Vào lúc tập đầu tiên của cuốn sách này được xuất bản, cuộc bầu cử Mỹ lại diễn ra, và dù tin rằng hiểm hoạ đang rất lớn, tôi cũng không biết có cuộc bầu cử đơn lẻ nào có thể giải quyết được vấn đề. Sở dĩ tôi vẫn còn hy vọng, đó là bởi tôi đã học được cách đặt niềm tin vào đồng bào của mình, đặc biệt là những người thuộc thế hệ kế tiếp, mà niềm tin của họ vào giá trị bình đẳng của tất cả mọi người dường như xuất phát từ bản chất thứ hai và họ là những người luôn kiên quyết hiện thực hóa những nguyên tắc ấy, những nguyên tắc mà cha mẹ và thầy giáo của họ nói với họ là đúng nhưng có lẽ bản thân những người ấy chưa bao giờ tin tưởng hoàn toàn. Hơn ai hết, cuốn sách này là dành cho những người trẻ tuổi đó - một lời mời gây dựng lại thế giới một lần nữa, và mang đến một nước Mỹ sau rốt sánh ngang với tất cả những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta, bằng sự cần cù, quyết tâm và trí tưởng tượng phong phú.
“Chúng ta khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, đó là mọi người sinh ra đều bình đẳng" - đấy là nước Mỹ của tôi. Nước Mỹ mà mà Tocqueville từng viết, miền quê của Whitman và Thoreau, nơi không có ai là thấp hèn hơn hay quý phái hơn tôi; nước Mỹ của những người tiên phong tiến về phía tây để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc của những di dân đặt chân lên đảo Ellis, được thôi thúc bởi khát vọng tự do.
Niềm tin rằng phân biệt chủng tộc không phải là bất biến có lẽ cũng giúp giải thích cho sự sẵn sàng của tôi trong việc bảo vệ tư tưởng nước Mỹ: đất nước này đã là cái gì và nó có thể trở thành cái gì.
Tôi không muốn trở thành người khẩn cầu, luôn ở bên rìa của quyền lực và cầu xin ơn mưa móc từ các ân nhân có đầu óc phóng khoáng, hay là một người phản đối trường kỳ, đầy những uất hận chính đáng trong lúc chúng ta chờ đợi nước Mỹ da trắng ăn năn với tội lỗi. Cả hai con đường đó người ta đều đã đi mòn; cả hai, ở cấp độ nền tảng nào đó, đều là hệ quả của nỗi tuyệt vọng. Không, mấu chốt là phải thắng. Tôi muốn chứng minh với người Da đen, với người da trắng - với người Mỹ thuộc mọi màu da - rằng chúng ta có thể vượt qua cái lôgic cũ xưa đó, rằng chúng ta có thể tập hợp được một đa số đủ lớn xung quanh một chương trình hành động tiến bộ, rằng chúng ta có thể đặt các vấn đề như bất bình đẳng hoặc thiếu cơ hội học hành vào chính giữa cuộc tranh luận quốc gia và từ đó thực sự xiển dương điều tốt.
Tôi muốn coi những người Mỹ da trắng là đồng minh chứ không phải là vật cản của đổi mới, tôi muốn diễn đạt cuộc đấu tranh của người Mỹ gốc Phi dưới hình thái một cuộc đấu tranh rộng lớn hơn vì một xã hội công bằng, công lý và bao dung.
“Chúng ta không thể bước đi đơn độc.” Tôi đã không nhớ những dòng cụ thể ấy từ diễn văn của Tiến sĩ King. Nhưng khi đọc to những dòng ấy lúc tập, tôi đã nghĩ về tất cả những tình nguyện viên Da đen lớn tuổi mà tôi từng gặp tại các văn phòng vận động tranh cử của chúng tôi trên toàn quốc, cách mà họ nắm chặt lấy tay tôi và nói với tôi rằng họ chưa bao giờ nghĩ một ngày nọ họ có thể thấy một người Da đen có cơ hội thực sự trở thành tổng thống.
Vượt ra khỏi khuôn khổ bất cứ chính sách cụ thể nào, tôi muốn khôi phục lại trong tâm trí người dân Mỹ vai trò thiết yếu mà chính phủ đã luôn đảm nhiệm trong việc mở rộng cơ hội, khuyến khích cạnh tranh và đối xử công bằng, cũng như đảm bảo rằng thị trường mang lại lợi ích cho mọi người.
Niềm cảm hứng mà chiến dịch vận động của chúng tôi tạo ra, việc chứng kiến rất nhiều người trẻ tuổi đầu tư mới vào năng lực của họ để tạo ra thay đổi, việc đưa người Mỹ vượt qua ranh giới chủng tộc và kinh tế xã hội để xích lại gần nhau - đó chính là quá trình hiện thực hóa mọi thứ mà tôi từng mơ có thể diễn ra trong chính trị và nó khiến tôi tự hào. Nhưng việc tiếp tục nâng tôi lên thành biểu tượng lại trái với bản năng của nhà tổ chức ở trong tôi, vốn cho rằng thay đổi phải là “chúng ta” chứ không phải là “tôi”. Cũng chính sự lạc mất phương hướng mang tính cá nhân đòi hỏi tôi phải liên tục suy xét để đảm bảo rằng tôi không được mê mụ trò quảng cáo thổi phồng và nhắc nhở bản thân về khoảng cách giữa một hình ảnh được sơn phết kỹ lưỡng với cái con người có khiếm khuyết và hay do dự là tôi.
