Như lời của J.Krishnamurti - một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất thế kỷ 20 - đã nói trong cuốn sách “Đôi điều cần suy ngẫm”: “Khi còn là một người học trò, ta muốn được hạnh phúc trong khi chơi đùa, khi học tập, trong khi làm những điều nhỏ nhặt mà chúng ta thích làm. Rồi khi ta lớn hơn, ta tìm hạnh phúc trong những sự chiếm hữu, trong tiền bạc, trong việc có được một ngôi nhà xinh, một người vợ hay người chồng biết đồng cảm, một công việc tốt. Khi những thứ ấy không còn làm ta thỏa mãn nữa, ta chuyển sang thứ khác. Ta nói: ‘Ta phải xả chấp thì mới hạnh phúc’. Vậy là ta bắt đầu tập xả chấp. Ta lìa bỏ gia đình, từ bỏ mọi của cải, lui về sống ẩn dật. Hoặc ta gia nhập vào một đoàn thể tôn giáo vì nghĩ rằng ta sẽ được hạnh phúc bằng cách cùng nhau sống và thảo luận về tình anh em, bằng cách đi theo một lãnh tụ, một guru, một đức thầy, một lý tưởng”.
Ấy thế mà chúng ta lại không nhận ra rằng tìm kiếm hạnh phúc là một trong những điều phi lý nhất. Chúng ta lầm tưởng rằng hạnh phúc là một đích đến. Nhưng thực tế, hạnh phúc chính là “một trạng thái tự nhiên của con người khi không còn đối kháng với cuộc sống”. Hay nói cách khác, hạnh phúc chỉ xuất hiện khi bạn không tìm kiếm nó.
“Hạnh phúc lạ lùng lắm; nó đến khi bạn không tìm kiếm nó. Khi bạn không cố gắng để hạnh phúc, thì nó đến, không mong đợi, một cách bí mật, được sinh ra từ sự thuần khiết, từ tình yêu cuộc sống … Không thể có hạnh phúc chừng nào bạn còn sợ cha mẹ, thầy cô của bạn, sợ thi rớt, sợ không tiến bộ, không đến được gần hơn với đức thầy, không đến được gần hơn với chân lý, hoặc sợ không được ủng hộ, không được động viên, hỗ trợ. Nhưng nếu bạn thực sự không sợ bất cứ điều gì, thì bạn sẽ thấy - khi bạn thức dậy vào một buổi sáng hoặc khi bạn đi dạo một mình - đột nhiên một điều lạ lùng xảy đến: không mời gọi, không van nài, không trông chờ, cái điều có thể gọi là tình yêu, chân lý, hạnh phúc, đột nhiên xuất hiện ở đó” - Krishnamurti nhìn nhận.
Đúng như tiêu đề của sách, quan điểm về hạnh phúc của Krishnamurti khiến người đọc phải suy ngẫm ít nhiều vì nó đi ngược lại với những gì chúng ta thường thấy và biết đến. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc tái định nghĩa về giá trị của hạnh phúc, Krishnamurti còn khơi gợi cho chúng ta cách sống trọn vẹn trong cảm xúc thiêng liêng ấy. Như khi nói về hình thái của hạnh phúc, ông cho rằng đó không phải là những khoảnh khắc vui vẻ thoáng qua hay sự thỏa mãn tạm thời từ vật chất; thay vào đó, hạnh phúc là một trạng thái của tâm trí, một sự bình an nội tại và sự hiểu biết sâu sắc về chính con người mình ở thời điểm hiện tại.
Xuyên suốt những trang sách “Đôi điều cần suy ngẫm”, Krishnamurti không đưa ra bất kỳ giải pháp cụ thể hay công thức cố định nào để độc giả đạt được hạnh phúc. Thay vào đó, ông khuyến khích mỗi người tự khám phá và tự trải nghiệm. Bởi lẽ, ông cho rằng hạnh phúc không thể đạt được qua sự theo đuổi bên ngoài mà phải xuất phát từ sự tự khám phá, tự nhận thức sâu sắc và tự soi chiếu về chính bản thân mình.
Và cũng vì không đóng khung một cách nào để con người tìm kiếm giá trị đích thực của hạnh phúc nên “Đôi điều cần suy ngẫm” là một quyển sách có giá trị đọc không chỉ một lần. Bởi mỗi thời điểm bạn đọc, bạn sẽ cảm nhận được những giá trị tinh thần riêng khi nói về hạnh phúc và hành trình tìm kiếm nó.