Những thiên tài này biết đọc từ năm hai tuổi, chơi nhạc Bach khi lên bốn, học toán khi lên sáu và có thể nói lưu loát bảy thứ tiếng khi lên tám. Bạn học của chúng trở nên ghen tỵ, nhưng cha mẹ chúng thì vui mừng như trúng số độc đắc. Tuy nhiên, theo nhà phê bình văn học T. S. Eliot, chúng thường có xu hướng kết thúc sự nghiệp trong đau buồn, chứ không phải vinh quang.
Những đứa trẻ thiên tài hóa ra được sinh ra không phải để thay đổi thế giới. Khi các nhà tâm lý học nghiên cứu về những người xuất chúng và có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử, họ khám phá ra rằng rất nhiều người trong số đó không phải là những thiên tài lúc nhỏ. Và nếu bạn tập hợp một nhóm lớn những đứa trẻ thần đồng và theo dõi cuộc sống của chúng, bạn sẽ thấy rằng chúng không hề tỏa sáng hơn những bạn bè đồng trang lứa xuất thân từ những gia đình trung bình.
Bằng trực giác, chúng tôi nhận thấy điều này có lý. Chúng tôi cho rằng những đứa trẻ thiên tài rất thông thuộc kiến thức sách vở nhưng lại thiếu kỹ năng thực tế. Trong khi có trí thông minh nổi trội, chúng lại thiếu đi những kỹ năng xã hội, cảm xúc và kỹ năng thực tiễn trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi nhìn vào các chứng cứ, lời giải thích này dường như không có căn cứ, vì có ít hơn 25% trẻ thiên tài chịu tổn hại từ những vấn đề cảm xúc và xã hội. Đa số chúng thích nghi tốt về mặt xã hội, chẳng hạn như chúng vô cùng hứng thú với cuộc thi đánh vần tại một bữa tiệc cocktail.
Mặc dù những đứa trẻ thần đồng thường giàu có cả về tài năng và hoài bão, nhưng điều kìm hãm chúng không thể thay đổi cả thế giới là chúng không biết cách trở nên độc đáo, khác biệt. Cho nên, khi chúng biểu diễn tại Sảnh đường Carnegie, giành chiến thắng trong các kỳ thi Olympic khoa học, trở thành nhà vô địch cờ vua, thì bi kịch lại xảy ra.
Đó là, việc tập luyện giúp chúng trở nên hoàn hảo hơn, nhưng lại không tạo ra những điều mới mẻ. Chúng được học những giai điệu lấp lánh của Mozart và các bản giao hưởng tuyệt đẹp của Beethoven, nhưng bản thân chúng không bao giờ có thể tự sáng tác được những bản nhạc độc đáo. Chúng tập trung năng lượng để tiếp thu những kiến thức khoa học có sẵn, nhưng không sáng tạo ra những khái niệm mới. Chúng thích nghi với những quy tắc hệ thống hóa các trò chơi đã được lập trình sẵn, thay vì sáng tạo nên những luật chơi mới. Trên đường đời, chúng nỗ lực để nhận được sự hài lòng của cha mẹ và sự khen ngợi của thầy cô.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những đứa trẻ sáng tạo nhất là những đứa trẻ ít có khả năng trở thành học trò cưng của các giáo viên. Trong một nghiên cứu, các giáo viên tiểu học liệt kê những học sinh họ ưa thích nhất và ít ưa thích nhất, sau đó đánh giá hai nhóm qua một danh mục các tính cách. Các học sinh thuộc nhóm ít được ưa thích nhất là những trẻ không vâng lời, chúng tự tạo ra quy tắc cho chính chúng. Các giáo viên có khuynh hướng phân biệt đối xử hơn với những học sinh có tính sáng tạo cao, gắn mác chúng là những đứa trẻ rắc rối.
Để “tồn tại” trong lớp, những đứa trẻ đó nhanh chóng học cách thích ứng với chương trình học giáo viên đề ra, nhưng vẫn giữ những ý tưởng độc đáo của riêng mình. Nói theo William Deresiewicz, chúng sẽ trở thành những chú cừu xuất sắc nhất hành tinh.