“Họ không nổi tiếng. Tên của họ không có trên mặt báo. Nhưng mỗi ngày và mọi ngày, họ làm việc chuyên cần. Họ chăm lo cho gia đình. Họ hy sinh cho con cháu. Họ không đi tìm ánh hào quang cho bản thân - tất cả những gì họ phấn đấu thực hiện là làm điều đúng đắn. Trong đám đông này, có rất nhiều người anh hùng thầm lặng như thế - Những người cha, người mẹ, người ông, người bà đã làm việc chăm chỉ và tận hiến suốt cuộc đời. Và điều khiến họ mãn nguyện là chứng kiến con cái, có thể cả cháu chắt sống một cuộc sống tốt hơn thời của họ. Đó chính là những điều cơ bản của nước Mỹ. Đó chính là những điều chúng ta đấu tranh để đạt đến.”
Cử tri đón nhận thông điệp của tôi - vì nó nghe có vẻ khác biệt; trong khi họ đang khao khát sự khác biệt; vì chiến dịch của tôi đã không phụ thuộc vào sự ủng hộ từ các nhóm lợi ích theo các loại thông thường và những tay môi giới quyền lực, những thứ có thể buộc tôi phải tuân theo một đường lối chính thống chặt chẽ của đảng; vì tôi mới mẻ và bất ngờ, một tấm toan vẽ còn trắng tinh mà trên đó người ủng hộ thuộc về các hệ tư tưởng khác nhau có thể vẽ lên cách nhìn của chính họ về sự thay đổi.
Lựa chọn con người phản ánh lựa chọn chính sách, và với mỗi lựa chọn, khả năng những cơn ảo mộng vỡ tan càng lớn thêm.
Được biết đến. Được lắng nghe. Để bản sắc độc nhất của mình được nhận thấy và ghi nhận giá trị. Tôi cho rằng đó là khát khao phổ quát của nhân loại, đúng với các quốc gia, các dân tộc và cả mỗi cá nhân. Sở dĩ tôi hiểu được sự thật cơ bản đó hơn một số vị tiền nhiệm có lẽ là do tôi đã dành một phần tuổi thơ sống ở nước ngoài và có gia đình ở những nơi từ lâu được coi là “lạc hậu” và “kém phát triển”. Hoặc cũng có thể xuất phát từ việc là một người Mỹ gốc Phi, tôi đã trải nghiệm hoàn cảnh không hoàn toàn được nhìn nhận ở ngay trên đất nước của mình.
Những người trẻ tuổi mà tôi gặp trong các cuộc giao lưu là một nguồn cảm hứng liên tục cho bản thân tôi. Họ khiến tôi cười, lúc khác lại làm tôi rơi nước mắt. Bằng lý tưởng của mình, họ gợi cho tôi nhớ tới những người tổ chức và tình nguyện viên trẻ tuổi đã giúp tôi tiến tới cương vị tổng thống, và mối ràng buộc mà chúng ta cùng sẻ chia vượt qua ranh giới chủng tộc, dân tộc và quốc gia một khi chúng ta biết cách xua đi nỗi sợ. Cho dù có những lần bước vào các cuộc gặp gỡ đó với cảm giác bực bội và nản lòng, thì khi bước ra tôi luôn cảm thấy như mình vừa được nạp năng lượng, như vừa được ngâm mình trong một dòng suối mát lành giữa rừng. Tôi tự nhủ, chừng nào còn những nam nữ thanh niên này trên hành tinh, trước đó vẫn còn đủ lý do để hy vọng.
Khi bạo lực leo thang, sự lên án của tôi cũng gia tăng. Tuy nhiên, cách tiếp cận thụ động ấy không ổn cho tôi chút nào - không chỉ bởi tôi phải nghe phe Cộng hòa kêu ca rằng tôi quá yếu mềm với một chế độ giết người. Tôi đã ngộ ra một bài học khó khăn nữa của việc làm tổng thống: rằng trái tim tôi bị trói buộc giữa những cân nhắc chiến lược và những phân tích chiến thuật, quyết tâm của tôi đối mặt với những tranh luận phản trực giác; rằng trong cái văn phòng quyền lực nhất hành tinh, tôi có ít tự do để nói điều tôi muốn và làm điều tôi cảm thấy cần làm hơn lúc còn là một thượng nghị sĩ hoặc lúc là một công dân bình thường phẫn nộ trước hình ảnh của một cô gái trẻ bị bắn chết.
Những bất ổn trong hệ thống Xô Viết đối với tôi là biến thể của một bi kịch lớn hơn của nhân loại: Con đường mà các lý thuyết trừu tượng và các chủ thuyết cứng nhắc chuyển hóa thành áp bức. Chúng ta đã biện minh cho sự thỏa hiệp về đạo đức và sự từ bỏ quyền tự do dễ dàng nhường nào. Cách thức mà quyền lực có thể làm tha hóa, nỗi sợ có thể dồn tụ và ngôn ngữ có thể bị phá hoại. Tôi cho rằng những thứ đó không phải là đặc sản của Liên Xô hay Cộng sản; nó cũng đúng với tất cả chúng ta. Cuộc đấu tranh can trường của những người bất đồng chính kiến phía sau Bức màn Sắt không tách biệt, mà là một phần của một cuộc đấu tranh rộng lớn hơn, vì phẩm giá nhân loại diễn ra ở những nơi khác trên thế giới bao gồm cả nước Mỹ.