Nhiều thập kỷ trôi qua, có không ít ca sĩ đã thể hiện các sáng tác của cố nhạc sĩ nhưng không phải ai cũng thành công trong việc thể hiện cái hồn, triết lý mà ông muốn truyền tải. Và trong những cái tên hát nhạc Trịnh thành công, khán giả thấy được những bóng hồng đã gắn bó với ông nhiều năm khi còn tại thế.
Khánh Ly
Nhắc đến người hát nhạc Trịnh Công Sơn, cái tên được nhắc đến nhiều nhất chắc chắn là danh ca Khánh Ly. Nhiều khán giả nhận xét rằng, nhạc Trịnh chỉ đúng là nhạc Trịnh khi được cất lên qua chất giọng liêu trai, ma mị đặc trưng của danh ca Khánh Ly.
Hồng Nhung - giọng ca hát nhạc Trịnh thuộc thế hệ sau từng chia sẻ: "Khánh Ly là chỗ đứng độc nhất vô nhị, không chỉ có giọng hát mà còn là tri thức lớn. Nhạc Trịnh, nốt nhạc đơn giản, nhưng để nâng được lên cần phải có nền móng văn hóa rất lớn. Chị Khánh Ly là người làm được như thế". Bấy nhiêu cũng đủ thấy, Khánh Ly - Trịnh Công Sơn là bộ đôi khó có người thay thế trong âm nhạc.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng là thầy dạy hát cho Khánh Ly. Bản thân nữ danh ca lại nhờ nhạc Trịnh mà thành danh, đủ kinh tế lo cho các con. Cả đời mình, Khánh Ly gắn bó với nhạc Trịnh, đi qua nhiều thế hệ khán giả từ thời chiến đến thời bình và chinh phục từng người yêu mến những sáng tác của cố nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ về cơ duyên gặp gỡ Khánh Ly, khi đó bà đi hát ở Đà Lạt và chưa nổi tiếng. Nghe qua giọng và thấy phù hợp với những ca khúc của mình, Trịnh Công Sơn bắt đầu cùng Khánh Ly đi hát ở nhiều nơi để phục vụ khán giả.
"Cát bụi", "Biển nhớ", "Dấu chân địa đàng", "Còn tuổi nào cho em"… hầu như các ca khúc Trịnh Công Sơn đều từng được Khánh Ly thể hiện và để lại dấu ấn riêng.
Hồng Nhung
Âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có thời điểm được Hồng Nhung thổi một làn gió mới - đó là khoảng thời gian 10 năm trước khi ông qua đời. Khi ấy, Hồng Nhung chỉ mới bước qua ngưỡng cửa đôi mươi, và cô ca sĩ 21 tuổi hát nhạc Trịnh đã nhận không ít phản ứng trái chiều, bởi lúc đó người ta chỉ biết đến Khánh Ly.
Thế nhưng, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người đã bênh vực Hồng Nhung và rất thích những màn thể hiện của cô. Với ông, việc Hồng Nhung thể hiện các ca khúc nhạc Trịnh đã giúp ông "có một chỗ đứng ở hiện tại chứ không phải kẻ nhắc tuồng của quá khứ".
Trở thành bóng hồng trong âm nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh, Hồng Nhung được ông viết tặng 3 ca khúc gắn liền với biệt danh Bống của mình là "Bống hồng ơi", "Bống không là bống" và "Thuở bống là người".
Ngoài bộ 3 ca khúc riêng, Hồng Nhung từng thể hiện thành công nhiều sáng tác của Trịnh Công Sơn như "Ru em từng ngón xuân nồng", "Đóa hoa vô thường"... Sở hữu chất giọng đẹp, cách nhả chữ tốt, Hồng Nhung đã mang đến một tinh thần mới, trẻ trung hơn cho âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Lệ Thu
Nhiều người biết đến nhạc Trịnh thông qua giọng ca Khánh Ly nhưng thực chất, danh ca Lệ Thu mới là người đầu tiên hát nhạc Trịnh sau chính tác giả. Cả hai từng đi hát cùng nhau ở các trường đại học tại Sài Gòn.