Ở giai đoạn trưởng thành, rất nhiều thần đồng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, cũng như trở thành lãnh đạo trong tổ chức của họ. Tuy nhiên, “chỉ có một vài trong số những đứa trẻ thiên tài đó trở thành những nhà sáng tạo thực sự”, nhà tâm lý học Ellen Winner than vãn. “Chúng phải chịu đựng một quá trình chuyển đổi đau đớn (từ một đứa trẻ) học nhanh và dễ dàng trong một môi trường đã được thiết lập sẵn sang một người trưởng thành có khả năng tạo dựng sự nghiệp của riêng mình.”
Hầu hết các thần đồng không bao giờ tạo nên được những bước nhảy vọt đó. Họ áp dụng khả năng siêu phàm của mình theo những cách thông thường, thực hiện công việc mà không đặt ra nghi vấn về những gì đang có hay được mặc định, hoặc không tạo ra làn sóng mới nào. Trong mỗi lĩnh vực họ tham gia, họ đều giữ mức độ an toàn nhất định bằng cách tuân theo những lộ trình thông thường để đi đến thành công.
Họ trở thành những bác sĩ chữa bệnh thông thường mà không hề nỗ lực sửa đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa hoàn thiện đang ngăn cản nhiều bệnh nhân chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vốn đã khiếm khuyết ngay trở thành những luật sư biện hộ cho khách hàng do vi phạm những luật lệ lỗi thời mà không cố gắng thay đổi luật lệ. Họ trở thành những giáo viên soạn ra những giáo án mà không hề tự hỏi học sinh của họ học để làm gì. Mặc dù chúng ta dựa vào họ để giúp thế giới vận hành nhịp nhàng nhưng họ lại khiến chúng ta hoạt động như đang đi trên chiếc máy chạy bộ.
Thần đồng thường thiếu sự thúc đẩy để đạt thành tựu. Để thành công họ phải chịu trách nhiệm tạo ra những thành tựu vĩ đại nhất thế giới. Khi đã quyết tâm vượt trội, chúng ta được tiếp thêm động lực để làm việc chăm chỉ hơn, bền bỉ hơn và thông minh hơn. Nhưng khi nền văn hóa được lấp đầy bởi một số lượng đáng kể các thành tựu, sự độc đáo lại thể hiện ở một vài đặc trưng khác.
Tuy nhiên, sự thôi thúc phải đạt thành tựu ở mức rất cao có thể lấn át sự độc đáo: càng mong muốn đạt thành tựu, bạn càng sợ thất bại. Thay vì nhắm đến những thành tựu có một không hai, mong muốn mãnh liệt đạt thành công làm chúng ta bằng lòng với những kết quả an toàn và tất nhiên không có gì nổi bật. Hai nhà tâm lý học Todd Lubart và Robert Sternberg cho biết: “Một khi con người vượt qua ngưỡng nhu cầu bậc trung, tức nhu cầu đạt được thành tựu, họ sẽ trở nên ít sáng tạo hơn”.
Động lực vươn đến thành công song hành cùng nỗi sợ thất bại đã ngăn trở sự xuất hiện của những nhà sáng tạo vĩ đại nhất và những tác nhân thay đổi trong lịch sử. Quan tâm đến việc duy trì sự ổn định và đạt được những thành tựu thông thường họ không mong muốn theo đuổi sự độc đáo. Thay vì phải chuẩn bị đầy đủ để đảm bảo cho hành trang phía trước, họ bị lôi kéo, thuyết phục, và buộc phải tạo cho mình một chỗ đứng riêng.
Trong khi dường như sở hữu những tố chất của một nhà lãnh đạo thiên bẩm, họ lại nhờ đến những người đi cùng và những đồng nghiệp nâng đỡ, theo nghĩa đen, và đôi khi là nghĩa bóng. Nếu một cơ số người không bị thuyết phục để thực hiện những hành vi độc đáo, nước Mỹ có lẽ sẽ không tồn tại, phong trào dân quyền chỉ có thể là một giấc mơ, Nhà nguyện Sistine có lẽ sẽ trần trụi chẳng có bức vẽ nào, chúng ta vẫn có thể tin rằng mặt trời xoay quanh trái đất, và máy tính cá nhân có lẽ không bao giờ được phổ biến trên toàn thế giới.
Từ quan điểm của chúng tôi ngày nay, Tuyên ngôn Độc lập dường như là thứ chắc chắn phải có, nhưng nó gần như không xảy ra do sự miễn cưỡng của những cuộc cách mạng quan trọng.
