Nếu nói hồi nhỏ tôi say mê học văn là nói… phét. Do hoàn cảnh, khi ở quê nhà Quảng Ngãi tôi đã học xong lớp 1, nhưng ra tập kết do lạ nước lạ cái nên tôi lại xin học… lớp 1. Khi sang học tại Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), tôi lại bắt đầu học... lớp 1. Ba năm chỉ học mỗi lớp 1 thì không thể nói là học sinh giỏi được.
May mà tôi mê đọc sách, mê từ nhỏ. Ở quê tôi thời kháng chiến chống Pháp lấy đâu ra sách mà đọc dù lúc đó tôi đã biết chữ. Lâu lắm thì ở nhà tôi mới xuất hiện một quyển sách. Toàn bộ là sách chính trị do bố tôi mang từ cơ quan ở tỉnh về. Tôi vồ ngay lấy mấy quyển sách này và đọc ngấu nghiến. Đọc, nhưng chẳng hiểu gì cả. Toàn sách Mác-Lênin thì hiểu thế nào được. Nhưng tôi vẫn rất thích đọc vì không còn thể loại sách nào khác.
Tôi còn nhớ có quyển sách, hình như là sách nhập môn chủ nghĩa cộng sản, tôi đã đọc thuộc lòng hàng mấy trang liền, còn giỏi hơn cả… vẹt. Nhưng đọc sách, dù bất cứ sách gì, dù đọc không hiểu, thì vẫn tốt hơn là không đọc sách. Đó là bài học đầu tiên tôi tự rút ra khi đã ở vào tuổi quá thất thập. Cứ đọc rồi thì “không bổ ngang cũng bổ… ngửa”. Cứ đọc sách, dần rồi ta cũng vỡ vạc ra điều gì.
Khi học lớp 1 ở Khu học xá Nam Ninh, tôi và bạn bè ngoài giờ học đều ngồi lì ở thư viện. Khu học xá có hai thư viện ba tầng rất lớn với rất nhiều loại sách (dĩ nhiên tiếng Việt) cho chúng tôi tha hồ đọc. Hồi đó, chúng tôi thích nhất là xem sách tranh liên hoàn, kế đến là truyện thiếu nhi rồi mới tới sách truyện. Như thế cũng phù hợp với lứa tuổi. Bây giờ, các cháu bé say mê đọc “Doraemon” và thể loại truyện tranh bao nhiêu, thì hồi đó chúng tôi cũng say mê đọc tranh liên hoàn bấy nhiêu. Cũng nhờ đọc tranh liên hoàn mà tôi biết còn có “Thủy hử” hay “Tam quốc diễn nghĩa” và “Đông chu liệt quốc”, đều là những bộ truyện Tàu kinh điển.
Năm học lớp hai, tôi bị yếu mắt nên được trường cho ra thành phố Nam Ninh chữa trị. Tôi được nằm ở bệnh viện Nam Ninh, nơi có rất nhiều cán bộ trung cao cấp Việt Nam sang điều trị. Tôi là trẻ con, nhưng cũng được đối xử khá bình đẳng vì đều là bệnh nhân. Bệnh viện có một thư viện rất tốt, và tôi tuy mắt chữa mắt chưa có tiến triển gì nhưng khoản đọc sách không ảnh hưởng. Và ở đó, bộ tiểu thuyết “Thủy hử” của Thi Nại Am đã được tôi “nghiền” tới bến. Tôi đọc tới đâu nhớ tới đó vì quá mê bộ sách này.
Khi trở lại khu học xá, bỗng một ngày tôi trở thành người chuyên kể chuyện “Thủy hử” cho cả lớp nghe. Hồi đó chúng tôi học chính khóa buổi sáng, buổi chiều chơi thể thao hoặc lao động như trồng rau... Tối hôm nào được sinh hoạt lớp thì tập trung lên lớp nghe thầy giáo kể chuyện… ma hoặc chuyện tình báo. Chúng tôi mê tít cả chuyện ma lẫn chuyện tình báo, nhất là chuyện cụ tình báo Tạ Đình Đề hai tay hai súng lục đi vào doanh trại giặc như vào chỗ không người, bao lần cõng Bác Hồ thoát vòng hiểm nguy. Ngoài những đêm sinh hoạt lớp, chúng tôi ở nhà chả có việc gì làm. Thế là bỗng dưng tôi trở thành người kể chuyện. Lúc đó tôi thuộc “Thủy hử “ nằm lòng, kể vanh vách từng chương từng hồi. Cứ mỗi đêm, sau khi làm vệ sinh buổi tối, cả lớp lại xúm xít quanh mấy chiếc giường hai tầng nghe tôi kể chuyện “Thủy hử”.
