“Theo nhiều cách, mối quan hệ giữa chúng ta với cha mẹ chính là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời chúng ta. Những ai cảm thấy mình nhận được rất nhiều từ cha mẹ thường cũng sẽ cảm thấy mình nhận được rất nhiều từ cuộc đời. Ngược lại, cảm giác mình nhận được quá ít từ cha mẹ thường chuyển thành cảm giác mình chỉ nhận được ít ỏi từ cuộc đời này”, Mark Wolynn viết trong “Nỗi đau này không thuộc về bạn”.
Cụ thể thì những khúc mắc chưa được hoá giải giữa bạn và cha mẹ có thể ảnh hưởng ra sao lên sự nghiệp và con đường thành công của bạn? Hãy cùng bác sĩ, tác giả Mark Wolynn điểm qua một vài khuynh hướng chính:
1, Việc chối bỏ cha/mẹ có thể kìm hãm thành công của chúng ta
Khi chối bỏ mẹ, ta có thể vô thức rời xa những niềm an ủi khác trong đời. Cảm giác an toàn, sự đảm bảo, cảm giác được săn sóc và chăm nom - tất cả những yếu tố gắn liền với tình yêu thương của mẹ - có thể hoàn toàn thiếu vắng trong đời ta.
“Dù sở hữu nhiều đến đâu đi nữa, ta vẫn sẽ sống với cảm giác mình chưa bao giờ có đủ”, Mark Wolynn viết.
Thái độ chối bỏ cha cũng khiến cuộc đời ta bị hạn chế không kém. Chẳng hạn, một người đàn ông chối bỏ cha mình có thể cảm thấy không thoải mái hoặc tự ti khi ở cạnh những người đàn ông khác. Thậm chí anh ta còn có thể ngần ngại hoặc miễn cưỡng khi nhận trách nhiệm làm cha…
Những khúc mắc chưa được hóa giải với cha/mẹ có thể kìm hãm cả sự nghiệp lẫn quan hệ xã hội của chúng ta. Trong tình trạng những khúc mắc trong quá khứ được phóng chiếu lên cấp trên hoặc các đồng nghiệp của mình, sự nghiệp của chúng ta khó có thể vươn xa mạnh mẽ được.
2, Ta có thể lặp lại trải nghiệm của người cha/mẹ bị ta chối bỏ
Khi ta chối bỏ cha mẹ, đôi khi ta có thể VÔ THỨC trở nên giống với họ. Những gì ta phê phán, xem là không thể chấp nhận hoặc không thể dung thứ ở cha mẹ có thể lại xuất hiện trong đời ta như một di sản không-được-mong-đợi.
Chẳng hạn, nếu ta chối bỏ người cha rượu chè be bét hoặc là một kẻ thất bại, chính ta có thể cũng bắt đầu rượu chè hoặc rơi vào thất bại giống như ông. Khi vô thức theo gót cha, ta đang lập nên một “sự gắn bó thầm kín” với ông bằng cách chia sẻ những gì bị xem là tiêu cực ở ông.
3, Lòng trung thành vô thức với thất bại
Chẳng hạn, nếu cha chúng ta thất bại trong kinh doanh nên không thể đảm bảo tài chính cho gia đình, ta có thể đứng về phía ông một cách vô thức bằng cách lặp lại chính thất bại đó. Mark Wolynn gọi hiện tượng này là “phản ứng trung thành vô thức”. Bị mắc kẹt trong sự trung thành thầm lặng này, ta có thể tự phá hủy thành công của mình, bảo đảm mình không vượt trội hơn cha.
Như Bart, một nhân viên phòng kinh doanh và là thành viên “có thành tích tệ nhất” trong đội ngũ. Anh chỉ kiếm được vừa đủ để sống qua ngày. Khi được Mark Wolynn hỏi về cha anh, anh kể rằng cha anh chỉ học đến hết lớp tám và đã sống một cuộc đời hết sức giản dị.
Khi được hỏi nếu có thật nhiều tiền thì anh sẽ làm gì, Bart trả lời anh sợ mình sẽ đánh mất “tính giản dị của cuộc sống”, một phẩm hạnh mà cha anh ca ngợi. “Sở hữu nhiều tiền có thể khiến cuộc đời ta bị giảm giá trị và trở nên phức tạp. Những điều quan trọng nhất sẽ bị mất đi”, Bart nói.
Nhìn chung, những sang chấn chưa được hóa giải, mối quan hệ với cha mẹ hay những vướng mắc với các thành viên trong gia đình từng trải qua đau khổ - tất cả đều có thể trở thành CHƯỚNG NGẠI ngăn cản ta đi đến thành công.
Nhưng một khi nhìn ra được mối liên kết giữa mình với quá khứ, là ta đã tiến được một bước quan trọng.
“Khi mọi người và mọi sự kiện đều được thừa nhận theo cách đầy tôn trọng, thì những khúc mắc chưa được hóa giải sẽ có thể ngủ yên trong quá khứ, tạo điều kiện cho chúng ta tiến lên phía trước với cảm giác tự do và thoải mái về mặt tài chính hơn”, Mark Wolynn viết.
“Nỗi đau này không thuộc về bạn”: Giải mã cách nỗi đau tâm lý ‘di truyền’ qua 3 thế hệ trong gia đình. Được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ và nằm trong top 10 cuốn sách về chấn thương hay nhất năm 2023 (Oprah Daily bình chọn). Giải Bạc Nautilus Book Award 2016.