Nhà sử học Jack Rakove đoạt giải Pulitzer kể lại: “Những người giữ vai trò chỉ huy trong cuộc Cách mạng Mỹ không giống như những nhà cách mạng mà là những người có trí tưởng tượng phong phú. Họ chỉ trở thành những nhà cách mạng hy sinh thân mình cho đến sau này”.
Trong những năm lãnh đạo cuộc chiến, John Adams sợ sự trả thù của người Anh và do dự không muốn từ bỏ sự nghiệp ngành luật vừa chớm nở của mình; ông chỉ bắt đầu tham gia sau khi được bầulàm đại biểu Đệ nhất Quốc hội Lục địa (First Continental Congress). George Washington tập trung vào việc quản lý các doanh nghiệp lúa mì, bột mì, cá, và ngựa giống của mình. Ông chỉ tham gia vào việc tranh tụng sau khi Adams đề cử ông làm tổng tư lệnh quân đội. “Tôi đã nỗ lực hết sức mình để tránh tham gia những cuộc chiến”, Washington viết.
Gần hai thế kỷ sau đó, Martin Luther King Jr., lo lắng về việc dẫn dắt phong trào dân quyền; ông chỉ mơ ước trở thành mục sư và hiệu trưởng trường đại học. Năm 1955, phong trào đột ngột khởi phát sau khi một phụ nữ da đen, Rosa Parks, bị bắt giữ vì từ chối nhường chỗ trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng theo quy định của Luật Jim Crow. Họ đồng ý thành lập Hiệp hội Cải thiện Nhân quyền Montgomery và khởi động phong trào tẩy chay xe buýt, và một trong những người tham dự đã đề cử King vào vị trí chủ tịch hội.
King cho hay: “Việc đó diễn ra quá nhanh, đến nỗi tôi thậm chí không kịp suy nghĩ gì. Tôi nghĩ nếu có thời gian suy nghĩ, có lẽ tôi đã từ chối”. Mới ba tuần trước đó, King và vợ ông đã “nhất trí rằng tôi không nên đảm nhận bất cứ trách nhiệm cộng đồng nặng nề nào, vì tôi phải hoàn thành luận án của mình, và cần phải đặt trọng tâm nhiều hơn vào công việc của hội thánh”.
Ông đã được bầu nặc danh trở thành người lãnh đạo cuộc tẩy chay xe buýt. Khi đối mặt với nhiệm vụ phát biểu trước cộng đồng vào buổi tối hôm đó, ông nói: “Tôi thực sự bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi”. Nhưng King sớm vượt qua những lo lắng đổ để vào năm 1963, giọng nói đanh thép của ông đã giúp thống nhất một quốc gia với tầm nhìn tự do. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi một đồng nghiệp của King đề xuất rằng ông phải là người có bài diễn văn kết thúc trong cuộc tuần hành đến Washington và tập hợp một liên minh các nhà lãnh đạo vận động cho ông.
Khi Giáo hoàng La Mã đề nghị Michelangelo vẽ một bức bích họa trên trần Nhà nguyện Sistine, Michelangelo không mấy quan tâm, bởi ông tự coi mình là một nhà điêu khắc, không phải là một họa sĩ, và thấy rằng công việc này làm ông ngột ngạt đến mức phải chạy sang Florence. Phải mất đến hai năm Michelangelo mới hoàn thành bức vẽ này trong sự kiên định của Giáo hoàng.
Và ngành thiên văn học trì trệ trong nhiều thập niên là vì Nicolaus Copernicus từ chối công bố phát hiện ban đầu của mình rằng trái đất xoay quanh mặt trời. Do lo sợ bị từ chối và bị chế giễu, ông đã giấu kín bí mật ấy trong suốt hai mươi hai năm và chỉ chia sẻ phát hiện ấy với bạn bè của mình. Cuối cùng, một vị hồng y có uy tín biết được công trình của ông và đã viết một lá thư khuyến khích Copernicus xuất bản nó. Thậm chí sau đó, Copernicus còn trì hoãn thêm bốn năm nữa. Kiệt tác của ông chỉ được một ánh sáng le lói chiếu sáng vào một ngày sau khi có vị giáo sư toán học trẻ tuổi đích thân phụ trách vụ việc, đưa lý thuyết của Copernicus viết thành sách và công bố dưới tên ông.