Tôi không dám chắc mình kể có hấp dẫn không, nhưng tôi bảo đảm mình kể chính xác như… sách. Các bạn tôi cứ gọi là mê đi theo số phận từng nhân vật anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc, qua từng chương hồi tôi kể có chất “rất Thủy hử”. Bây giờ ngẫm lại, tiểu thuyết “Thủy hử” đã ảnh hưởng nhiều tới tính cách cũng như những ứng xử của tôi trong cuộc đời. Căm thù bọn Trung Quốc xâm lược, nhưng tôi yêu “Thủy Hử”. Cho tới mãi về sau, khi đã vào chiến trường Nam Bộ, tôi vẫn còn nhớ và kể “Thủy hử” cho đồng đội mình nghe trong những đêm rừng hoang lạnh. Có rất nhiều quyển sách đã đi qua đời tôi, nó bồi bổ cho tôi những gì tôi không biết và chắc chắn đó là những điều tốt.
Khi lớn lên, học cấp 3 trường Chu Văn An, tôi có điều kiện đọc nhiều sách hơn, còn với giờ văn tại lớp tôi vẫn không thật chú ý lắm. Tuy vậy, nhờ đọc sách mà tôi viết văn khá trôi chảy. Cô giáo thường ra những bài tập làm văn ngay tại lớp và chúng tôi phải hoàn thành nó trong vòng 2 giờ. Với bài tập làm văn, có lẽ khó nhất là đoạn mở bài. “Đầu xuôi thì đuôi lọt”. Tôi viết mở bài khá nhanh và thường viết giúp đoạn mở bài cho từ hai tới ba bạn ngồi gần mình. Mở bài thì không cần viết nhiều lắm, chỉ dăm ba dòng là được. Cô giáo cũng không để ý vì tôi viết mỗi mở bài mỗi khác. Biết đâu những chuyện trẻ con ấy sau này lại có thể giúp tôi trong sáng tác? Tôi cũng không biết.
Môn Văn, dù không thật thu hút, nhưng vẫn là môn khá dễ chịu với tôi. Còn nhớ khi tôi thi tốt nghiệp lớp 10 (bây giờ là tốt nghiệp trung học), trong đề Văn (hai đề chọn một) có đề về quyển bút ký “Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc” của nhà văn Anh Đức. Tôi chọn đề này vì đã đọc quyển sách ngay khi nó vừa được xuất bản. Tôi còn nhớ khá rõ từng đoạn văn trong quyển sách ấy, nhờ thế đã trích dẫn khá nhiều nên bài văn sinh động hẳn lên. Đọc sách có lợi thế đấy! Dường như nhờ kết quả thi tốt nghiệp môn Văn đạt điểm cao (5 điểm), tôi đã được chọn vào học ở khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là năm đầu tiên miền Bắc không tổ chức thi đại học do chiến tranh phá hoại đang ác liệt. Thí sinh được chọn và tuyển thẳng vào các trường đại học thông qua bảng điểm mấy năm học cấp 3 và điểm thi tốt nghiệp trung học. Với hình thức xét tuyển như thế, được thực hiện rất công tâm, chất lượng sinh viên đại học những năm chiến tranh ấy vẫn rất ổn.
Học văn, nghĩ cho cùng, bắt đầu từ… đọc văn. Đọc văn học, đọc sách. Học sinh bây giờ không có thời gian đọc sách... vì mải lo học thêm. Đó thực sự là điều rất thiệt thòi cho các em. Mỗi quyển sách hay, mỗi quyển sách kinh điển chính là một người thầy, nó dạy ta còn nhiều hơn những gì ta có thể học tại lớp. Nếu hỏi hồi nhỏ tôi học văn thế nào, thì xin thưa là tôi học từ… sách. Biết đâu, đó cũng là một cách tự học tốt.
Sau này khi vừa giải phóng, nhờ mê sách, hay đi lang thang mua sách cũ bán “xon” ở vỉa hè đường Lê Lợi hay Nguyễn Huệ, mà tôi quen với nhiều trí thức Sài Gòn. Họ thấy chúng tôi là quân giải phóng mà cứ chọn mua sách, chứ không lo đi mua hàng hóa lúc ấy đang tràn ngập cơ man nào trên các phố, nên họ đâm lạ và thích. Sách giúp tôi quen biết với nhiều người bạn, từ bạn trong sách tới bạn ngoài sách. Bây giờ, Sài Gòn đã có “đường sách” ngay sát bên Bưu điện thành phố, và đó thật sự là một tụ điểm văn hóa đẹp đẽ của thành phố này. Tôi đã gặp ở đó rất nhiều học sinh, nhiều bạn trẻ. Họ cho tôi niềm tin về giá trị vĩnh hằng của sách. Dĩ nhiên bây giờ có thể đọc sách trên mạng, nhưng đọc sách in trên giấy vẫn có cái thú vị riêng, tuyệt đối riêng của nó.