“Kiến thức bị mắc kẹt trong những cuốn sách được xếp gọn gàng sẽ là vô nghĩa, cho đến khi nó được áp dụng để cải thiện cuộc sống.” - Ratna Kusnur
Năm 2017, tôi đã đọc được cuốn sách thay đổi cuộc đời. Kể từ đó, đọc sách trở thành thói quen mà tôi rất thích. Tuy nhiên, cách đây không lâu, tôi tình cờ đọc được câu nói này của Ratna Kusnur, tôi bắt đầu đặt câu hỏi về sức mạnh của sách: “Kiến thức bị mắc kẹt trong những cuốn sách được xếp gọn gàng sẽ là vô nghĩa, cho đến khi nó được áp dụng để cải thiện cuộc sống.”
Phải thừa nhận rằng tôi rất tâm đắc với câu nói ấy. Trước khi xây dựng doanh nghiệp đầu tiên của mình, tôi đã đọc hàng chục cuốn sách về từng giai đoạn trong kinh doanh nhưng khi bắt đầu đầu, việc quan trọng nhất là thực hiện.
Đúng vậy, đọc sách có thể là con đường nhanh chóng dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc hơn, sung túc hơn, khôn ngoan hơn. Nhưng đó là khi bạn biết áp dụng những bài học từ những nhà tư tưởng vĩ đại nhất vào cuộc sống, còn không thì đọc sách chỉ là trò giải trí mà thôi.
Dưới đây là những lời khuyên như một cách để tự thử nghiệm áp dụng những gì bạn đọc vào cuộc sống của mình, từ đó có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, những lời khuyên này không áp dụng cho sách hư cấu, mà dành cho những cuốn sách phi hư cấu.
“Kiến thức không phải là sức mạnh cho đến khi nó được áp dụng.” — Dale Carnegie
Bạn không thể áp dụng những kiến thức không liên quan. Nếu đọc những cuốn sách không liên quan đến hoàn cảnh, bạn sẽ không có cách nào có thể tích hợp kiến thức mới.
Tôi đã rơi vào cái bẫy này nhiều lần. Tôi sẽ mua những cuốn sách mà người cố vấn của tôi khuyên nên đọc. Hồi năm 2016, tôi đã dành hàng giờ để tìm hiểu cuốn “Principles” (tạm dịch: Những nguyên tắc trong cuộc sống) của Ray Dalio để nhận ra rằng cuốn sách này không liên quan gì đến cuộc sống sinh viên của tôi.
Khi bạn cố gắng tìm kiếm những bài học có thể áp dụng được nhưng không tìm được lời khuyên hữu ích nào thì đó không phải lỗi của bạn. Thay vào đó, có thể là do đọc sai sách hoặc sai thời điểm đọc sách.
Bill Gates hoàn thành mọi cuốn sách mà ông đọc không phải vì ông ép mình đọc một cuốn sách dở, mà vì ông đã chọn cuốn sách đó có mục đích.
Càng biết rõ tại sao mình đọc cuốn sách này thì càng dễ dàng để bạn tìm ra cách áp dụng kiến thức mình đã đọc vào cuộc sống một cách tự nhiên.
Cách thực hiện:
Trước khi bắt đầu bất kỳ cuốn sách nào, hãy tự hỏi: “Ngay bây giờ, vấn đề lớn nhất mà bạn phải đối mặt là gì?” “Bạn muốn phát triển những kỹ năng nào?”
Nếu một cuốn sách không hứa hẹn sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề, hãy bỏ qua nó. Hãy nghiên cứu trước khi đọc một cuốn sách. Chọn sách một cách khôn ngoan, sau đó đọc, đọc thật kỹ.
Bằng cách chọn đúng nội dung vào đúng thời điểm, bạn sẽ thích thú với những dòng chữ trong sách.
“Không phải là biết phải làm gì, mà là làm những gì bạn biết.” — Tony Robbins
Hầu hết mọi người trên hành tinh này đều đọc một cuốn sách, có những khoảnh khắc “aha” và sau khi đọc xong cuốn sách đó, họ sẽ quên đi mọi điều họ vừa học.
