Nếu chẳng may bạn bị ‘đeo bám’ không ngừng bởi những ám ảnh kỳ quặc thuần chất tính dục, đối diện để tìm ra cách hóa giải là điều không dễ. Chúng ta đều có hình dung nhất định về sex. Tuy nhiên sẽ ra sao nếu sự liên tưởng nhạy cảm cứ kéo dài ‘bất đắc dĩ’?
Câu hỏi này trở thành tiền đề cho tác phẩm truyền hình ‘Pure’ (tạm dịch: ‘Thuần Khiết’), trình chiếu mở màn trên Channel Four (Anh) bắt đầu từ ngày 30.1. Phim lấy cảm hứng từ tựa sách cùng tên xuất bản năm 2015 của nhà văn trẻ Rose Cartwright. Cartwright mắc hội chứng ‘Pure O’, một dạng của OCD, theo đó người bệnh trải qua những suy nghĩ lấn áp lặp lại, buộc họ tư duy hoặc hành động một cách áp đặt đối với sự việc nhất định dù không chịu tác động bên ngoài. Trong trường hợp của Wright, cô không thể dừng một số suy nghĩ ám ảnh dai dẳng liên quan đến tính dục.
‘Pure’ xoay quanh Marnie, một cô gái trẻ đến London để bắt đầu cuộc sống mới, xa khỏi quê nhà Scotland. Trẻ trung, nhiệt huyết nhưng Marnie mắc chứng rối loạn tâm lý nhạy cảm - phức tạp, một hội chứng ám ảnh kỳ lạ cô không hiểu chính xác là gì. Căn bệnh khiến cô vướng vào hàng loạt rắc rối và tình huống trớ trêu khi giao tiếp.
Góp phần không nhỏ trong quá trình định hình ‘Pure’ là nữ biên kịch Kirstie Swain, người mô tả dự án như một ‘tác phẩm tâm lý hài độc đáo’. Lần đầu đọc quyển sách của Cartwright, Swain cho biết cô nhanh chóng nhận ra tiềm năng “tạo nên một tác phẩm phim kịch tính về những mối quan hệ xã hội tưởng như không thể tồn tại của một phụ nữ phải liên tục chịu đựng chứng ám ảnh tâm lý khó hiểu".
Đội ngũ sản xuất đã mất hơn 3 năm lên ý tưởng đến hoàn thiện kịch bản và dựng phim. Nhóm thậm chí chủ động liên lạc và tham khảo ý kiến từ tổ chức tham vấn tâm lý ‘Mind and OCD Action’, một địa chỉ hỗ trợ điều trị OCD uy tín tại Anh, cũng như một số bác sĩ chuyên khoa thường làm việc với bệnh nhân có triệu chứng tương tự.
Swain nói: “Chúng tôi muốn xây dựng một bộ phim chân thật, mang giá trị cảm thông đúng nghĩa dành cho những ai đang chống chọi OCD. Mặt khác, vì đây là dự án truyền hình, chúng tôi cũng đưa vào ‘chất liệu’ hài nhẹ nhàng nhằm cuốn hút khán giả hơn".
‘Pure,’ tuy nhiên, không chủ trương ‘lãng mạn hóa’ một căn bệnh tâm lý vốn cần được tiếp nhận nghiêm túc.
“Phụ nữ mắc hội chứng rối loạn tâm lý đa phần không được nhìn nhận thật sự như những bệnh nhân cần điều trị. Trên bình diện xã hội, họ thường bị quy kết như người tính cách ‘ngông cuồng’ hoặc bí ẩn, như những ‘trãi nghiệm’ mới mẻ với nam giới. Chúng tôi không muốn thể hiện thứ tư duy rập khuôn này trên phim.” Swain lý giải.
‘Pure’ chứa đựng vài trường đoạn ‘đen tối’, đáng suy ngẫm. Dẫu sex thêm vào yếu tố hài hước dễ thu hút người xem, nhưng căn bệnh rối loạn khó lường như OCD không phải một trò đùa gắn mác ‘người lớn".
Swain bày tỏ, “Bộ phim không đơn thuần lột tả sự chật vật của Marnie. Hội chứng ám ảnh cô ấy chịu đựng ảnh hưởng đến cả những người Marnie yêu thương nhất. Và bạn sẽ là ai, sẽ còn ai xung quanh, nếu chẳng may phải đối diện căn bệnh tâm lý dai dẳng?”.
“OCD hay bất kì dạng rối loạn tâm lý nào khác đều kéo theo cảm nhận cô độc, vì suy cho cùng, đấy là trãi nghiệm riêng tư với từng người. Do đó, nếu một khán giả đang chống chọi cùng căn bệnh có thể xem phim và thấy như họ vừa tìm được sự sẻ chia tinh thần, chúng tôi cũng cảm thấy mình vừa làm một điều có ích".
Như Ý (theo HuckMag)