Gần nửa thiên niên kỷ sau, một nhà đầu tư thiên thần' đề xuất với Steve Jobs và Steve Wozniak rằng ông ấy sẽ rót 250 ngàn đô-la Mỹ vào Apple trong năm 1977, nhưng kèm một tối hậu thư: Wozniak phải rời khỏi hãng máy tính Hewlett-Packard. Wozniak từ chối: “Tôi sẽ làm việc suốt đời cho Hewlett-Packard, thực sự là tôi không muốn mở công ty riêng, tôi lo lắm!”, anh thừa nhận. Nhưng Wozniak đã thay đổi suy nghĩ sau khi nhận được sự khuyến khích từ Steve Jobs cùng rất nhiều bạn bè và cha mẹ mình.
Bạn có thể tưởng tượng đã có bao nhiêu Wozniak, Michelangelo và King từ bỏ việc theo đuổi, công khai, hoặc thúc đẩy những ý tưởng độc đáo ban đầu, vì đó không phải là tầm nhìn của họ. Mặc dù tất cả chúng ta có thể không mong muốn mở một công ty cho chính mình, tạo nên một kiệt tác, thay đổi tư duy phương Tây, hoặc lãnh đạo một phong trào dân quyền, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những ý tưởng để cải thiện môi trường làm việc, trường học và cộng đồng. Đáng buồn thay, nhiều người trong chúng ta ngần ngại hành động để đẩy mạnh những ý tưởng mới này.
Theo quan sát của nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph Schumpeter, sự độc đáo (originality) là hành động phá hủy mang tính sáng tạo (an act of creative destruction). Việc ủng hộ các hệ thống mới thường đòi hỏi phải phá vỡ cách làm việc lỗi thời, và phá bỏ nỗi sợ phiêu lưu trên con thuyền mới.
Trong số gần một ngàn nhà khoa học tại Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), có hơn 40% lo sợ rằng họ sẽ phải đối mặt với sự trả đũa nếu họ lên tiếng công khai về các vấn đề an toàn thuốc và vệ sinh thực phẩm. Trong số hơn bốn mươi ngàn nhân viên tại một công ty công nghệ, một nửa trong số họ cảm thấy không an toàn khi đưa ra ý kiến bất đồng trong công việc. Khi phỏng vấn nhân viên trong các công ty tư vấn, dịch vụ tài chính, truyền thông dược phẩm và các công ty quảng cáo, 85% chọn cách im lặng về những mối quan ngại thay vì báo cáo lên cấp trên của họ.
Lần gần đây nhất khi bạn nghĩ ra một ý tưởng độc đáo, bạn đã làm gì với nó? Mặc dù nước Mỹ là mảnh đất tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và tự thể hiện mình theo phong cách riêng, nhưng để tìm kiếm sự hoàn hảo và trong nỗi sợ thất bại, hầu hết chúng ta lựa chọn cách thích ứng thay vì thể hiện sự nổi trội. Thomas Jefferson khuyên rằng: “Về vấn đề phong cách cá nhân, hãy thể hiện tự nhiên, nhưng về các vấn đề nguyên tắc, hãy vững vàng như một tảng đá”.
Áp lực trở nên hoàn hảo khiến chúng ta làm điều ngược lại. Chúng ta thể hiện sự độc đáo qua bình diện bên ngoài – thắt nơ bướm, mang đôi giày màu đỏ tươi – mà không dám đón nhận những rủi ro của sự độc đáo thực sự. Khi xuất hiện những ý tưởng mạnh mẽ và các gia trị cốt lõi trong tâm trí, chúng ta đang kiểm duyệt chính mình. Vị giám đốc cấp cao nổi tiếng Mellody Hobson cho biết: “Hiện tổn tại rất ít sự độc đáo trong cuộc sống”, bởi vì con người sợ “lên tiếng và sợ trở nên nổi bật”. Vậy những thói quen nào của con người giúp họ vượt qua những sự độc đáo hào nhoáng bề ngoài để đi đến sự độc đáo thực sự bên trong?
Theo "Tư duy ngược dịch chuyển thế giới" ("Originals - How non - Conformists move the world")