Phim xoay quanh một nhà thổ dành cho phụ nữ chuyển giới tại một khu đèn đỏ nay không còn tồn tại.
Ở quốc gia nổi tiếng với lối sống trầm tĩnh như Singapore, một tác phẩm điện ảnh lột tả khung cảnh phố ‘đèn mờ’ đậm chất gợi cảm sống động, cùng tuyến nhân vật chính là phụ nữ chuyển giới hành nghề bán hoa - có vẻ khá khó tin. Càng khó tin hơn vì ‘đảo quốc sư tử’ hiện vẫn khan hiếm sản phẩm phim ảnh chính quy.
‘Bugis Street’ nằm trong số ít dự án màn ảnh rộng bứt phá đáng chú ý được sản xuất tại Singapore giai đoạn những năm 1990.
Ra mắt năm 1995, phim có tựa đề đặt theo tên con phố đèn đỏ nổi danh, tọa lạc giữa lòng Singapore. Bị đóng cửa từ năm 1984, ‘đường Bugis’ ngày nay đơn thuần được biết đến như một khu vực mua sắm.
‘Bugis Street’ lấy bối cảnh nhộn nhịp nhưng cũng lắm thăng trầm của xã hội Singapore thập niên 1970, tái hiện cuộc sống nơi một nhà thổ chuyên dành cho phụ nữ chuyển giới. Bộ phim, vì thế ‘khoác lên’ vẻ gợi cảm đa chiều và đa sắc thái. Cốt truyện nỗ lực khắc họa đan xen hàng loạt chủ đề phức tạp, từ mại dâm, tư tưởng tính dục, cho đến lòng nhân đạo, tình người và sự bình quyền giới tính.
Một cô giúp việc trẻ tuổi tên Lian (Lê Thị Hiệp thủ vai, người khi này vừa thành danh sau tác phẩm xuất sắc ‘Trời và Đất’ của đạo diễn Oliver Stone), do tình thế đưa đẩy, đến làm công việc dọn dẹp ở nhà thổ Sin Hotel trên đường Bugis.
Tại đây, Lian - tính cách chân thành, ngây thơ - hốt hoảng nhận ra tất cả những cô gái sống trong nhà thổ đều là người chuyển giới. Mỗi phụ nữ bán hoa Lian gặp gỡ, tuy nhiên, lại mang theo họ bài học cuộc sống đáng giá, đáng suy ngẫm, đôi lúc thậm chí khiến cô ngỡ ngàng. Kết phim, Lian rời Sin Hotel cùng những trải nghiệm và bài học ấy.
Dàn dựng ‘Bugis Street’, đạo diễn Yonfan không ngại đưa vào một số phân đoạn cảnh nóng táo bạo gồm những nhân vật chuyển giới, thêm cả hình ảnh nude toàn thân của diễn viên nam.
Ban đầu tại Singapore, để gửi đến chuyên gia kiểm duyệt, phim được gắn nhãn ‘tài liệu điện ảnh’, và cuối cùng nhận mức rating Over-21, tức chỉ dành cho khán giả trên 21 tuổi. Nếu được giới thiệu như sản phẩm thương mại (phim có bán vé), ‘Bugis Street’ nhiều khả năng đã không được phép phát hành ở Singapore.
Điều kỳ lạ hơn là, chính những nhà cầm quyền địa phương lại kỳ vọng bộ phim có thể giúp quảng bá về nền điện ảnh Singapore khi mang đi trình chiếu quốc tế.
Trong một bài phỏng vấn trên tờ The Post năm 1995, nhà sản xuất của ‘Bugis Street’, Katy Yew, cho biết, vốn dĩ từ lúc lên kế hoạch làm phim, họ đã “chủ động nhắm vào đối tượng khán giả nước ngoài”. Bà chia sẻ, mặt khác, nếu dự án lấy bối cảnh Singapore đương đại (những năm 1990), họ có thể khó lòng nhận được sự hỗ trợ tương tự từ phía kiểm duyệt.
“Giai đoạn ấy, rất nhiều khán giả bên ngoài châu lục muốn tìm hiểu đời sống người chuyển giới ở những nước Á Đông,” Yew nói. “Nhưng vì thời cuộc, người làm phim như chúng tôi chưa thể truyền tải cởi mở đề tài này. Đó là lý do chúng tôi chọn khai thác một câu chuyện quá khứ”.
‘Bugis Street’ là một trong những đề cử điện ảnh hiếm hoi tiếp cận và khai thác muôn mặt sáng-tối sống động nơi nền văn hóa Singapore. Chất ‘rực rỡ’ nhưng cũng đầy chiều sâu ở phim mang lại cảm nhận tương phản thú vị với hình ảnh nghiêm trang, tĩnh tại vốn công chúng đã quen áp đặt cho đảo quốc nổi tiếng nhất Đông Nam Á.
Như Ý (theo SCMP)