Trừ khi bạn suy nghĩ và hành động trong khi đọc, bạn sẽ không bao giờ áp dụng được các bài học trong sách vào cuộc sống vì sau này, bạn sẽ không bao giờ mở sách ra để tìm định nghĩa một khái niệm cụ thể.
Thành thật mà nói, bằng cách trì hoãn hành động của mình, bạn đang phí thời gian. Tôi viết điều này từ kinh nghiệm của mình. Tôi tự nhủ: “Điều này thật sâu sắc, mình nên làm điều này sau khi đọc xong cuốn sách.” Và sau đó… không có sau đó nữa.
Đọc đi đọc lại những khái niệm giống nhau sẽ không cải thiện được cuộc sống của bạn. Việc áp dụng những khái niệm này sẽ thay đổi cuộc đời bạn mãi mãi.
Nếu bạn không áp dụng kiến thức bạn đọc vào đúng thời điểm bạn đọc nó, nó sẽ cứ thế mà trôi đi. Khi bạn làm điều gì đó theo lời khuyên trong sách, hãy làm nó trong khi đọc.
Cách thực hiện:
Nếu bạn tình cờ tìm được lời khuyên hữu ích, hãy tạo một môi trường khuyến khích bạn thực hiện những gì bạn vừa học được.
Hãy tạo danh sách việc cần làm hoặc mục hành động và gắn chúng ở nơi dễ thấy. Nếu bạn đọc “Deep Work” của Cal Newport, hãy bắt đầu thay đổi lịch làm việc của bạn vào sáng mai.
Bằng cách hình thành các mục hành động từ sách của mình, bạn sẽ tận dụng tối đa mọi cuốn sách. Bạn sẽ có thể áp dụng kiến thức từ sách vào cuộc sống của mình.
“Đối với những cuốn sách hay, vấn đề không phải là xem bạn đọc được bao nhiêu cuốn mà là bạn hiểu được bao nhiêu cuốn.” — Mortimer J. Adler
Nhiều người đánh giá sự khôn ngoan của bạn dựa trên số sách bạn đọc. Cách nghĩ này quá thiếu sót. Không phải số lượng trang bạn đọc hết sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn, khôn ngoan hơn và sung túc hơn.
Khi bạn tập trung vào số lượng, bạn có xu hướng đọc lướt qua nội dung. Với mục tiêu hoàn thành số lượng sách, bạn rất dễ bỏ qua những đoạn văn có ý nghĩa.
Bằng cách đọc lại một cuốn sách, bạn có thể kiểm tra xem mình đã áp dụng phần nào và quên phần nào. Sau đó, bạn có thể tập trung nỗ lực vào những phần cần ứng dụng nhiều hơn.
Ryan Holiday là một ví dụ ấn tượng về sức mạnh của việc đọc lại. Anh đã đọc cùng một cuốn sách 100 lần trong 10 năm. Không còn nghi ngờ gì nữa, thói quen này đã mang lại cho Ryan tri thức và anh đã viết ra 3 cuốn sách bán chạy nhất.
Cách thực hiện:
Tập trung vào quá trình đọc chứ không phải vào tổng số sách bạn đã đọc. Xem lại những cuốn sách đã ảnh hưởng đến bạn nhiều nhất.
Sách cũng thay đổi như chúng ta vậy. Bạn sẽ ngạc nhiên trước biết bao điều mới mẻ mà bạn có thể khám phá ra mà trước đây bạn đã bỏ lỡ.
Đọc sách là cách nhanh nhất để mở rộng thế giới quan và cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, đừng đặt mục tiêu đọc một số lượng sách cụ thể mỗi năm. Thay vào đó, hãy đảm bảo bạn chọn cuốn sách phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống của mình, tạo các mục hành động và xem lại những cuốn sách thay đổi cuộc đời.
Chỉ đọc sách sẽ mở rộng kiến thức, nhưng việc áp dụng nó sẽ thay đổi cuộc đời bạn. Đọc một vài cuốn sách hay mỗi năm và có thời gian thực hiện sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn, sung túc hơn và sáng suốt hơn.
- Tham khảo learntrepreneurs