Cũng giống với Khánh Ly, danh ca Lệ Thu nổi danh nhờ nhạc Trịnh. "Xin mặt trời ngủ yên", "Hạ trắng"... đã đưa tên tuổi của Lệ Thu lên tầm cao, trở thành "nữ hoàng phòng trà" nức tiếng Sài Gòn những năm 1960. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng khẳng định, Lệ Thu là người hát "Hạ trắng" hay nhất.
Sau này, danh ca Lệ Thu nhận lời làm ca sĩ độc quyền cho một phòng trà nên việc cô và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn du ca cũng chấm dứt. Dù vậy, trong sự nghiệp ca hát của mình, nữ danh ca vẫn dành vị trí cho những ca khúc nhạc Trịnh.
Tháng 1/2021, danh ca Lệ Thu qua đời ở Mỹ vì nhiễm Covid-19, để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho khán giả.
Cẩm Vân
Cẩm Vân gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào năm 1984 trong một đêm nhạc. Nổi tiếng với dòng nhạc cách mạng nhưng Cẩm Vân được khán giả yêu cầu hát một ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn. Vì không thuộc lời, nữ ca sĩ định từ chối nhưng được đích thân Trịnh Công Sơn lên sân khấu động viên.
Vợ chồng Cẩm Vân - Khắc Triệu vốn có mối quan hệ thân thiết với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong sự nghiệp ca hát của mình, Cẩm Vân đã cho ra mắt 3 album nhạc Trịnh gồm "Huế - Sài Gòn - Hà Nội", "Xin cho tôi", "Xin mặt trời ngủ yên". Với chất giọng tự sự đầy cảm xúc, những sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua giọng hát của Cẩm Vân luôn khiến người nghe bị cuốn hút.
Cẩm Vân từng chia sẻ, cô không dám nhận mình hát nhạc Trịnh thành công, nhưng tâm niệm bản thân tiếp nối những người từng hát nhạc Trịnh, lưu giữ giá trị và được khán giả yêu mến. Nữ ca sĩ cho rằng, phải là người từng trải qua thăng trầm trong cuộc sống mới có thể hát nhạc Trịnh được.
"Nhạc của Trịnh Công Sơn rất dễ đi vào lòng người, ca từ sâu sắc, triết lý. Tôi cảm giác nhạc Trịnh như một cuốn từ điển mới, bởi có những từ ngữ anh Sơn viết trong bài hát mà từ điển không có. Đặc biệt, mỗi khi hát nhạc Trịnh, tôi luôn cảm nhận được những lời mà anh Sơn viết ra rất ý nghĩa và dạy cho mình phải trân trọng cuộc sống này từng giây, từng phút", Cẩm Vân tâm sự.
Ánh Tuyết
Trong số những bóng hồng hát nhạc Trịnh, ca sĩ Ánh Tuyết có lẽ là một trường hợp đặc biệt. Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tha thiết muốn nữ ca sĩ hát nhạc của mình nhưng mãi đến khi ông rời cõi tạm, mong ước này vẫn chưa thể thực hiện.
Điều này từng khiến ca sĩ Ánh Tuyết day dứt suốt một thời gian dài. Khi đến với nhạc Trịnh, Ánh Tuyết đã thành công ở một dòng nhạc khác nhưng nhờ cách hát riêng biệt, cô không bị trộn lẫn với các ca sĩ khác.
Năm 2011, nữ ca sĩ tổ chức một đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ, đồng thời cho ra mắt 2 album như lời xin lỗi muộn và thực hiện lời hứa với người anh mà cô luôn yêu quý.
"Hát nhạc Trịnh thì ai cũng có thể hát được nhưng để hay và thể hiện đúng ý đồ tác giả muốn nói, muốn gửi gắm thì không hề dễ. Nhạc Trịnh có khi hân hoan với niềm vui, cũng có khi là nỗi đau của sự mất mát", ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ. Vào ngày 1/4 năm nay, nữ ca sĩ cũng tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, diễn ra ở Quảng Nam.
Băng Châu