20 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “trở về với cát bụi” cũng là khoảng thời gian đủ để một thế hệ mới sinh ra, lớn lên và trưởng thành.
“Thời gian lùi xa, nhưng trong gia đình chúng tôi, anh Sơn và những tác phẩm anh để lại càng trở nên gần gũi hơn. Ngày càng có thêm nhiều tác phẩm của anh đến được với công chúng và cho chúng ta một hình dung hoàn chỉnh về cái di sản âm nhạc được anh sáng tạo trong gần nửa thế kỷ. Những tác phẩm đó cũng cho chúng ta thấy rõ thân phận của con người, của dân tộc Việt, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử trong nửa cuối của thế kỷ 20” - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái út của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ.
Nhạc Trịnh Công Sơn là âm nhạc của mọi tầng lớp trong xã hội. Đó là dòng nhạc mà ai cũng có thể chạm tới theo cách riêng của mình. Mỗi chương trình đâu đó, từ lớn đến nhỏ, cộng đồng yêu Nhạc Trịnh nghêu ngao với lối hát du ca hay phòng trà tráng lệ, phong cách jazz, piano, violin cũng đã được trải nghiệm bên cạnh kìm, sáo, mỏ tụng, phách tre, chuông đồng..
Trịnh Công Sơn cũng là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi. Ông được báo chí và cộng đồng quốc tế nhắc đến như “Bob Dylan của Việt Nam” (BBC), “Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam” (The Washington Post). Không chỉ vậy, âm nhạc của Trịnh Công Sơn còn ghi dấu ấn đặc biệt tại Nhật Bản. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có sản phẩm âm nhạc phát hành tại thị trường Nhật Bản với nhiều ca khúc trong đó có Diễm xưa và Ca dao mẹ. Hơn 2 triệu album bán ra tại Nhật Bản trong nhiều năm qua là minh chứng cho sự thành công này.
Các ca khúc của ông cũng được dịch ra tiếng Nhật và được biểu diễn, thu âm bởi những nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu và thường xuyên được hát trong Kohaku Uta Gassen, chương trình Âm nhạc Đêm giao thừa thường niên của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK trước hàng triệu khán giả.
Ông Nguyễn Trung Trực (chồng của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh) chia sẻ: “Trong tinh thần và phong cách đó, và để kỷ niệm 20 năm anh rời cõi tạm, người hâm mộ nhạc Trịnh sẽ có cơ hội tham gia nhiều đêm nhạc trên khắp mọi miền đất nước. Từ “Đêm thao thức cùng Trịnh” trên mộ anh đến 4g sáng sau ngày giỗ tại TP. HCM, đến Nhà hát Lớn Hà Nội và nhiều chương trình khác do bạn bè, những người yêu quý anh tổ chức”.
Trong bối cảnh đất nước và thế giới đang đối đầu với cơn đại dịch. Việt Nam thành công trong việc vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, nên chủ đề của các đêm nhạc Trịnh năm nay mang tên “Những sớm mai Việt Nam”, tập trung vào những bài nhạc Trịnh phù hợp nhất xoay quanh những triết lý, khó khăn trong cuộc sống và thiền, cũng như để giải thoát và tìm được hạnh phúc, niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
Các đêm nhạc Trịnh Công Sơn do gia đình tổ chức bên cạnh những nghệ sĩ nổi tiếng như Cẩm Vân, Quang Dũng, Đức Tuấn, Phạm Thu Hà, saxophonist Trần Mạnh Tuấn là những nghệ sĩ trẻ tài năng tâm huyết với nhạc Trịnh như Lân Nhã, Hà Lê, saxophonist An Trần, Hoàng Trang, Tấn Sơn, Nhóm múa Lyricists,
Chuỗi chương trình 20 năm nhớ Trịnh Công Sơn 2021
Ngày giỗ 4.1 tại nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, Q3 với livestream rộng rãi đến khắp mọi nơi lúc 20 giờ.
Ngày 9.4 đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn được tổ chức tại hội trường Trịnh Công Sơn tại Trường Đại học Văn Lang (TP.HCM)
Ngày 17.4 đêm nhạc Hãy yêu nhau đi được công diễn tại công Viên Fidel, TP Đông Hà, Quảng Trị (chương trình cũng được phát trực tiếp trên mạng xã hội và một số đài truyền hình trong nước)
Ngày 24.4 đêm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ được tổ chức tại khu Công nghiệp và Đô thị VSIP, Việt Nhân, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 1.5 đêm nhạc Trịnh Công Sơn tổ chức tại khu du lịch sinh thái Cồn Bắp, TP Hội An, Quảng Nam.
Ngày 13.6, đêm nhạc Trịnh tổ chức tại Đại Nội, TP Huế trong Huế Festival 2021
Tháng 6 và tháng 12.2021. Khu Công Nghiêp VSIP/Việt Nhân tại Bình Dương và Hải Phòng.
Phim “Em Và Trịnh” cùng đồng hành theo chuỗi sự kiện 20 năm nhớ Trịnh Công Sơn vào cuối tháng 12.2021.