Dù đã được cảnh báo liên tục về sự nguy hiểm của những phân cảnh bạo lực, ngập tràn máu và xác chết sau mỗi trò chơi trong bộ phim "Trò chơi con mực" (Squid Game). Nhưng các chuyên gia nhận định, nếu không có sự ngăn chặn kịp thời thì đây chính là sự mở lối cho sự hư hỏng, bạo lực của trẻ và người xem.
"Phong trào Squid Game" khiến trẻ không phân biệt được hành vi đúng sai
Chuyên gia tâm lý Steven Nguyễn (Tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học, Đại học Jacobs Bremen - Đức) hiện đang điều trị tâm lý cho khoảng 10 trường hợp trẻ dưới 15 tuổi bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực khi xem xong bộ phim 'Trò chơi con mực" và từ "phong trào Squid Game" đến từ các KOL trên mạng xã hội.
Nói về triệu chứng của trẻ, chuyên gia tâm lý cho hay: "Các con bị ám ảnh những yếu tố, hành động quá mức dẫn đến tình trạng các con lầm tưởng không phân biệt được hành vi của mình là đúng hay sai. Trong suy nghĩ của các con thì hành động đó hoàn toàn đúng, đơn giản như trường hợp một bé đã vứt mạnh chú mèo từ trên lầu cao xuống đất và coi đó là chuyện bình thường.
Những hành vi bạo lực gia tăng, người trẻ bị ảnh hưởng từ "Trò chơi con mực" không kiểm soát được cảm xúc. Chỉ cần một hành động không vừa ý là sự nổi cáu dễ hiện ngay trên khuôn mặt, hoặc có thể là hành động tay chân".
Theo nhà tâm lý này, những hình ảnh bạo lực đẫm máu mà người trẻ xem trên phim chỉ là một phần, bên cạnh đó chính là "phong trào Squid Game" nhằm câu like, câu view từ các KOL khiến họ càng có sự ghi nhớ sâu.
"Không chỉ trẻ bị ảnh hưởng tâm lý sau khi xem bộ phim, ngay cả người lớn cũng bị ám ảnh bởi sự chết chóc, bởi máu. Họ không thể ngủ được vào ban đêm vì chỉ cần nhắm mắt là bị ám ảnh bởi những yếu tố đó", chuyên gia Steven Nguyễn nói thêm.
Lời khuyên của chuyên gia với gia đình trong thời điểm hiện tại chính là không nên ngăn cấm con xem phim bạo lực, hãy cùng xem với con và đưa ra cách giải quyết tốt nhất. Bởi nếu ngăn cấm thì chỉ gây tác dụng ngược với vấn đề, khi chúng ta càng ngăn cấm thì khiến trẻ càng tò mò, kích thích.
Tiếp đó, phụ huynh cũng cần phải điều hòa tâm lý và lý giải cho con hiểu về những phân cảnh bạo lực trong phim. Nếu con xuất hiện những dấu hiệu căng thẳng, ức chế hoặc sợ hãi cần phải cân bằng cảm xúc cho con ngay lúc đó.
Anh Steven Nguyễn cũng nhận định: "Bộ phim Squid Game không nguy hiểm, nhưng mạng xã hội đã khiến nó trở nên nguy hiểm hơn". Vì khi một bộ phim có sức hút đều do tính lan truyền trên mạng xã hội và những người có sự nổi tiếng cố gắng làm theo những phân cảnh trong phim.
Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến trẻ phải học trực tuyến, sự quản lý của phụ huynh chưa nhiều. Đây chính là một hồi chuông cảnh báo về sự tiêu cực của mạng xã hội khi đẩy sự nổi tiếng của những bộ phim bạo lực.
Từ bạo lực phim đến sự bắt chước và học hành sa sút
TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) quan ngại, nếu trẻ xem còn tiếp tục xem những bộ phim chứa những hình ảnh bạo lực sẽ phải đối mặt với các vấn đề về hành vi ứng xử trong cuộc sống sau này.
TS Tùng Lâm chia sẻ: "Khi trẻ ở giai đoạn phát triển, những gì con nhìn thấy qua tivi hay mạng xã hội thì sẽ luôn coi đó là đúng và rất dễ đi vào tiềm thức để học theo. Ngoài sự tác động trực tiếp đến hành vi của trẻ mà những hình ảnh đó còn ảnh hưởng đến sự nhận thức trẻ khi lớn lên. Bạo lực trong phim dẫn đến nghiện phim rồi bắt chước và học hành sẽ bị sa sút".
Cha mẹ hoàn toàn có thể dễ dàng nhận ra xu hướng bạo lực của con chủ yếu hoặc hoàn toàn bắt nguồn từ những bộ phim mà các con đã xem. Vì vậy, việc xem trước hoặc tìm ra một cách giải quyết hợp lý cùng trẻ xem những bộ phim như vậy là rất cần thiết.
Con hoàn toàn có thể "nghiện phim" khi bạn cho phép chúng dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại di động hay xem tivi. Nghiện xem phim dẫn đến lười hoạt động, không thích giao tiếp xã hội với mọi người. Trẻ cũng sẽ bắt đầu phản ứng dữ dội khi bị bố mẹ cấm xem phim, đây là một trong những ảnh hưởng của phim ảnh đối với trẻ em.
Thực tế đã cho thấy rằng, sự nhận thức của con còn rất non nớt, chỉ tập trung vào các hình ảnh được diễn ra trong phim mà chủ yếu không quan tâm tới câu chuyện được truyền tải.
Khi xem phim ảnh bạo lực, vai trò xúc cảm lại lớn khiến các em cứ "tiếp thu, xúc động" mà không biết phân tích, nhận xét để đánh giá. Điều này sẽ khiến trẻ có xu hướng bắt chước các hành vị bạo lực. Hậu quả đầu tiên khi trẻ nghiện xem những bộ phim bạo lực như vậy là sa sút trong việc học tập, khả năng nhận thức sẽ kém và suy nhược cơ thể.
TS Tùng Lâm mong rằng, phụ huynh phải đồng hành cùng con và vai trò của cha mẹ là rất quan trọng. Không những kiểm tra các chương trình tivi, mà còn phải kiểm soát việc dùng điện thoại cho con, bên cạnh đó còn phải hướng dẫn, giải thích và tranh luận với chúng để phân biệt cái hay điều dở.
Thượng úy Phạm Duy Thành (Công an Thành phố Thái Nguyên) cho rằng, những bộ phim bạo lực sẽ làm tăng nguy cơ phạm tội ở trẻ và cần phải báo động. "Trẻ dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật là do thiếu nhận thức đầy đủ về pháp luật và ảnh hưởng từ phim ảnh", Thượng úy Thành nói.
Thượng úy Thành cho biết thêm: "Khi trẻ thực hiện các hành vi phạm tội thì nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ tâm lý lứa tuổi. Trong khi đó hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa có một bộ sách nào về kỹ năng sống, để các em nhận biết được đâu là hành vi phạm tội.
Ngày nay, việc tiếp cận phim ảnh, game bạo lực… quá dễ dàng trên các nền tảng mạng xã hội đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc, dẫn đến hành vi hung hăng của một số thanh thiếu niên đang ở mức đáng báo động. Ngoài ra, các đối tượng xấu thường lợi dụng trẻ đang ở giai đoạn tuổi dậy thì, tâm sinh lý bước vào giai đoạn thay đổi sẽ thích ứng với lối sống thực dụng, đua đòi, bạo lực".
Văn Hiền