Nếu không chấp nhận hoàn cảnh hiện tại, bạn sẽ trở nên bất an
Bạn chỉ có thể đạt được tâm thế tự do và yêu thương khi biết chấp nhận vị trí hiện tại của mình, tin tưởng vào quá trình rèn luyện của bản thân, đặt ra những kỳ vọng thực tế và hiểu rõ bản thân – tức là khi bạn có nền tảng vững chắc.
Trong khi đó, tâm thế sợ hãi và bị trói buộc xuất hiện khi bạn hoài nghi, phủ nhận hoặc kháng cự thực tại của mình; khi bạn cảm nhận được nhu cầu, hoặc trong một số trường hợp là sự cưỡng bách, phải đến được một nơi nào đó khác vị trí hiện tại, hoặc trở thành một người nào đó không phải là chính bạn. Khi bạn tự lừa dối bản thân về tình trạng của mình, sự hoài nghi và nỗi bất an gần như luôn xuất hiện. Bạn sẽ chuyển từ tâm thế giành chiến thắng sang giữ cho mình không bị đánh bại.
Các nhà tâm lý học gọi đây là sự khác biệt giữa tư duy “nhìn lên” (nỗ lực vượt trội hơn người khác) và tư duy “nhìn xuống” (cố gắng không kém hơn người khác là được). Khi tư duy theo hướng nhìn lên, bạn tham gia cuộc chơi để giành chiến thắng, tập trung vào những phần thưởng mà bạn có được khi thành công. Bạn sẽ dễ hòa mình vào hiện tại hơn và tiến vào trạng thái xuôi theo dòng chảy của cuộc sống. Ngược lại, khi tư duy theo hướng nhìn xuống, bạn tập trung vào việc tránh phạm sai lầm và thoát khỏi rủi ro. Bạn liên tục đề phòng các mối đe dọa và các vấn đề có thể phát sinh, bởi từ sâu thẳm bên trong, bạn biết mình không thuộc về nơi này hoặc vị trí hiện tại này của mình.
Một nghiên cứu do Đại học Ken ở Anh thực hiện cho thấy khi các vận động viên thi đấu với tư duy giành chiến thắng, họ có khuynh hướng thi đấu tốt hơn mong đợi và vượt xa khả năng thường thấy của mình. Ngược lại, tư duy tránh thua cuộc thường gây bất lợi cho các vận động viên.
Mặc dù những nghiên cứu này tập trung vào các vận động viên, nhưng khuôn mẫu tương tự cũng xuất hiện ở những nhà quản trị, doanh nhân và các bác sĩ. Khi một người đánh lừa bản thân và không chấp nhận hoàn cảnh hiện tại của mình, họ trở nên nghi ngại và bất an. Khi một người thành thật với bản thân và chấp nhận thực tại của mình, họ sẽ đạt được cảm giác tự tin âm thầm mà vững chãi.
Nhà hoạt động dân quyền và nữ quyền Audre Lord chính là hiện thân cho thái độ tự tin này. Lord đã đấu tranh không mệt mỏi để chống lại nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và chống người đồng tính. Bất cứ khi nào nhìn thấy nạn phân biệt, bà đều không ngại lên tiếng vạch trần. Cũng chính vì vậy mà bà thường xuyên bị công kích bởi một xã hội không muốn "vạch áo cho người xem lưng". Dẫu vậy, các tác phẩm của Lorde vẫn luôn truyền tải thông điệp tràn đầy hy vọng. Bà đã viết bằng sức mạnh và tình yêu thương dù tình huống trước mắt rất dễ khiến người ta viết ra những lời tuyệt vọng.
Lấy tình yêu thương làm động lực
Trong tác phẩm Sister Outsider xuất bản năm 1984, bà viết: “Một khi tôi đã chấp nhận điều gì ở bản thân, không ai có thể lấy điều đó ra để hạ thấp tôi”. Sự chấp nhận của bà không phải là một cách để rũ bỏ trách nhiệm hay ngừng nỗ lực, cũng không phải là quy phục. Thay vào đó, bà đã nhận được những điều ngược lại khi chấp nhận bản thân và tình cảnh của những người bị phân biệt đối xử. Thái độ chấp nhận đã giúp bà sống hiên ngang với một trái tim rộng mở, cho bà thêm động lực để tiếp tục đấu tranh vì chính nghĩa, ngay cả khi đó là một trận chiến không cân sức.
