Khoảng 1.000 cuộc tấn công mỗi giây
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) vừa phối hợp với Sở TT-TT tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng an toàn thông tin cho người sử dụng mạng.
Theo Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ; không gian mạng là tương lai thịnh vượng của Việt Nam, mang đến sự hiện đại, kinh tế và cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người.
“Trong đó, an toàn thông tin là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển, vận hành. Bảo đảm an toàn không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước và mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trở nên thịnh vượng hơn”, Phó cục trưởng Khoa phát biểu.
Không gian mạng hiện là không gian sống, làm việc, học tập, giải trí của khoảng 78 triệu người Việt Nam, tương đương 79,1% dân số. Tuy nhiên, Cục An toàn thông tin cho biết trên không gian mạng, mỗi giây có khoảng gần 1.000 cuộc tấn công mạng và 5 mã độc mới được tạo ra, cùng với 40 điểm yếu, lỗ hổng mới/ngày. Mỗi người trung bình hứng chịu 3,5 cuộc tấn công mạng/năm. Riêng năm 2022, toàn cầu ghi nhận tới 480 triệu cuộc tấn công mã độc tống tiền…
Năm 2022, Cục An toàn thông tin đã chỉ đạo, điều phối, ngăn chặn, xử lý hơn 2.700 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật. Trong đó có gần 1.500 trang lừa đảo trực tuyến.
Cùng với đó, Cục An toàn thông tin cũng đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; bảo vệ 4,87 triệu người (tương đương 6,96% người dùng internet) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng
Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể. Theo đại diện Cục An toàn thông tin, các dữ liệu có thể bị đánh cắp, gồm thông tin công khai trên mạng xã hội, thông tin nhân khẩu, thông tin đăng nhập mã OTP…
Theo đó, dữ liệu sau khi thu thập được có thể bị kẻ xấu lợi dụng nhằm lừa đảo, đe dọa chiếm đoạt tiền; mạo danh đăng ký sử dụng dịch vụ viễn thông, tài chính, tín dụng…
Được biết, Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó quy định 8 nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cụ thể, chỉ được thu thập dữ liệu cá nhân trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; chỉ được thu thập trong phạm vi cần thiết để đạt được mục đích xác định; được áp dụng các biện pháp bảo vệ trong quá trình xử lý dữ liệu.
Chủ thể dữ liệu cá nhân được biết và nhận thông báo về hoạt động liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân của mình; chỉ được xử lý dữ liệu cá nhân đúng với mục đích đã đăng ký, tuyên bố. Chất lượng dữ liệu phải được cập nhật, đầy đủ để đảm bảo mục đích xử lý dữ liệu. Phải được bảo mật trong quá trình xử lý và sử dụng hạn chế.
Theo đó, đại diện Cục An toàn thông tin đã nêu lên 8 kỹ năng giúp người dùng bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Cụ thể, hạn chế tối đa chia sẻ thông tin cá nhân, cân nhắc khi đưa thông tin cá nhân, đời tư lên mạng. Sử dụng mật khẩu mạnh, an toàn cho các tài khoản. Chủ động nâng cao kiến thức bảo mật. Đọc kỹ, hiểu các điều khoản trước khi sử dụng các dịch vụ trên mạng.
Ngoài ra, cần thiết lập quyền riêng tư cho các ứng dụng, dịch vụ sử dụng thông tin cá nhân. Sử dụng công cụ diệt vi rút uy tín. Kích hoạt tính năng xác thực 2 bước (nếu có). Thường xuyên cập nhật hệ thống và phần mềm.
Trong trường hợp bị lộ thông tin cá nhân, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin khuyên mọi người nên liên hệ với cơ quan chức năng, đơn vị liên quan ngay lập tức để báo cáo về việc bị lộ thông tin cá nhân. Trong trường hợp lộ tài khoản thẻ ngân hàng, cần liên hệ ngay với ngân hàng để khóa thẻ lại và xin được cấp thẻ mới.
Để phòng tránh trường hợp lừa đảo qua mạng xã hội, các chuyên gia khuyến cáo tất cả người sử dụng nên cẩn trọng, cảnh giác với cuộc gọi, tin nhắn chuyển tiền qua mạng, ngay cả với người thân, bạn bè.