây Ban Nha, vừa là một bức chân dung tự họa của họa sĩ Velázquez, ông chính là nhân vật xuất hiện ở góc trái.
Điều ít biết: Tác phẩm được đặt hàng thực hiện bởi vua Philip IV của Tây Ban Nha, ông trị vì từ năm 1621 tới 1665. Tác phẩm được trưng bày trong cung điện của Hoàng gia Tây Ban Nha cho tới năm 1819 thì chuyển sang trưng bày tại bảo tàng Prado.
Bức "Tạo ra Adam"
Đây là tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng nhất trong sự nghiệp hội họa của Michelangelo. Tác phẩm bích họa nằm trên trần nhà nguyện khắc họa Chúa và Adam đang vươn cánh tay, hai ngón tay của họ gần chạm vào nhau.
Hình thể của Adam cho thấy một khía cạnh tài năng khác của Michelangelo, đó là sự am hiểu của ông về cơ thể người, Michelangelo còn được biết tới với bức tượng "David", một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất thế giới.
Điều ít biết: Trần nhà nguyện Sistine đã từng bị ám khói sau hàng thế kỷ người ta thắp nến bên trong nhà nguyện. Sau quá trình phục chế lâu dài kết thúc vào năm 1989, người ta ngỡ ngàng được thấy những sắc màu nguyên bản rất tươi sáng và đầy ấn tượng mà Michelangelo từng sử dụng cho tác phẩm.
Bích Ngọc
Theo Time Out/Art Daily