Một ví dụ khác về sự chấp nhận và lấy tình yêu thương làm động lực đã diễn ra ở giai đoạn đầu đại dịch COVID-19, vào mùa xuân năm 2020. Giữa lúc phải đối mặt với quá nhiều nỗi đau đớn và khổ sở, trong khi hệ thống y tế đang ở bên bờ vực quá tải, bác sĩ Craig Smith, Chủ tịch Khoa Ngoại Bệnh viện Irving Đại học Columbia, đã gửi bản tin cập nhật hằng ngày đến đội ngũ nhân viên của mình nhằm thông báo những vấn đề cần ưu tiên cũng như cách ứng phó với dịch bệnh.
Trong những bản tin đó, Smith không vòng vo hay nhận định tình hình qua lăng kính màu hồng, các bản cập nhật của ông thể hiện thái độ chấp nhận, sự trung thực và một quyết tâm không dễ lay chuyển, nhưng đồng thời cũng tràn ngập tình yêu thương. Chính nhờ vậy những bản tin đó đã góp phần cổ vũ tinh thần đánh bại dịch bệnh ở một trong những thời điểm cam go nhất của lịch sử hiện đại.
Một trong số bản tin của ông, viết vào ngày 20/3/2020: "Trong vài tuần sắp tới, sẽ không có gì khiến tôi vui sướng hơn việc được rối rít xin lỗi mọi người vì đã lo lắng thái quá về mối nguy mà chúng ta đang phải đối mặt… Nhưng viễn cảnh một hoặc hai tháng sắp tới sẽ rất kinh hoàng nếu hiện tại chúng ta xem nhẹ dịch bệnh này. Vậy chúng ta có thể làm gì? Chất thuốc men lên xe, kiểm tra dây cương, cho Balto ăn no và rẽ tuyết tiến lên. Chúng ta phải đến được Nome (Balto là chú chó đã dẫn đầu một đoàn chó kéo xe mang kháng sinh về cứu các em nhỏ bị dịch bạch hầu ở thị trấn Nome, bang Alaska vào năm 1925). Hãy nhớ rằng gia đình, bạn bè, hàng xóm của chúng ta đang rất sợ hãi, cô độc, không có việc làm và cảm thấy bất lực. Những người làm việc trong ngành y tế vẫn đang có khả năng hành động. Đó là một đặc quyền! Chúng ta phải tiến lên."
Các bản tin của bác sĩ Smith đã được lan truyền trong các bệnh viện trên khắp nước Mỹ. Tầm nhìn của ông đã giúp nước Mỹ dự đoán được cơn bão đầu tiên của đại dịch COVID-19. Đáng buồn thay, thái độ phủ nhận, chối bỏ, ảo tưởng và chủ nghĩa cá nhân anh hùng khó sửa chữa của quá nhiều nhà lãnh đạo khác đã khiến đại dịch kéo dài dai dẳng, gây ra những hậu quả khủng khiếp và rất nhiều bi kịch.
Không may là nền văn hóa ngày nay đang có khuynh hướng thúc đẩy con người theo hướng không chịu chấp nhận cũng như hành động để né tránh hoặc vì sợ hãi. Lối tư duy này khiến chúng ta luôn khao khát những kết quả cụ thể và có thể định lượng, bởi vì theo lối tư duy này, chỉ khi đạt được những kết quả như vậy thì chúng ta mới có giá trị và trọn vẹn. Tuy nhiên, khao khát này không giúp tạo ra thành tích đỉnh cao mà lại thường dẫn đến chứng lo âu, trầm cảm, kiệt sức vì công việc và những hành vi ứng xử trái đạo đức. Chính nỗi căng thẳng và áp lực khi phải mang vác gánh nặng này khiến chúng ta khổ sở.
Chỉ khi nào hoàn toàn chấp nhận năng lực và hoàn cảnh của mình thì bạn mới có thể hành động với tâm thế tự do và tinh thần giành chiến thắng. Sự chấp nhận có thể giúp chúng ta cảm thấy như được tháo bỏ gông cùm sau nhiều năm bị trói buộc.