Mâu thuẫn con người
Giả sử Liz nói với Mollie rằng: “Gửi bản thảo chương này cho biên tập viên ngay bây giờ thì thật ngu ngốc”, và Mollie phản pháo: “Bạn không bao giờ coi trọng đề xuất của tôi”, thì thứ ban đầu nảy sinh như một mâu thuẫn sự vụ có thể hóa thành mâu thuẫn con người (cũng tức là tạm biệt sự an toàn tâm lý).
Văn hóa đại chúng đầy rẫy những ví dụ về các đội ngũ mà mâu thuẫn cá nhân bỗng bùng nổ thành bê bối công khai. Một thành viên trong ban nhạc Eagles từng tuyên bố thẳng thừng với một thành viên khác rằng: “Chỉ còn ba bài hát nữa là tao có thể cho mày một trận” – ban nhạc chẳng tái hợp trên sân khấu lần nào trong hơn một thập niên. Và dàn diễn viên của sê-ri phim truyền hình nổi tiếng Seinfeld cảm thấy khó hợp tác với Heidi Swedberg – nữ minh tinh đảm nhận vai Susan Ross, vợ chưa cưới của George – đến nỗi họ đã thuyết phục nhà sản xuất Larry David khai tử nhân vật này.
Thật dễ dàng để “đóng mác” một mâu thuẫn con người như một mối tương xung hiển nhiên không thể dung hòa, nhưng thực ra nó có thể được giải quyết êm thấm chỉ nhờ vào việc lắng nghe lẫn nhau. Ví dụ, bạn hoặc là người Truy kích (bạn thích tranh luận) hoặc là người Lảng tránh (bạn thà ăn một con ốc sên còn hơn là phải đụng độ ai). Hai dạng người này vướng vào rắc rối khi người Truy kích khởi sự một quy trình đối đầu, giành lợi thế bằng lời lẽ nhằm mục đích sát hạch ý tưởng (chẳng hạn: “Sao bạn không nghĩ rằng…”, “Đề xuất đó không hợp lý chút nào”, hay đơn giản là “Bạn sai rồi”). Để tránh cảm xúc tổn thương giữa người Truy kích và người Lảng tránh, hãy thảo luận về phong cách giao tiếp của mỗi người và thống nhất cách cả nhóm giải quyết mâu thuẫn.
Lập tức chỉ ra khiếm khuyết trong ý tưởng của một ai đó thì có ổn không, hay lời phê bình nên được truyền tải ý nhị hơn? Trong những thời điểm không thể tránh khỏi sự đụng độ của hai dạng tính cách này, người Lảng tránh cần nhớ rằng người Truy kích không chủ ý dùng lời nhận xét như một đòn sỉ nhục cá nhân. Và người Truy kích nên tự nhắc mình rằng các cuộc tranh luận mang tính đối đầu có thể khiến người khác không muốn bày tỏ ý kiến nữa.
Cách tốt nhất là không làm gì cả
Khi bạn có mâu thuẫn trong nội bộ nhóm, sự xác nhận cảm xúc sẽ tạo điều kiện cho an toàn tâm lý (bạn có thể tái định nghĩa lại mọi xung đột như là những đấu tranh trên con đường xác nhận cảm xúc). Sự bất đồng chỉ gây ra tổn thương khi sự tôn trọng lẫn nhau chưa được thiết lập.
Kể từ giờ, nếu có điều muốn nói, hãy bày tỏ nó (một cách nhẹ nhàng)! Khi chia sẻ một góc nhìn trung thực, “bạn sợ rằng người ta sẽ tức giận hoặc ghim trong lòng”, Kim Scott đã viết như vậy trong cuốn Radical Candor (tạm dịch: Thẳng thắn từ gốc rễ). “Nhưng thật ra, người ta thường cảm kích khi có cơ hội ngồi lại minh bạch với nhau”. Mặc khác, một trong những điều thiếu tôn trọng nhất mà bạn có thể làm chính là xem người khác như kẻ vô hình – và sự xác nhận giúp họ có được cảm giác hiện hữu.
Hãy ý thức rằng những người bất đồng ý kiến với ta cũng là con người và có những nhu cầu rất người. Paul Santagata, nhà điều hành cấp cao của Google, dẫn dắt đội ngũ của mình thực hiện một hoạt động mang tên “Giống như tôi” (Just like me), cụ thể là ông yêu cầu các thành viên trong lúc tranh luận phải nhớ những điều sau:
Người này cũng có những niềm tin, quan điểm và ý kiến của riêng họ, giống như tôi vậy; Người này cũng có những hy vọng, lo âu và những mặt yếu mềm của họ, giống như tôi vậy; Người này mong muốn được tôn trọng, được đánh giá đúng và cảm thấy bản thân có giá trị, giống như tôi vậy.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đã nỗ lực giao tiếp và thể hiện sự công nhận nhưng đồng nghiệp vẫn khiến bạn phát điên? Cách tốt nhất chính là không làm gì cả. Đừng khơi mào lại một cuộc thảo luận đã đi vào bế tắc. Bạn sẽ có nguy cơ lặp lại bổn cũ và khiến các mâu thuẫn mang tính cá nhân càng tồi tệ hơn. Tốt hơn hết là hãy hít một hơi thật sâu và nhận ra rằng việc đối đầu sẽ không cho bạn thứ bạn muốn. Nên nhận thức được rằng sự hỗn loạn và mâu thuẫn ở mức độ nào đó là một phần không tránh khỏi, và cố gắng ít chú ý đến đồng nghiệp của bạn hơn để tập trung hơn vào việc bạn đang thực hiện.
Một nhận xét cuối về vấn đề xung đột: Chúng ta đều ghét lời khuyên “Đừng mang cơn giận vào giấc ngủ”. Cứ lên giường với cơn giận đi! Các cảm xúc như đố kỵ, giận dữ hay bức bối sẽ bóp méo góc nhìn của bạn về hiện thực. Hầu như có rất ít mâu thuẫn cần được giải quyết tức thì. Hãy tạm nghỉ một chút và quay trở lại bàn luận sau.
Theo Thức dậy muốn đi làm
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về cuốn sách Thức dậy muốn đi làm của bộ đôi tác giả Liz Fosslien và Mollie West Duffy do First News chuyển ngữ phát hành. Nhập mã ưu đãi TRAMDOCT1021 giảm thêm 10% khi mua sách tại Tiki Trading . Và mã FN2021 giảm 15% gói VIP nghe sách nói VoizFM; hoặc thêm 5% khi mua 1 tựa sách nói tại đây. Thời hạn áp dụng mã khuyến mãi đến 15/11/2021.